Bế mạc Hội thảo chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước”

18/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 18/10, dưới sự đồng chủ trì của Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng và Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc, Hội thảo chuyên đề “Phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Thực trạng, cơ hội, thách thức và vai trò của Kiểm toán nhà nước” đã thành công tốt đẹp.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã lắng nghe 03 tham luận được trình bày bởi đại diện của KTNN, Bộ KHĐT, Sở KHĐT địa phương về: Phát triển các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN), các “nút thắt” trong phát triển từ góc nhìn kiểm toán; Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả phát triển các KCN, KKT; Những vướng mắc về cơ chế chính sách trong quản lý, phát triển KKT, KCN, cụm công nghiệp (CCN) tại địa phương.

Đồng thời, các đại biểu đã tham dự 02 phiên: Tọa đàm cấp kỹ thuật và Tọa đàm cấp Thứ trưởng xoay quanh chủ đề của Hội thảo. Các chuyên gia, đại diện địa phương phát triển KCN, các nhà đầu tư, các cơ quan quản lý và cơ quan KTNN đã đóng góp ý kiến, khẳng định sự phát triển KKT, KCN, CCN thời gian qua cho thấy chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng và Nhà nước, đồng thời nhấn mạnh vai trò của KKT, KCN, CCN trong sự phát triển của các địa phương và của đất nước trong thời kỳ mới với nhiều thách thức cũng như những cơ hội cho cần nắm bắt để đầu tư, phát triển.

Sự phát triển KKT, KCN góp phần đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi không gian phát triển, thúc đẩy liên kết ngành và liên kết vùng, tạo nền tảng quan trọng cho tăng trưởng trong dài hạn cũng như thúc đẩy công tác bảo vệ môi trường và thực hiện chuyển đổi kinh tế số trong thời kỳ chuyển đổi số.
 
Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc bế mạc Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ


Bên cạnh những kết quả đạt được, tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý ở Trung ương và địa phương đánh giá: thực trạng cho thấy công tác quy hoạch, phát triển các KCN, KKT còn đối mặt với nhiều khó khăn, rào cản.

Đó là các vấn đề: quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu của quá trình phát triển, còn mang tính cục bộ, chưa được xem xét một cách tổng thể hài hòa lợi của quốc gia; tính đồng bộ, gắn kết giữa quy hoạch phát triển KKT, KCN với các quy hoạch hạ tầng xã hội, nguồn nhân lực, sử dụng đất và đô thị và hạ tầng giao thông chưa cao; việc phát triển các KKT, KCN hiện nay chưa đáp ứng được tính liên kết vùng; nhiều KKT, KCN chú trọng đến vấn đề giải quyết việc làm hơn là tìm kiếm các ngành nghề tiên phong mang tính đột phá.

Cùng với đó là các vấn đề về môi trường, bảo vệ môi trường gần đây đã được chú trọng và cải thiện hơn, tuy nhiên hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường KCN tại một số địa phương chưa đồng bộ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao. Còn tồn tại nhiều sự khác biệt trong chính sách ưu đãi giữa các địa phương. Nhìn chung, hiệu quả sử dụng đất còn tương đối thấp. Việc triển khai thực hiện, tuân thủ trong thực thi chính sách cũng có những hạn chế.

Từ những khó khăn, hạn chế nêu trên, các đại biểu đã đề xuất nhiều biên pháp giải quyết các vấn đề. Trong đó, các đại biểu đều kiến nghị phải hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết các vướng mắc trong hoạt động đầu tư phát triển KKT, KCN nhằm tạo khung pháp lý cho hoạt động đầu tư phát triển các KKT, KCN.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Việc quy hoạch và phát triển KKT, KCN phải bảo đảm nguyên tắc tiết kiệm và sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai, gắn với liên kết vùng, hình thành các vùng công nghiệp trọng điểm, đảm bảo đồng bộ, hài hòa về kinh tế, xã hội, môi trường, phát triển bền vững. Xem xét quy hoạch phát triển các KKT, KCN đồng bộ với quy hoạch tổng thể, đặc biệt là quy hoạch sử dụng đất.

Các ưu đãi đầu tư phải phù hợp, trong đó cần có chính sách thúc đẩy sự phát triển của các loại hình KKT, KCN mới. Hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KKT, KCN theo nguyên tắc “một cửa, tại chỗ”.

Đặc biệt, nhiều đại biểu nhấn mạnh, phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động của KKT, KCN, tập trung phát hiện và chấn chỉnh kịp thời các sai sót, ngăn ngừa các rủi ro sai sót ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của các KKT, KCN.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, gắn với thu hút đầu tư có chọn lọc, phù hợp với yêu cầu, tiềm năng phát triển của địa phương, vùng; ưu tiên dự án đầu tư có công nghệ hiện đại, có hợp tác chuyển giao công nghệ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả sử dụng tài nguyên và lao động, có giá trị gia tăng cao và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, thích ứng với xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Phát biểu tại Phiên Tọa đàm cấp Thứ trưởng, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cho biết, về góc độ kiểm toán, KTNN sẽ cùng các địa phương, các Bộ, ngành tìm cách tháo gỡ những "nút thắt" trong quá trình phát triển.

Từ những kết quả kiểm toán, nếu thấy những nội dung nào vướng mắc, mang tính phổ biến tại nhiều địa phương thì KTNN sẽ tập hợp lại để kiến nghị với các cơ quan, các ban ngành và Chính phủ để tìm cách tháo gỡ. Bởi trên thực tế, có những quy định khi xây dựng văn bản thì đúng nhưng khi áp dụng vào thực tế lại có những điểm vướng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.

Với vai trò hỗ trợ, đồng hành cùng các địa phương, các Bộ, ngành để tìm cách tháo gỡ, thúc đẩy nhanh hơn nữa quá trình hồi phục và phát triển kinh tế, KTNN sẽ dựa trên những kết quả kiểm toán và phối hợp với các Bộ ngành, các địa phương để tìm cách tháo gỡ những "nút thắt", thúc đẩy nhanh phát triển mạnh hơn nữa để phục hồi và phát triển kinh tế.
 
Các chuyên gia, nhà quản lý... tham gia Tọa đàm tại Phiên kỹ thuật. Ảnh: THANH HÀ

Bế mạc Hội thảo, Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, sự phối hợp với KTNN tổ chức Hội thảo này đã cung cấp cho chúng tôi một báo cáo đánh giá rất khách quan, thiết thực về chính sách ưu đãi đầu tư cũng như các chính sách hỗ trợ có mục tiêu đối với các KCN, KKT.

Đây là cơ sở để Bộ KHĐT có thể tham mưu cho cấp có thẩm quyền trong quá trình hoàn thiện luật pháp, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, minh bạch. Đồng thời giúp chúng tôi có những thông tin hữu ích báo cáo cấp có thẩm quyền, cũng như phối hợp với các cơ quan có liên quan để cùng nâng cao hiệu quả thực thi chính sách trên thực tiễn.
 
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: THANH HÀ

Thứ trưởng Bộ KHĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc nhấn mạnh, trong thời gian tới, chúng tôi mong muốn được đồng hành cùng KTNN và các chuyên gia, nhà khoa học và các địa phương trong quá trình chúng tôi thực hiện 3 nhiệm vụ quan trọng.

Thứ nhất là Bộ KHĐT đang trình cấp có thẩm quyền đưa vào chương trình xây dựng việc xây dựng Luật KCN nên rất cần sự đồng hành của các cơ quan, trong đó có KTNN trong hoàn thiện Dự thảo Luật.

Thứ hai là phối hợp cùng chúng tôi để đưa ra những giải pháp để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với KCN, KKT từ Trung ương đến địa phương.

Thứ ba là cần phải xây dựng cơ chế khuyến khích, ưu đãi, hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư phát triển KCN, KKT theo đúng định hướng.

Xem thêm »