Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ năm 2022 “Tổ chức kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập”

06/06/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) – Chiều 6/6/2023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) - 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Tổ chức kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập” đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành.

Báo cáo quá trình thực hiện đề tài, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín, chủ nhiệm đề tài nêu rõ: Với địa vị pháp lý là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; có chức năng đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. KTNN có vai trò quan trọng trong việc đánh giá thực trạng, phân tích tình hình, nguyên nhân và có kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ, bộ ngành, địa phương về các giải pháp nhằm đạt được các mục tiêu cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập. Đến nay, việc kiểm toán hoạt động cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa được triển khai thành các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc trong các cuộc kiểm toán ngân sách của bộ ngành, địa phương với đầy đủ hoặc một số các hoạt động chủ yếu của việc cơ cấu lại; các chuyên đề kiểm toán các trường đại học công lập, bệnh viện công lập trong năm 2019 chủ yếu kiểm toán việc thực hiện cơ chế tự chủ giai đoạn 2016 – 2018 nên chỉ có một phần mục tiêu cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập được kiểm toán (như việc thực hiện lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công, thực hiện quyền tự chủ bộ máy, nhân sự và tài chính,…).
Do chưa triển khai kiểm toán việc cơ cấu lại nên KTNN chưa đánh giá được tình hình, tiến độ thực hiện các mục tiêu và việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập trong từng giai đoạn; chưa xác định những nguyên nhân, bất cập, vướng mắc có ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu của từng giai đoạn để có kiến nghị đối với đơn vị, địa phương được kiểm toán nhằm hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập cho các giai đoạn tiếp theo.
Việc tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, cuộc kiểm toán hoạt động với đầy đủ hoặc một số hoạt động chủ yếu của việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập tại các bộ ngành, các địa phương là cần thiết để phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện có hiệu quả, hiệu lực chủ trương của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ về cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là khi việc thực hiện trong các năm qua còn nhiều bất cập, vướng mắc, đòi hỏi Kiểm toán nhà nước phải thực hiện kiểm toán hoạt động này trong giai đoạn cơ cấu lại (2018 – 2030) cũng như sau khi vừa kết thúc việc cơ cấu lại theo Nghị quyết số 19-NQ/TW.
Do vậy, nghiên cứu đề tài “Tổ chức kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập” có tính cấp thiết về thực tiễn.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xây dựng các nội dung để tổ chức kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề tài sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó các phương pháp chủ yếu được sử dụng là: phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử, phương pháp phân tích, tổng hợp, phương pháp khảo sát, đánh giá tài liệu, quan sát, kiểm chứng, phương pháp thống kê, so sánh.

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu thành 2 chương: Chương 1- Cơ sở lý luận, thực trạng cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập và hoạt động kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập; Chương 2 - Tổ chức kiểm toán cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành: Đề tài có ý nghĩa thực tiễn, khoa học và lý luận cao trong bối cảnh hiện nay khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 (Hội nghị lần thứ 6, khóa XII) về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-CP ngày 24/01/2018 về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW. Hơn nữa, tại Kiểm toán nhà nước việc kiểm toán hoạt động cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập chưa được triển khai thành các cuộc kiểm toán chuyên đề hoặc trong các cuộc kiểm toán ngân sách của bộ ngành, địa phương.

Việc tổ chức các cuộc kiểm toán chuyên đề, cuộc kiểm toán hoạt động với đầy đủ hoặc một số hoạt động chủ yếu của việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập tại các bộ ngành, các địa phương là cần thiết để phát huy vai trò của Kiểm toán nhà nước trong thực hiện có hiệu quả, hiệu lực chủ trương của Đảng và chương trình hành động của Chính phủ về cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Đề tài được trình bày theo bố cục các phần rõ ràng, logic; văn phong mạch lạc, các bảng biểu, sơ đồ khoa học, phù hợp với từng nội dung được đề cập. Thực hiện trích dẫn tài liệu tham khảo rõ ràng, đảm bảo tính khoa học nghiêm túc.

Kết cấu đề tài chia làm 2 chương là phù hợp với đề tài NCKH cấp Bộ; dung lượng giữa các chương là phù hợp và cân đối.

Đề tài đã đạt được những thành công nhất định trong việc: Nghiên cứu về thực tiễn việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập; Nghiên cứu về hoạt động kiểm toán của KTNN đối với việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập; Đề xuất tổ chức kiểm toán việc thực hiện cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành công và kết quả đạt được, các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành đã tham gia đóng góp một số ý kiến để Ban chủ nhiệm đề tài cân nhắc, hoàn thiện thêm các nội dung nghiên cứu.
Tại Chương I, các thành viên trong Hội đồng khoa học KTNN đề nghị Ban đề tài xem xét bổ sung kinh nghiệm của một số nước trên thế giới về cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là có liên quan đến cơ quan KTNN của một số nước trên thế giới để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.

Đối với nội dung nghiên cứu “Chuyên môn, kinh nghiệm của kiểm toán viên”, và “Nguồn nhân lực trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán”, đề nghị Ban đề tài nghiên cứu bổ sung nội dung cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập không chỉ có ở các Kiểm toán nhà nước khu vực mà còn có ở các Kiểm toán nhà nước chuyên ngành, để đảm bảo phù hợp với đối tượng và phạm vi nghiên cứu của đề tài.

Tại Chương 2, đề nghị Ban đề tài bổ sung nội dung hồ sơ, biểu mẫu áp dụng theo Hướng dẫn thực hiện cơ cấu lại đối với đơn vị sự nghiệp do KTNN ban hành.

Xem xét, bổ sung một số nội dung trong phần Kiến nghị đối với KTNN như: Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng hằng năm cho các Kiểm toán viên đối với văn bản, chính sách, chế độ mới quy định về đơn vị sự nghiệp công lập, giúp các Kiểm toán viên được cập nhật, tích lũy kiến thức phục vụ cho công tác chuyên môn; Nghiên cứu xây dựng kế hoạch kiểm toán trung hạn, trong đó quan tâm lựa chọn chủ đề kiểm toán cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập nhằm đánh giá những cơ chế, bất cập về chính sách trong quá trình thực hiện để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền bổ sung sửa đổi cơ chế chính sách, tạo điều kiện cho các bộ ngành, địa phương cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập có hiệu quả, đáp ứng được nhu cầu của xã hội trong các lĩnh vực xã hội hóa.  

Ngoài ra, Ban đề tài nên cân nhắc bổ sung thêm nội dung đánh giá tác động của Đề tài được áp dụng vào thực tiễn trong hoạt động kiểm toán. 

Tiếp thu ý kiến của các các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành, Ban đề tài cho biết sẽ xem xét lại toàn bộ nội dung nghiên cứu, đặc biệt tại chương 2 đề tài sẽ có hướng tiếp cận phù hợp để nghiên cứu tổ chức kiểm toán chuyên đề, kiểm toán hoạt động tùy theo đặc thù của từng bộ, ngành, địa phương.

Ban chủ nhiệm đề tài sẽ tập trung hoàn thiện nội dung nghiên cứu đảm bảo chất lượng và tiến độ, để sản phẩm nghiên cứu có giá trị tham khảo cho các Nhà quản lý, lãnh đạo KTNN và các đơn vị trực thuộc KTNN trong việc đổi mới công tác kiểm toán việc cơ cấu lại đơn vị sự nghiệp công lập của KTNN.

Hà Linh
 
 

Xem thêm »