Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi)

02/08/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng ngày 2/8/2023, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Bộ Xây dựng và Viện Konrad – Adenauer - Stiftung (KAS) Việt Nam tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu tại Hội thảo

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và đại diện Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước chuyên ngành VII tham dự hội thảo.

Cùng dự có Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh và đông đảo đại diện chuyên gia đến từ các hiệp hội, doanh nghiệp và các địa phương.

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, đặc biệt là sửa đổi Điều 57 của dự thảo Luật theo hướng không quy định các giao dịch bất động sản bắt buộc mà chỉ khuyến khích các chủ thể thực hiện giao dịch thông qua sàn giao dịch bất động sản.

Về điều kiện chuyển nhượng dự án bất động sản (Điều 40), một số ý kiến cho rằng, cần tạo điều kiện cho chủ đầu tư không còn đủ năng lực hoặc không còn mong muốn thực hiện được chuyển nhượng dự án, tạo điều kiện cho dự án tiếp tục được triển khai thay vì thu hồi dự án và thực hiện các thủ tục từ đầu sẽ rất chậm, hạn chế gia tăng nợ xấu, tránh lãng phí nguồn lực đất đai. Theo đó, chủ đầu tư chuyển nhượng dự án không bắt buộc phải có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không bắt buộc hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất. Việc ràng buộc điều kiện quá chặt chẽ đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản khi chủ đầu tư không còn đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án, không có khả năng hoàn thành nghĩa vụ tài chính về đất của dự án, dẫn đến dự án không đủ điều kiện chuyển nhượng và tiếp tục đình trệ. Bên cạnh đó, việc quản lý chặt chẽ đối với bên nhận chuyển nhượng sẽ bảo đảm cho dự án tiếp tục được thực hiện, hạn chế tình trạng chuyển nhượng nhiều lần hoặc thâu tóm dự án bằng cách mua lại cổ phần của doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án.

Về bảo lãnh trong bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai (Điều 27), thay vì bắt buộc phải tiến hành bảo lãnh như quy định tại dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Năm, dự thảo Luật mới quy định theo hướng: Người mua, thuê mua có quyền lựa chọn bảo lãnh hoặc không bảo lãnh và nhấn mạnh đây là quyền của người mua, thuê mua, không phải của chủ đầu tư. Các hiệp hội và doanh nghiệp đánh giá “đây là điểm sáng của dự thảo Luật lần này”, vì bảo lãnh là vấn đề nhức nhối, gây mất nhiều thời gian để chủ đầu tư bán ra sản phẩm, hàng hóa, nếu không ký bảo lãnh được do ngân hàng hết hạn mức bảo lãnh thì chủ đầu tư không thể ký hợp đồng mua bán.

Về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, các đại biểu đồng tình với việc chỉnh lý theo hướng chủ thể kinh doanh bất động sản được điều chỉnh theo dự thảo Luật là doanh nghiệp được thành lập theo Luật Doanh nghiệp, hợp tác xã được thành lập theo Luật Hợp tác xã có đăng ký ngành nghề kinh doanh bất động sản; không điều chỉnh đối với chủ thể là tổ chức, cá nhân thực hiện giao dịch bất động sản mà không phải là kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

Về đặt cọc trong kinh doanh nhà ở, công trình xây dựng hình thành trong tương lai (khoản 6 Điều 24), Dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng, Chủ đầu tư dự án bất động sản chỉ được thu tiền đặt cọc khi nhà ở, công trình xây dựng đã có Giấy phép xây dựng (đối với trường hợp phải cấp phép xây dựng) hoặc đã có thông báo khởi công xây dựng công trình (đối với trường hợp không phải cấp phép xây dựng); số tiền đặt cọc không vượt quá 2% giá bán, cho thuê mua. Tỷ lệ giới hạn 2% này được lựa chọn căn cứ trên mức phí bảo lãnh trung bình cũng là 2% và nhằm mục đích kiểm soát việc đặt cọc chỉ để thăm dò thị trường, không phải huy động vốn. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng tỷ lệ giới hạn 2% số tiền đặt cọc này quá thấp, dễ dẫn đến tình trạng cả khách hàng và nhà đầu tư chấp nhận bỏ cọc khi không có nhu cầu nữa. Ý kiến các đại biểu cho rằng nên quy định mức từ 10%-15%.
 
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Các đại biểu có quan điểm khác nhau về các vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng trong kinh doanh bất động sản; sàn giao dịch bất động sản; điều tiết thị trường bất động sản; hệ thống thông tin thị trường bất động sản…

Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đánh giá cao việc tổ chức các hội thảo lấy ý kiến về dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và ghi nhận được nhiều ý kiến đóng góp tâm huyết, có giá trị; đồng thời nhấn mạnh, Luật Kinh doanh bất động sản, cùng với Luật Đất đai và Luật Nhà ở, đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường bất động sản, đóng góp vào quá trình đô thị hóa, công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, góp phần bảo đảm quyền có nơi ở hợp pháp của công dân Việt Nam theo Điều 22 Hiến pháp năm 2013. “Lần này, Quốc hội tiếp tục xem xét sửa đổi đồng thời cả 3 Luật này để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, giải quyết những vướng mắc, bất cập của quy định hiện hành, kịp thời điều chỉnh những vấn đề mới phát sinh trong thực tiễn, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. Đây là nhiệm vụ quan trọng và nặng nề, đòi hỏi nỗ lực lớn của các cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo, sự đóng góp trí tuệ tập thể của các đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức và chuyên gia” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ Xây dựng tiếp tục làm việc với các cơ quan liên quan, nghiên cứu, đề xuất phương án phù hợp nhất với những vấn đề đã đạt được sự thống nhất. Đối với những nội dung không thống nhất được thì đề xuất các phương án, có phân tích, đánh giá những ưu điểm và hạn chế của từng phương án; Bộ Xây dựng báo cáo với Chính phủ đưa ra quan điểm, trình Ủy ban Thường vụ Quốc (UBTVQH) hội xem xét, cho ý kiến.

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội và ý kiến của đại biểu tham gia Hội thảo, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định, thời gian tới, Thường trực Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, cơ quan soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức ở Trung ương và địa phương và thực hiện các bước quy trình tiếp theo theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để báo cáo UBTVQH và Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 sắp tới./.

Thanh Trang
 

Xem thêm »