Ths. Phạm Thành Ngọc thay mặt Ban đề tài trình bày kết quả nghiên cứu
Trình bày tóm tắt kết quả nghiên cứu, Ths. Phạm Thành Ngọc cho biết, tài sản công là điều kiện vật chất đầu tiên và không thể thiếu để các CQTCĐV thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công.
KTNN xác định việc đánh giá tính tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công của các đơn vị được kiểm toán và phát hiện kịp thời hành vi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí trong quản lý, sử dụng tài sản công nhằm bảo đảm nguồn lực công được sử dụng tiết kiệm, hiệu quả là mục tiêu cơ bản cần đạt được. Thời gian qua, các mục tiêu này luôn được các Đoàn kiểm toán quan tâm thực hiện, đã có nhiều phát hiện kiểm toán có giá trị về hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài sản công tại đơn vị được kiểm toán chưa cao, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc kiểm toán.
Việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại CQTCĐVcủa KTNN” là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động kiểm toán của KTNN, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán nói chung và kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công nói riêng, cần quan tâm và hoàn thiện kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán.
Ngoài Lời mở đầu, Kết luận và Danh mục tài liệu tham khảo, đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1- Những vấn đề lý luận về kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị; Chương 2- Thực trạng kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Kiểm toán nhà nước; Chương 3- Phương hướng và giải pháp hoàn thiện kiểm toán hoạt động việc quản lý, sử dụng tài sản công tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của Kiểm toán nhà nước.
Đề tài sử dụng tổng hợp nhiều phương pháp nghiên cứu, trong đó các phương pháp chủ yếu được sử dụng là: tổng hợp, phân tích, so sánh, mô hình hóa,…
Theo đánh giá của các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành: Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, có tính thực tiễn và ứng dụng cao. Nội dung đề tài phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu, đã hệ thống hóa được những vấn đề lý luận về kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công tại CQTCĐV.
Đề tài đã phân tích thực trạng kiểm toán hoạt động việc quản lý sử dụng tài sản công tại CQTCĐV do KTNN thực hiện trong thời gian qua; chỉ ra các kết quả đạt được, các hạn chế và nguyên nhân làm hạn chế nội dung kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng nhà làm việc, công trình sự nghiệp; đất, xe ô tô tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của KTNN.
Bên cạnh đó, đề tài đã đề xuất các nhóm giải pháp hoàn thiện kiểm toán hoạt động quản lý, sử dụng tài sản công bao gồm: Hoàn thiện chủ đề kiểm toán hoạt động quản lý sử dụng nhà làm việc, công trình sự nghiệp, đất, xe ô tô tại CQTCĐV; Hoàn thiện mục tiêu, đối tượng, nội dung, phạm vi, phương pháp kiểm toán hoạt động quản lý sử dụng nhà làm việc, công trình sự nghiệp, đất, xe ô tô tại CQTCĐV; Xây dựng hệ thống tiêu chí đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực quản lý sử dụng nhà làm việc, công trình sự nghiệp, đất, xe ô tô tại CQTCĐV; Đa dạng hóa mô hình tổ chức kiểm toán theo hình thức và nội dung kiểm toán.
Sản phẩm nghiên cứu có giá trị tham khảo tốt trong tổ chức kiểm toán hoạt động việc quản lý sử dụng tài sản công tại CQTCĐV.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, các nhà khoa học, các chuyên gia trong Ngành đã tham gia đóng góp một số ý kiến để Ban chủ nhiệm đề tài cân nhắc, hoàn thiện thêm các nội dung nghiên cứu.
Các ý kiến tham gia đề nghị xem xét mở rộng phạm vi nghiên cứu từ khi Luật KTNN 2015 ban hành và có hiệu lực; phân tích làm rõ thêm về đặc điểm quản lý, sử dụng nhà làm việc, công trình sự nghiệp, đất, xe ô tô và đánh giá tác động của những đặc điểm này đến chất lượng kiểm toán; bổ sung các nhân tố thuộc về Kiểm toán viên nhà nước ảnh hưởng đến chất lượng kiểm toán như trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn, tính độc lập, liêm chính… và nhân tố thuộc về kiểm soát chất lượng kiểm toán.
Trong phần kiến nghị đề xuất, đề nghị bổ sung các giải pháp như: Nâng cao chất lượng đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước; Hoàn thiện điều kiện về cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ kiểm toán; Tăng cường hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán; Nâng cao nhận thức tinh thần, trách nhiệm phối hợp của đơn vị được kiểm toán…
Cảm ơn các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học và chuyên gia trong Ngành, Ths. Phạm Thành Ngọc cho biết Ban đề tài sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trước khi đưa ra hội đồng nghiệm thu. để sản phẩm nghiên cứu có giá trị giá trị khoa học và ứng dụng cao trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
Hà Linh