(sav.gov.vn) – Sáng 16/62023, tại trụ sở Kiểm toán nhà nước (KTNN) – 116 Nguyễn Chánh, Hà Nội, Ban chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương” tổ chức Hội thảo xin ý kiến các các chuyên gia trong Ngành để hoàn thiện đề tài.
Quang cảnh hội thảo
Đề tài do ThS. Hoàng Cẩm Tú - Vụ Tổng hợp, TS. Trương Đức Thành - KTNN khu vực IX và ThS. Dương Thanh Hải - KTNN khu vực I đồng chủ nhiệm.
Phát biểu tại hội thảo, ThS. Hoàng Cẩm Tú cho biết: Hướng dẫn kiểm toán là một phần quan trọng, không thể thiếu của bộ khung tài liệu làm việc của Kiểm toán viên khi thực hiện kiểm toán Báo cáo tài chính với mục tiêu xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo và thông tin tài chính. Tuy nhiên, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng Hướng dẫn chi tiết hoặc Chương trình kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) tại các Cơ quan Kiểm toán tối cao được cho là khó thực hiện vì đặc thù quản lý của các cấp ngân sách mỗi quốc gia, cũng như các yêu cầu quản lý của các nhà quản lý lĩnh vực công có đặc điểm khác biệt với lĩnh vực tư.
Trên thực tế, theo quy định của Điều 71 Luật Ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2015, KTNN Việt Nam phải thực hiện kiểm toán BCQT NSNN và BCQT NSĐP trước khi trình Quốc hội, HĐND cấp tỉnh xem xét, phê chuẩn. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, KTNN đã ban hành nhiều quy trình, hướng dẫn kiểm toán trong lĩnh vực ngân sách, song thực tế cho thấy các cuộc kiểm toán của KTNN đều là kiểm toán quyết toán NSĐP, trong đó lồng ghép việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của các báo cáo quyết toán; kiểm toán việc tuân thủ pháp luật về quản lý tài chính công, tài sản công; đánh giá tính kinh tế, hiệu quả và hiệu lực của các hoạt động. Do đó, việc xác nhận BCQT NSĐP còn nhiều lúng túng, chưa được chú trọng do lồng ghép nhiều mục tiêu; phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm của Kiểm toán viên; chưa có công cụ thực hiện thống nhất, do đó cũng chưa có biện pháp giám sát, kiểm tra và đảm bảo xác nhận từ các cấp quản lý khác nhau của KTNN đối với BCQT NSĐP.
Bên cạnh đó, thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, với định hướng tiến tới kiểm toán thường xuyên Báo cáo quyết toán NSĐP, trong đó hướng tới việc xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP theo các khuôn khổ pháp lý về lập Báo cáo quyết toán được quy định trong Luật NSNN, đặt ra yêu cầu cần xây dựng Hướng dẫn kiểm toán nhằm tạo ra công cụ cho Kiểm toán viên thực hiện các nội dung công việc xác nhận theo trình tự các bước một cách đầy đủ và toàn diện; giúp các cấp quản lý hoạt động kiểm toán và kiểm soát được các rủi ro kiểm toán khi xác nhận các BCQT NSĐP. Do đó, việc nghiên cứu đề tài “Xây dựng hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP” có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn.
Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, Đề tài được kết cấu thành 3 chương: Chương I - Tổng quan về hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; Chương II - Thực trạng về kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương; Chương III - Hướng dẫn kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương.
Đánh giá cao kết quả nghiên cứu và những đề xuất giải pháp của Ban Đề tài, các chuyên gia cho rằng, Đề tài là công trình nghiên cứu khoa học công phu, phù hợp với mục tiêu, đối tượng và phạm vi nghiên cứu.
Để đề tài có chất lượng cao hơn, các chuyên gia nhấn mạnh: Mục tiêu của cuộc kiểm tra BCQT NSĐP là phải đáp ứng được yêu cầu của quyết toán ngân sách được quy định cụ thể tại Điều 65 Luật NSNN. Riêng về số liệu quyết toán, cuộc kiểm toán BCQT NSĐP phải xác nhận “tính chính xác, trung thực, đầy đủ” của số liệu quyết toán NSNN theo quy định tại Điều 65 Luật NSNN. Ban Đề tài cần đặc biệt lưu ý và bổ sung nội dung này ở Chương II.
Bên cạnh đó, các tác giả cần bổ sung nội dung về công tác kiểm toán các quỹ tài chính ngoài ngân sách của địa phương. Theo Điều 12 Nghị quyết 163/2016/NĐ-CP, hằng năm, cơ quan quản lý quỹ do địa phương quản lý báo cáo Sở Tài chính tình hình thực hiện kế hoạch tài chính; kế hoạch tài chính năm sau; quyết toán thu, chi để tổng hợp báo cáo UBND, HĐND cấp tỉnh cùng với báo cáo dự toán và quyết toán NSĐP. Như vậy, KTNN cần kiểm toán nội dung này cùng với kiểm toán BCQT NSĐP.
Tại Hội thảo, các chuyên gia cũng khuyến nghị Ban Đề tài phân tích sâu, làm rõ thêm các nguyên nhân dẫn đến một số hạn chế trong công tác kiểm toán BCQT NSĐP, từ đó đưa ra kiến nghị, giải pháp phù hợp với thực tiễn; bổ sung thêm kinh nghiệm của các Cơ quan Kiểm toán tối cao khi tiến hành kiểm toán BCQT NSĐP…
Thay mặt Ban chủ nhiệm đề tài, Ths Hoàng Cẩm Tú khẳng định sẽ tiếp thu đầy đủ ý kiến góp ý của các đơn vị để chỉnh sửa, hoàn thiện đề tài trước khi trình Hội đồng nghiệm thu. Kết quả nghiên cứu của đề tài là cơ sở để KTNN ban hành Sổ tay hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP và sử dụng làm tài liệu đào tạo, tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm toán viên, nhằm nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN./.
Hà Linh