Hiện nay, hoạt động kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế tại cơ quan thuế của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành II và KTNN khu vực chưa có sự phân định rõ ràng dẫn đến chồng chéo về nội dung, đối tượng, thời gian kiểm toán. Vì sao chưa phân định rõ và giải pháp nào để khắc phục tình trạng này?
Cần phân định rõ hoạt động kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế để tránh chồng chéo trong quá trình thực hiện. Ảnh minh họa
Kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế - vì sao chưa phân định rõ?
ThS. Bùi Minh Dương - KTNN chuyên ngành II và ThS. Hoàng Mạnh Hùng - KTNN khu vực II - cho biết, trong những năm qua, các cuộc kiểm toán chuyên đề quản lý thuế, cuộc kiểm toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) do KTNN thực hiện đã đạt được những kết quả tích cực, kiến nghị xử lý, khắc phục những hạn chế, sai phạm và kiến nghị tăng thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách nhà nước.
Tuy nhiên, hoạt động kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế tại cơ quan thuế của KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực chưa có sự phân định rõ ràng dẫn đến việc thực hiện nhiệm vụ giữa KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực còn gặp vướng mắc, chẳng hạn, chưa phân định rõ ràng về thẩm quyền trong hoạt động kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế trong một số trường hợp; hoạt động giữa KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực còn chồng chéo về đối tượng, nội dung, thời gian kiểm toán.
Nguyên nhân của thực trạng trên là do kế hoạch của KTNN không nêu chi tiết về đối tượng, nội dung, thời gian được kiểm toán mà chỉ ghi đầu mối được kiểm toán nên khi thực hiện kế hoạch kiểm toán, có hiện tượng KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực cùng thực hiện kiểm toán tại 1 cục thuế trong cùng khoảng thời gian. Chưa có quy định về việc xây dựng các nguyên tắc, tiêu chí phân định trong hoạt động kiểm toán nghiệp vụ quản lý thuế giữa KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực dẫn đến tình trạng một cục thuế vừa là đối tượng của KTNN chuyên ngành II và vừa là đối tượng của KTNN khu vực. KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực khi thực hiện kiểm toán việc quản lý nghiệp vụ thuế đều có thẩm quyền kiểm toán thuế tại các cơ quan quản lý thu thuế và thẩm quyền kiểm toán việc chấp hành các quy định về thuế tại các đối tượng nộp thuế (gồm: Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế và các cá nhân). Chính điểm chung này dẫn tới việc phân định giữa hoạt động kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế của KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực chưa rõ ràng, gây chồng chéo trong quá trình thực hiện.
Đề xuất 2 phương án phân định quản lý hoạt động kiểm toán
Từ thực tế trên, ThS. Bùi Minh Dương và ThS. Hoàng Mạnh Hùng đề xuất 2 phương án về phân định quản lý hoạt động kiểm toán. Phương án 1: Giao nhiệm vụ kiểm toán quản lý nghiệp vụ thuế cho 1 đơn vị thuộc KTNN sẽ có thể đánh giá toàn diện, đầy đủ về nội dung này. Tuy nhiên, việc thực hiện phương án 1 cần xét đến yếu tố nguồn lực của các đơn vị và cơ cấu tổ chức hiện nay của KTNN. Phương án 2: Ngược lại với phương án 1 (thực hiện như hiện hành). Tuy đây không phải là phương án tốt nhất song là phương án khả thi nhất, có thể triển khai phù hợp với các điều kiện hoạt động, cơ cấu tổ chức của KTNN hiện nay. Để thực hiện phương án này tốt hơn, KTNN cần lưu ý các giải pháp sau:
Thứ nhất, bổ sung quy định áp dụng nguyên tắc, tiêu chí phân công nhiệm vụ tại Hướng dẫn kiểm toán ngân sách Bộ, ngành và Hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương đối với nội dung kiểm toán tại cơ quan thuế nhằm xác định cụ thể các nội dung, đầu mối kiểm toán thuộc nhiệm vụ của đơn vị nào trong trường hợp có trùng lặp giữa KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực ngay từ khâu lập kế hoạch kiểm toán. Song song với đó, cần rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm, phạm vi hoạt động, mối quan hệ công tác của KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực để không chồng chéo khi thực hiện nhiệm vụ.
Thứ hai, xây dựng nguyên tắc, tiêu chí phân công nhiệm vụ kiểm toán cụ thể đối với KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực.
Thứ ba, xây dựng quy chế phối hợp trong quá trình trao đổi giữa KTNN chuyên ngành II, KTNN khu vực và Vụ Tổng hợp để giải quyết thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lặp trong hoạt động kiểm toán.
Thứ tư, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin về quản lý kế hoạch kiểm toán; xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ về đầu mối kiểm toán và cập nhật thường xuyên; công khai dự thảo kế hoạch cuộc kiểm toán và đầu mối kiểm toán chi tiết của các đơn vị; xây dựng phần mềm có khả năng phát hiện sự trùng lặp khi nhập tên cuộc kiểm toán và các đầu mối kiểm toán chi tiết giữa KTNN chuyên ngành II và các KTNN khu vực; phần mềm cảnh báo cho Vụ Tổng hợp biết các cuộc kiểm toán có nội dung, tính chất và đầu mối kiểm toán chi tiết bị trùng lặp. Trên cơ sở đó, Vụ Tổng hợp sẽ phối hợp với KTNN chuyên ngành II và các KTNN khu vực xem xét từng trường hợp cụ thể, báo cáo lãnh đạo KTNN xem xét quyết định đơn vị thực hiện kiểm toán.
Thứ năm, khi xây dựng phương án kiểm toán hằng năm, cần xác định thời gian kiểm toán cụ thể dự kiến tại các đơn vị chi tiết, việc này hiện nay chỉ được thực hiện khi kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán được phê duyệt. Việc xác định thời gian kiểm toán cụ thể dự kiến tại các đơn vị chi tiết khi xây dựng phương án kiểm toán ngay từ năm trước năm kế hoạch sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Vụ Tổng hợp trong việc rà soát toàn bộ phương án tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm toán, thời gian thực hiện, tránh trùng lặp, chồng chéo và hạn chế tối đa sự xuất hiện các đoàn kiểm toán trên cùng một địa bàn.
Thứ sáu, xây dựng, hoàn chỉnh bộ cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán chi tiết. Cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán chi tiết ghi chép tất cả thông tin về đầu mối kiểm toán chi tiết trên toàn quốc; kết nối toàn Ngành để khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về đầu mối kiểm toán này. Vụ Tổng hợp là đơn vị chủ trì xử lý chồng chéo và chủ trì phối hợp với KTNN chuyên ngành II và KTNN khu vực giải quyết các vấn đề có liên quan./.
Minh Anh
(Báo Kiểm toán số 21/20223)