Kiểm toán nhà nước: 29 năm thực thi sứ mệnh vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững

07/07/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 11/7 năm nay - tròn 29 năm Kiểm toán nhà nước (KTNN) được thành lập (11/7/1994 - 11/7/2023). Với những dấu ấn, mốc son lịch sử trên chặng đường đã qua, KTNN ngày càng trưởng thành vững mạnh, vị thế không ngừng được nâng cao. Những thành tựu mà KTNN đạt được chính là thước đo chuẩn mực đánh giá uy tín và hiệu quả hoạt động của KTNN trên hành trình thực thi sứ mệnh “Tất cả vì nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững”.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn

Trải qua 29 năm xây dựng và phát triển với phương châm “Chuyên nghiệp - Liêm chính - Hội nhập”, địa vị pháp lý của KTNN không ngừng được nâng cao, hành lang pháp lý ngày càng hoàn thiện; đồng thời có sự phát triển vượt bậc về tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ, đặc biệt là những nỗ lực đổi mới trong công tác kiểm toán nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả đã giúp KTNN trưởng thành vững mạnh, gặt hái được nhiều thành công.
 
Trải qua 29 năm xây dựng và phát triển, địa vị pháp lý của KTNN không ngừng được nâng cao. Ảnh tư liệu
 
Phát triển KTNN phù hợp với bối cảnh và tình hình mới

Để đảm bảo cho tổ chức và hoạt động của KTNN hiệu quả, phát huy đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ, hành lang pháp lý đã không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với bối cảnh và xu hướng mới. Từ một cơ quan thuộc Chính phủ, KTNN đã trở thành một cơ quan được hiến định, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật (Hiến pháp năm 2013). Sau đó, Luật KTNN năm 2005, Luật KTNN năm 2015 thay thế cho Luật KTNN năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (năm 2019) đã lần lượt được ban hành, tạo cơ sở vững chắc cho KTNN thực hiện nhiệm vụ được giao. Đồng thời, KTNN cũng đã phối hợp với các cơ quan có liên quan và chỉ đạo đơn vị trong Ngành xây dựng nhiều văn bản dưới Luật để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thực thi pháp luật KTNN…

Theo đó, chức năng, nhiệm vụ của KTNN được nâng lên một tầm cao mới, phát triển cả theo chiều rộng và chiều sâu. Từ chức năng ban đầu được quy định tại Nghị định số 70/NĐ-CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, đơn vị kinh tế nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp, Hiến pháp năm 2013 đã quy định KTNN thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, phù hợp với thực tiễn đặt ra, nhiều năm qua, KTNN đã tích cực đổi mới cách tiếp cận, nội dung và phương pháp kiểm toán; không ngừng nghiên cứu, học tập kinh nghiệm quốc tế để bắt kịp xu hướng phát triển các loại hình kiểm toán mới. Hệ thống Chuẩn mực KTNN đã được ban hành đồng bộ, áp dụng cho cả 3 loại hình: Kiểm toán tài chính, kiểm toán tuân thủ và kiểm toán hoạt động. Nhận thức rõ cơ hội và thách thức của quá trình hội nhập và phát triển của nền kinh tế, đặc biệt là sự phát triển mạnh mẽ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và các vấn đề toàn cầu, bên cạnh các loại hình kiểm toán truyền thống, KTNN đã chủ động đẩy mạnh kiểm toán hoạt động, chú trọng phát triển loại hình kiểm toán công nghệ thông tin (CNTT), kiểm toán môi trường.
 
Những năm qua, KTNN đã thực hiện nhiều chuyên đề kiểm toán tiêu biểu như: Việc phát hành, quản lý và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; việc quản lý, sử dụng kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác quản lý hoàn thuế giá trị gia tăng; quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản; quản lý, sử dụng vốn ODA; công tác đầu tư, mua sắm, quản lý và sử dụng trang thiết bị y tế; đánh giá hiệu quả chính sách đầu tư tại các khu kinh tế; công tác quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và xác định giá trị doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa; các dự án BT, BOT; việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ… với nhiều kết quả và kiến nghị nổi bật.

Để phục vụ hiệu quả nhất cho hoạt động kiểm toán, KTNN quyết tâm, nỗ lực đổi mới theo hướng hiện đại thông qua việc tập trung phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng CNTT, từng bước xây dựng cơ sở dữ liệu danh mục dùng chung, hệ thống nền tảng, kết nối chia sẻ dữ liệu; ứng dụng CNTT phục vụ công tác quản lý điều hành và hỗ trợ hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, KTNN đã bước đầu thực hiện kiểm toán CNTT và ứng dụng công nghệ cao vào hoạt động kiểm toán; xây dựng và ban hành nhiều cơ chế, chính sách làm cơ sở cho việc triển khai kiểm toán CNTT trong thời gian tới.

Hòa chung với xu thế hội nhập, trong những năm qua, hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng mở rộng về phạm vi và tăng cường về chiều sâu. Là thành viên chính thức của các tổ chức kiểm toán tối cao quốc tế và khu vực từ khá sớm so với lịch sử hình thành, KTNN đã có nhiều điều kiện thuận lợi để trao đổi, cập nhật các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực chuyên môn kiểm toán, về khung pháp lý và thể chế, cơ cấu tổ chức, các quy trình và phương pháp kiểm toán hiện đại... góp phần quan trọng vào quá trình phát triển của KTNN. Đến nay, KTNN đã thiết lập quan hệ hợp tác với hơn 50 cơ quan KTNN, ký kết 30 Thỏa thuận quốc tế với các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) và các tổ chức quốc tế. Đáng chú ý, dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, KTNN Việt Nam đã tổ chức thành công Đại hội Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) lần thứ 14 và được bầu làm Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021. Đây là sự kiện đối ngoại nổi bật, góp phần nâng cao vị thế của KTNN trong nước và trên trường quốc tế.
 
Kết quả hoạt động giúp nâng cao uy tín và vị thế của KTNN

Có thể khẳng định, thành tựu nổi bật nhất của KTNN trong 29 năm qua chính là kết quả thực thi nhiệm vụ kiểm toán. Tính đến nay, KTNN đã thực hiện hàng nghìn cuộc kiểm toán trên tất cả các lĩnh vực. KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính 684.586 tỷ đồng, trong đó, tăng thu NSNN 120.668 tỷ đồng, giảm chi NSNN 171.676 tỷ đồng; kiến nghị xử lý khác 392.242 tỷ đồng. Kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán cũng ngày càng được cải thiện, góp phần quan trọng làm lành mạnh nền tài chính quốc gia, siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Tính từ năm 2014-2022, kết quả thực hiện kiến nghị đạt 487.091 tỷ đồng. Nếu chỉ tính riêng giai đoạn 2018-2022, tổng số kiến nghị đã thực hiện đạt 287.977 tỷ đồng, với tỷ lệ thực hiện trung bình đạt khoảng 74%.

Đồng thời, hàng nghìn văn bản pháp luật đã được KTNN kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi hoặc thay thế, bổ sung để phù hợp với quy định của pháp luật hoặc thực tiễn (chỉ tính riêng 5 năm gần đây, từ năm 2018-2022, KTNN đã kiến nghị xử lý hơn 870 văn bản), qua đó đóng góp tích cực vào quá trình hoàn thiện thể chế, chính sách quản lý tài chính công, tài sản công, bịt lỗ hổng về cơ chế, chính sách, tránh thất thoát, lãng phí. Hơn nữa, KTNN còn tham gia, đề xuất nhiều ý kiến có giá trị để hoàn thiện các văn bản pháp luật quan trọng.

Để đạt được kết quả trên, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN qua các thời kỳ đã luôn bám sát định hướng lớn của Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Cùng với việc đặt trọng tâm đẩy mạnh kiểm toán báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để xác nhận quyết toán NSNN hằng năm, KTNN dần chuyển hướng tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề và phát triển các loại hình kiểm toán mới. Đồng thời chú trọng lựa chọn những chủ đề kiểm toán lớn gắn với việc quản lý, điều hành NSNN; nhiều chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm nhằm đánh giá toàn diện việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ trung ương đến địa phương.

Vì vậy, các thông tin, kiến nghị do KTNN cung cấp ngày càng phục vụ đắc lực cho hoạt động giám sát, xem xét phê chuẩn quyết toán NSNN và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia của Quốc hội cũng như công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ; thúc đẩy các cơ quan, đơn vị được kiểm toán nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý, sử dụng các nguồn lực một cách toàn diện; góp phần minh bạch hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, KTNN càng tập trung mạnh hơn cho các nhiệm vụ kiểm toán ở những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí. Trung bình mỗi năm, KTNN có hàng trăm kiến nghị xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân do những sai phạm được phát hiện qua kiểm toán; cung cấp hàng trăm báo cáo kiểm toán và tài liệu liên quan cho các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát...; kịp thời chuyển hồ sơ các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật phát hiện qua kiểm toán sang cơ quan điều tra để làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật. Như vậy, những phát hiện, kiến nghị kiểm toán đã góp phần cùng Đảng, Nhà nước bảo vệ các nguồn lực công, ngăn chặn, phòng ngừa sai phạm, đảm bảo sự minh bạch, tuân thủ pháp luật và gia tăng trách nhiệm giải trình của các cá nhân, tập thể, đối tượng được kiểm toán, cũng như củng cố lòng tin của nhân dân vào hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước.
 
Vững bước trưởng thành, phát huy thế mạnh toàn đội ngũ

Những thành tựu mà KTNN đạt được là sự cộng hưởng của việc cụ thể hóa những chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước thành những kế hoạch, chương trình hành động với việc không ngừng kiện toàn tổ chức, phát triển nguồn nhân lực nhằm phát huy trí tuệ tập thể, sức mạnh nội lực của toàn Ngành để vượt qua những khó khăn, thách thức, tiến tới thành công.

Nhìn lại những năm đầu mới thành lập (1994-1995), KTNN chỉ có 5 đơn vị trực thuộc với hơn 60 công chức, kiểm toán viên. Đến nay, KTNN có 32 đơn vị cấp Vụ và tương đương, gồm: 7 đơn vị tham mưu; 8 KTNN chuyên ngành; 13 KTNN khu vực; 3 đơn vị sự nghiệp công lập và Văn phòng Ban cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể. Nhân sự của KTNN cũng có sự phát triển vượt bậc với tổng số cán bộ, công chức, viên chức và người lao động hiện nay là hơn 2.000 người, trong đó có khoảng 70 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ; gần 200 người được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài; 99,2% đội ngũ có trình độ đại học trở lên; số lượng kiểm toán viên nhà nước chiếm 87%. Theo thời gian, đội ngũ công chức, viên chức, kiểm toán viên từng bước được tăng cường, rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao tính chuyên nghiệp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin và kỳ vọng của Đảng, Quốc hội và Nhân dân.

Song song với sự phát triển vượt bậc của tổ chức bộ máy và nguồn nhân lực, tổ chức Đảng bộ KTNN cũng không ngừng phát triển xứng tầm nhiệm vụ. Từ một Đảng bộ cơ sở với 56 đảng viên ban đầu, Đảng bộ KTNN đã được nâng cấp lên thành Đảng bộ cấp trên cơ sở từ tháng 5/2009. Trải qua 7 nhiệm kỳ với những bước kiện toàn, phát triển, đến nay, Đảng bộ KTNN đã có 34 tổ chức cơ sở đảng với tổng số gần 1.700 đảng viên. Điểm nhấn đặc biệt là việc thành lập các chi bộ sinh hoạt tạm thời đối với đoàn kiểm toán, giúp phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy đảng KTNN, duy trì chế độ sinh hoạt của đảng viên, đảm bảo quản lý, giám sát đảng viên, kiểm toán viên được chặt chẽ và hiệu quả. Cùng với tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, các tổ chức chính trị - xã hội quan trọng của Ngành như: Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Cựu chiến binh KTNN… được quan tâm xây dựng, phát triển từ rất sớm, ghi được nhiều dấu ấn nổi bật trong hoạt động thường niên cũng như trong mỗi nhiệm kỳ, đặc biệt là thực hiện nhiều hoạt động thiện nguyện, xây dựng và trao nhà tình nghĩa, xây cầu giao thông nông thôn, kịp thời ủng hộ vào Quỹ Vắc-xin phòng, chống Covid-19, tặng quà cho các gia đình khó khăn, các em học sinh nghèo vượt khó…, giúp KTNN phát huy được vai trò trên mọi mặt hoạt động.

Hướng tới kỷ niệm 30 năm thành lập KTNN (ngày 11/7/2024), toàn Ngành đang ra sức thi đua lập thành tích, phấn đấu hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, tiếp tục nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò quan trọng của KTNN là cơ quan kiểm toán tài chính, tài sản công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của Đảng, Nhà nước và Nhân dân.

Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN sẽ nỗ lực hết sức, tiếp tục phát huy trí tuệ, sức mạnh nội lực của toàn Ngành trong thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động kiểm toán thông qua ứng dụng CNTT và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, bảo đảm hoạt động công khai, minh bạch, chuyên nghiệp, chính quy và từng bước hiện đại; đóng góp quan trọng vào việc nâng cao năng lực quản lý, quản trị tài chính, tài sản công của Nhà nước, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Nhân dịp này, Ban cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo KTNN xin trân trọng gửi lời cảm ơn các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội… trong suốt những năm qua luôn có sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sát sao đối với KTNN và cũng xin tri ân các bậc lão thành, lãnh đạo KTNN, cùng toàn thể công chức, viên chức, người lao động KTNN qua các thời kỳ đã có những đóng góp quý báu chung sức, đồng lòng xây dựng cơ quan KTNN vững mạnh như ngày hôm nay./.
   
Những dấu mốc quan trọng trong 29 năm hình thành và phát triển của KTNN

1 - Thành lập KTNN
Ngày 11/7/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 70-CP về việc thành lập KTNN và ngày 24/01/1995, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 61/TTg về Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN, “khai sinh” ra KTNN với chức năng kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan, đơn vị có sử dụng NSNN.

2 - Hiến định địa vị pháp lý của KTNN
Ngày 28/11/2013, Hiến pháp lần đầu tiên hiến định địa vị pháp lý của KTNN là cơ quan do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

3 - Hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của KTNN
Ngày 14/6/2005, Quốc hội thông qua Luật KTNN, có hiệu lực từ ngày 01/01/2006, mở ra một thời kỳ phát triển mới, một vị thế mới của KTNN.
Để phù hợp với thực tiễn, ngày 24/6/2015, Luật KTNN (sửa đổi, bổ sung) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/01/2016.
Tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý cho hoạt động của KTNN, ngày 26/11/2019, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN năm 2015 đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 01/7/2020.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa thông qua Pháp lệnh Xử phạt hành chính trong lĩnh vực kiểm toán, có hiệu lực từ ngày 01/5/2023…

4 - Ban hành Chiến lược phát triển KTNN
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 đã được UBTVQH ban hành kèm theo Nghị quyết số 927/2010/UBTVQH12 ngày 19/4/2010.
Kết thúc chiến lược phát triển giai đoạn trước, Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030) đã được UBTVQH ban hành kèm theo Nghị quyết số 999/2020/UBTVQH14 ngày 16/9/2020.

Trên cơ sở đó, KTNN đã ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược với những nhiệm vụ, hành động cụ thể để đảm bảo thực hiện thắng lợi mục tiêu Chiến lược đề ra.

5 - Danh hiệu thi đua, khen thưởng

KTNN được tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhì (năm 2014), Huân chương Độc lập hạng Ba (năm 2008), Huân chương Lao động hạng Nhất (năm 2004); nhiều lần được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và Cờ thi đua của Chính phủ.

Đảng bộ KTNN từ năm 2004 đến nay luôn đạt “Đảng bộ trong sạch vững mạnh”, được tặng Bằng khen, Cờ thi đua của Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương…

Công đoàn KTNN được tặng Huân chương Lao động hạng Nhì (năm 2015), Huân chương Lao động hạng Ba (năm 2009); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Cờ thi đua xuất sắc của Công đoàn viên chức Việt Nam…

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh KTNN được tặng thưởng “Huân chương Lao động hạng Ba” (năm 2009) và nhiều Bằng khen…

Ngoài ra, hàng trăm tập thể và cá nhân đã được tặng thưởng Huân chương Độc lập, Huân chương Lao động, Cờ thi đua của Chính phủ, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều danh hiệu cao quý khác./.

NGÔ VĂN TUẤN
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán nhà nước
(Báo Kiểm toán số 27, 28)

Xem thêm »