Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch (sửa đổi)

30/05/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 30/5/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu kết luận tại phiên họp

Tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), có 77 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 15 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. 
 
Ngay sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, chỉnh lý dự thảo Luật theo ý kiến của các vị ĐBQH.
 
Tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, về đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật, tiếp thu ý kiến của ĐBQH, UBTVQH đã rà soát kỹ lưỡng các văn bản quy phạm pháp luật (26 Luật và các văn bản quy định chi tiết) và điều ước quốc tế (09 văn bản) liên quan đến dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
 
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị cân nhắc lộ trình thực hiện để đảm bảo tính khả thi; có ý kiến đề nghị nên hạn chế mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với các lĩnh vực đất đai, thừa kế, ly hôn, kết hôn, khai sinh… Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Điều 1 đã được chỉnh lý như trong dự thảo Luật theo hướng: Chỉ quy định việc thực hiện giao dịch bằng phương tiện điện tử, không quy định về nội dung, hình thức, điều kiện của giao dịch thuộc các lĩnh vực khác nhau, trong đó có lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Giao dịch trong lĩnh vực nào sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật chuyên ngành của lĩnh vực đó.
 
Về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm quản lý Nhà nước về hoạt động GDĐT; đề nghị làm rõ vai trò quản lý Nhà nước về GDĐT của cơ quan thuộc Chính phủ, bổ sung trách nhiệm quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng Chính phủ của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng… Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, xin Quốc hội cho phép bỏ khoản 4 Điều 7, đồng thời đề nghị bổ sung nội dung “Bộ trưởng Bộ Quốc phòng” vào khoản 2, khoản 3 Điều 7 và bổ sung khoản 4 Điều 7 quy định: “4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xây dựng và phát triển hệ thống chứng thực chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định của pháp luật”.
 
Liên quan đến chữ ký điện tử, có ý kiến đề nghị cần làm rõ nội hàm của chữ ký số, chữ ký điện tử; đề nghị làm rõ các hình thức OTP, SMS hay sinh trắc học có phải là chữ ký điện tử không? có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các biện pháp xác thực với vai trò như là chữ ký điện tử. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho biết, tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã chỉnh lý nội dung giải thích từ ngữ về “Chữ ký số”, “Chữ ký điện tử” tại Điều 3, đồng thời UBTVQH đã chỉ đạo bổ sung khoản 4 Điều 25 quy định về các hình thức xác nhận khác bằng phương tiện điện tử mà không phải là chữ ký điện tử thì thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành, để phù hợp với thực tiễn triển khai.
 
Về giao dịch điện tử của cơ quan Nhà nước, UBTVQH đã chỉ đạo rà soát, chỉnh lý các điều từ Điều 43 đến Điều 47 dự thảo Luật quy định cụ thể về các loại hình GDĐT, các hoạt động, trách nhiệm của cơ quan Nhà nước và các quy định hỗ trợ nhằm thúc đẩy GDĐT.
 
Về hệ thống thông tin phục vụ giao dịch điện tử, có ý kiến đề nghị quy định cụ thể trách nhiệm giám sát, quản lý hệ thống thông tin phục vụ GDĐT của các cơ quan Nhà nước có liên quan. Tiếp thu ý kiến của ĐBQH, để đảm bảo tính khả thi, Điều 51 được đổi tên và chỉnh lý nội dung tương ứng.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy báo cáo tại phiên họp.

Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy nhấn mạnh, ngoài các vấn đề trên đây, UBTVQH đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện văn phong pháp lý, sắp xếp, bố cục lại dự thảo Luật cho hợp lý và lô gíc hơn. Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 07 Chương, 54 Điều.
 
Phát biểu gợi ý nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo luật, với 77 lượt đại biểu Quốc hội phát biểu tại tổ, 15 lượt ý kiến phát biểu tại hội trường. UBTVQH đã tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách để thảo luận về dự án luật và đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các vị ĐBQH hội tập trung thảo luận các nội dung đã nêu trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luận và các vấn đề khác mà ĐBQH quan tâm, tập trung vào các nội dung còn có nhiều ý kiến tham gia như: Phạm vi điều chỉnh; các khái niệm, giải thích từ ngữ, thuật ngữ; trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử; trách nhiệm của Bộ Thông tin Truyền thông, Bộ Quốc phòng, các Bộ, ngành khác; chữ ký số chuyên dùng; dịch vụ tin cậy tại doanh nghiệp điện tử; cơ quan cấp phép cho tổ chức cung cấp dịch vụ tin cậy.
 
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản thống nhất và đánh giá cao nội dung dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trình tại kỳ họp này. Các đại biểu cho rằng, báo cáo giải trình, tiếp thu của UBTVQH đã tiếp thu tương đối đầy đủ, chi tiết ý kiến của các đại biểu tại Kỳ họp thứ 4 và chuẩn bị tài liệu kỹ lưỡng, toàn diện. 
 
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo Luật Giao dịch (sửa đổi), các đại biểu đã tập trung thảo luận một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Luật.
 
ĐBQH Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đề nghị Ban soạn thảo tiếp rà soát, chỉnh lý về giải thích từ ngữ và chỉnh lý kỹ thuật để đảm bảo thống nhất giữa các Điều, khoản trong dự thảo Luật, bởi dự thảo Luật này có rất nhiều thuật ngữ chuyên ngành…
 
Cụ thể, đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về khái niệm “chứng thư điện tử” tại Khoản 5, Điều 3 của dự thảo Luật với Khoản 1, Điều 4 Luật giao dịch điện tử năm 2015. Theo đại biểu, cần chỉnh lý về mặt kỹ thuật để có cách hiểu thống nhất. Bên cạnh đó, nghiên cứu sử dụng cụm từ “dữ liệu chủ” hay “dữ liệu gốc” tại Khoản 9 nhằm đảm bảo phù hợp, thống nhất với nội dung giải thích về cụm từ này. Đồng thời, bổ sung giải thích từ ngữ đối với “tài khoản giao dịch điện tử” để thống nhất với các nội dung được quy định tại Điều 49 về tài khoản giao dịch điện tử. 
 
Về chữ ký số chuyên dùng công vụ, đại biểu nhận thấy cụm từ “chữ ký số chuyên dùng công vụ” được lặp lại 22 lần trong dự thảo Luật, quy định trách nhiệm của các chủ thể trong quản lý Nhà nước. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ.
 
Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân (Bình Dương) cho rằng, dự thảo Luật GDĐT là chuyên ngành chuyên sâu còn có nhiều từ khóa chưa rõ và khó hiểu, chỉ có các nhà chuyên môn mới hiểu được. Do đo, cần tiếp tục nghiên cứu rà soát để quy định rõ hơn tại giải thích từ ngữ. Đồng thời đề nghị quy định về Bộ trưởng Bộ Quốc phòng thực hiện quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử trong lĩnh vực cơ yếu, chữ ký số chuyên dùng công vụ theo quy định pháp luật về cơ yếu và giao dịch điện tử.
 
Đồng quan điểm, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (An Giang) đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để quy định cụ thể hơn thẩm quyền của Bộ Quốc phòng và vai trò, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ đối với việc quản lý, khai thác, cung cấp chữ ký số chuyên dùng công vụ.
 
Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) đánh giá, việc sửa đổi, hoàn thiện Luật GDĐT cho phù hợp trong tình hình hiện nay là nhiệm vụ cấp bách, tạo môi trường pháp lý thuận lợi để chuyển các hoạt động từ thế giới thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia GDĐT. Tuy nhiên, thời gian qua, các hình thức tội phạm lợi dụng giao dịch điện tử ngày càng đa dạng, tinh vi; các hành vi lừa đảo trên không gian mạng thông qua các mạng xã hội, qua các ứng dụng thanh toán điện tử, trang web giả mạo... không chỉ gây thiệt hại cho người dân, doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người dân đối với các giao dịch trên môi trường điện tử.
 
Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật đã tiếp thu chỉnh lý, quy định rõ ràng về các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin mạng và an ninh mạng trong giao dịch điện tử; quy định trách nhiệm của các bên tham gia trong giao dịch điện tử. Tuy nhiên, để phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng lợi dụng giao dịch điện tử để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, cần bổ sung quy định trách nhiệm của các nhà cung cấp, các nền tảng trung gian trong kiểm soát và loại bỏ các nội dung vi phạm pháp luật trên nền tảng số, trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước có liên quan trong việc giám sát, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong giao dịch điện tử theo lĩnh vực, địa bàn được phân công.
 
Phát biểu giải trình tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN & MT Lê Quang Huy thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo cảm ơn các đại biểu Quốc hội đã đóng góp những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đặt ra nhiều vấn đề quan trọng để cơ quan soạn thảo, thẩm tra nghiên cứu thấu đáo, giải trình đầy đủ và hoàn thiện dự thảo Luật. 
 
Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN &MT thông tin, cơ quan thẩm tra sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để đảm bảo yêu cầu phát triển, dự án Luật này có sự tham khảo từ hệ thống pháp luật của các nước trên thế giới, trong đó có cố gắng Việt hóa một số khái niệm mới, tuy nhiên, có một số khái niệm khó từ tiếng Việt tương ứng, hoặc không hoàn toàn trùng khớp về ngữ nghĩa, nên việc sử dụng thuật ngữ còn có chỗ chưa rõ ràng. Cơ quan thẩm tra sẽ rà soát, nghiên cứu để đảm bảo các khái niệm được giải thích rõ hơn. 
 
Về vấn đề quản lý Nhà nước quy định tại Điều 7 của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT cho rằng có hai vấn đề đang cần nghiên cứu kỹ là quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trách nhiệm của Ban Cơ yếu Chính phủ. Cơ quan thẩm tra đã có phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì soạn thảo để thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật và kết luận của UBTVQH, phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ, Ủy ban Pháp luật, các cơ quan có liên quan để nghiên cứu, tiếp thu, dù phương án Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 là không có nội dung này.

Về định danh điện tử, Ủy ban KH,CN & MT đã làm việc với Chính phủ, xin ý kiến UBTVQH để chuyển các quy định về nội dung này sang Luật Căn cước công dân. Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT khẳng định, cơ quan thẩm tra sẽ nghiêm túc tiếp thu đầy đủ, toàn diện các ý kiến của các đại biểu để đảm bảo dự án Luật đạt chất lượng cao.
 
Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, có 12 đại biểu Quốc hội phát biểu, 2 đại biểu tranh luận, 9 đại biểu chưa phát biểu do hết thời gian, đề nghị gửi ý kiến đến Ban Thư ký để tổng hợp. Tại phiên thảo luận.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải khẳng định, qua thảo luận các đại biểu đánh giá cao việc chuẩn bị báo cáo tiếp thu, giải trình UBTVQH và tham gia nhiều ý kiến chất lượng, xác đáng và sôi nổi; cần nghiên cứu kỹ nữa để hoàn thiện dự án Luật như phạm vi áp dụng, giải thích từ ngữ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về giao dịch điện tử, chữ ký số chuyên dùng công vụ, trách nhiệm quản lý Nhà nước về chữ ký số chuyên dùng, tài khoản định danh điện tử. 
 
Các ý kiến của các vị ĐBQH đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, UBTVQH sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến để hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật và chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật trình Quốc hội xem xét thông qua./.
 
Thanh Trang

Xem thêm »