Trong suốt quá trình gần 30 năm hình thành và phát triển, Kiểm toán nhà nước (KTNN) ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là cơ quan kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công hữu hiệu của Đảng, Nhà nước; đồng thời không ngừng đổi mới để hoàn thành tốt hơn sứ mệnh được giao. Đây cũng là nhận định của đại diện cơ quan quản lý, các chuyên gia khi đánh giá về KTNN.
Ông Nguyễn Hoài Nam
Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình
(Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Trong điều kiện nền kinh tế chuyển đổi như nước ta hiện nay, KTNN đã khẳng định sự cần thiết và vai trò ngày càng lớn của mình trong việc góp phần làm lành mạnh, minh bạch quản lý kinh tế vĩ mô nói chung và trong lĩnh vực quản lý ngân sách nhà nước, công quỹ quốc gia nói riêng.
Với địa vị pháp lý đã được hiến định và khuôn khổ pháp luật về KTNN ngày càng hoàn thiện, đồng bộ; đặc biệt là chức năng kiểm toán đã được quy định cụ thể trong Luật, KTNN đã thực hiện kiểm tra, đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực, hợp pháp, hợp lệ của số liệu tài chính, tài sản, báo cáo kiểm toán của các đơn vị nhà nước, đơn vị kinh tế, đơn vị sự nghiệp có sử dụng tài chính công, tài sản công.
KTNN đã khẳng định được vai trò không thể thiếu trong hệ thống kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước ta. Trong đó, đối với lĩnh vực đầu tư công, KTNN góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý dự án, công tác quản lý vốn đầu tư của các chủ đầu tư. Thông qua kiểm toán, KTNN phát hiện những hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng vốn đầu tư của các chủ đầu tư. Từ đó đưa ra các kiến nghị để các đơn vị được kiểm toán có biện pháp khắc phục, chấn chỉnh, đảm bảo trật tự, kỷ luật tài chính, minh bạch sử dụng ngân sách.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã, đang phối hợp chặt chẽ với các đoàn kiểm toán của KTNN và yêu cầu các đơn vị có liên quan, các chủ đầu tư phối hợp với đoàn kiểm toán trong quá trình thực hiện kiểm toán. Chúng tôi luôn xác định sự vào cuộc của cơ quan KTNN đóng vai trò rất quan trọng; thông qua những phát hiện, kiến nghị kiểm toán sẽ giúp Bộ và các chủ đầu tư nhìn nhận rõ hơn những thiếu sót, từ đó kịp thời chấn chỉnh và hạn chế tối đa các sai sót trong triển khai dự án.
Văn phòng Liên minh Hợp tác xã Việt Nam
Với chức năng, nhiệm vụ được quy định trong Luật KTNN và ngày càng được hoàn thiện, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. KTNN đã tham gia với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ trong việc xem xét về dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương, phương án điều chỉnh dự toán NSNN, phương án bố trí ngân sách cho chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định và quyết toán NSNN.
Trong bối cảnh Nhà nước tăng cường siết chặt quản lý đầu tư công, KTNN ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc cân đối nguồn vốn đầu tư, tránh tình trạng đầu tư dàn trải, xác định đối tượng được ưu tiên bố trí vốn đầu tư công trung hạn theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội của Quốc hội, Chính phủ; đồng thời, trong quá trình kiểm toán KTNN sẽ có đánh giá về tính khả thi trong triển khai của các dự án đầu tư để Quốc hội xem xét phê duyệt, từ đó, hạn chế các dự án bị ngừng trệ.
Thông qua việc thực hiện kiểm toán các dự án, KTNN phát hiện những điểm sai, thiếu sót trong quá trình quản lý, thực hiện dự án nên khi công bố kết luận kiểm toán sẽ tạo điều kiện giúp các chủ đầu tư, các ban quản lý dự án kịp thời chấn chỉnh, tránh được các sai sót giúp tiến độ của dự án được đẩy nhanh, góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư. Đồng thời, KTNN cũng đề xuất, kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung các nội dung Luật, nghị định không phù hợp.
PGS,TS. Đinh Thế Hùng
Phó Viện trưởng Viện Kế toán - Kiểm toán
(Trường Đại học Kinh tế Quốc dân)
Hoạt động của KTNN không chỉ góp phần làm tăng sự minh bạch và hiệu quả trong quản lý, mà còn làm tăng lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị.
KTNN thể hiện rõ vai trò hữu hiệu trong kiểm tra, kiểm toán, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ kiểm toán đối với dự án đầu tư công; kiểm toán các chương trình theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội...
Trong bối cảnh tình hình mới, KTNN cần tăng cường hơn nữa đối với loại hình, lĩnh vực kiểm toán mới, đặc biệt là kiểm toán hoạt động. Thời gian qua, KTNN đã nỗ lực thực hiện một số cuộc kiểm toán hoạt động chuyên sâu, hoặc lồng ghép trong các loại hình, lĩnh vực kiểm toán khác. Kết quả kiểm toán bước đầu đã khẳng định được tính đúng đắn của chủ trương thực hiện kiểm toán, cũng như “chạm” đến nhiều vấn đề “nóng”, được Quốc hội, Chính phủ quan tâm, đánh giá cao. Trong thời gian tới, bên cạnh việc phát huy những kết quả đã đạt được, KTNN cần tiếp tục chú trọng đổi mới, nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Trong xây dựng kế hoạch kiểm toán, cần bám sát các định hướng của Đảng, Nhà nước; chủ động thực hiện các nội dung kiểm toán phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, cũng như tiếp tục bám sát diễn biến đời sống kinh tế - xã hội để lựa chọn kiểm toán những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm./.
Phố Hiến
(Báo Kiểm toán số 27+28)