Để đầu tư công trở thành động lực phát triển kinh tế

19/10/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Đầu tư công (ĐTC) là động lực cho tăng trưởng kinh tế thời gian vừa qua. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ĐTC vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa thực sự trở thành động lực phát triển kinh tế. Điều này đã được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra qua kiểm toán.

Cần có giải pháp để đầu tư công bứt tốc. Ảnh minh họa

Những vướng mắc trong đầu tư công

Theo KTNN chuyên ngành IV, qua kiểm toán các dự án ĐTC hằng năm, KTNN chỉ rõ: Còn tình trạng chưa thực hiện hết số vốn được giao trong năm ngân sách, bố trí vốn cho những dự án chưa đủ thủ tục hoặc kéo dài quá thời gian quy định. Phân bổ vốn không đúng cơ cấu ngành được giao theo quy định; phân bổ vốn ngân sách nhà nước đối ứng cho các dự án sử dụng vốn ODA tại một số đơn vị chưa đảm bảo đầy đủ căn cứ, gây khó khăn cho công tác kiểm soát.

Việc bố trí vốn đầu tư còn dàn trải làm ảnh hưởng đến khả năng cân đối vốn của nền kinh tế; không phân bổ hết kế hoạch vốn từ đầu năm; chưa ưu tiên bố trí vốn cho các công trình trọng điểm, cấp bách. Bố trí vốn sai nguồn, không đúng đối tượng; bố trí vốn không sát thực tế dẫn đến không sử dụng được hoặc phải điều chỉnh, bổ sung nhiều lần. Điều chuyển vốn không kịp thời, ảnh hưởng đến việc giải ngân.

Bên cạnh đó, chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư tại một số Bộ, ngành, địa phương chưa đảm bảo; phải thay đổi quy mô, điều chỉnh tổng mức đầu tư nhiều lần, kéo dài thời gian thực hiện dự án, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và khả năng cân đối vốn. Việc duyệt dự án đầu tư thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo tính kết nối, làm giảm hiệu quả đầu tư. Công tác lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo quyết toán vốn đầu tư chưa đảm bảo quy định…

"Năm 2024, KTNN dự kiến kiểm toán các dự án quan trọng quốc gia. Kết quả kiểm toán sẽ không chỉ cung cấp thông tin phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội mà còn giúp Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương điều chuyển, nâng cao hơn nữa chất lượng công tác đầu tư cũng như giải ngân vốn, tránh trường hợp vì mục tiêu giải ngân mà bỏ qua các thủ tục, quy định pháp luật." - Ông Vũ Ngọc Tuấn - Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN

Đáng lưu ý, tình trạng chậm tiến độ xảy ra tại hầu hết các gói thầu, dự án, kể cả các dự án đầu tư trọng điểm quốc gia. Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, KTNN Vũ Ngọc Tuấn lý giải: Hạn chế này xuất phát từ thể chế và khâu tổ chức thực hiện, từ chuẩn bị đầu tư, bố trí kế hoạch vốn đến giải phóng mặt bằng, tái định cư, thanh toán, quyết toán. Đặc biệt, có tình trạng dự án chưa chuẩn bị sẵn sàng để tiếp nhận vốn đầu tư nhưng vẫn đăng ký nhu cầu vốn dẫn đến việc phân bổ và giao kế hoạch vốn không phù hợp, phải điều chỉnh kế hoạch vốn.

Những bất cập về phân bổ và giao kế hoạch vốn cũng được KTNN chuyên ngành IV chỉ rõ hơn. Cụ thể, lập kế hoạch vốn chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời. Giao kế hoạch vốn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong thực hiện dự án; đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên.

Ngoài ra, theo KTNN chuyên ngành IV, tiến độ thực hiện các dự án ĐTC chậm còn do thủ tục điều chỉnh dự án chưa được đơn giản hóa, mất nhiều thời gian; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài. Công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư còn vướng mắc về đơn giá, phương án đền bù. Công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án chưa đảm bảo chất lượng, chưa phù hợp với thực tế. Thậm chí, một số chủ đầu tư, ban quản lý dự án sợ trách nhiệm khi triển khai, ký duyệt các thủ tục thanh toán, quyết toán…

Gỡ nút thắt từ đâu?

“Hiến kế” tháo gỡ nút thắt, tạo đà bứt tốc mạnh mẽ hơn cho ĐTC, KTNN chuyên ngành IV cho rằng, các cơ quan chức năng cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư. Trong đó, từng bước sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hệ thống các quy định liên quan theo hướng đẩy mạnh phân cấp, rút ngắn thời gian, thủ tục và phù hợp với thực tế hoạt động đầu tư xây dựng trong nước cũng như thông lệ quốc tế.

Liên quan đến giải pháp này, ông Vũ Ngọc Tuấn lưu ý thêm việc xem xét, giải quyết những vấn đề vượt thẩm quyền của Bộ, ngành, địa phương và các yếu tố mang tính đặc thù đối với những dự án trọng điểm quốc gia, những dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia. “Việc xem xét, giải quyết những vấn đề này trong quá trình rà soát, sửa đổi cơ chế, chính sách sẽ mang lại hiệu quả cao hơn cho các dự án ĐTC” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Nhóm giải pháp tiếp theo được KTNN chuyên ngành IV đưa ra là Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần tăng cường đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành và phối hợp trong thực hiện ĐTC. Trong đó, khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh vốn giữa các nhiệm vụ, dự án của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với các nhiệm vụ, dự án thuộc Kế hoạch ĐTC trung hạn giai đoạn 2021-2025 (nếu có nhu cầu) theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Rà soát, điều chuyển kế hoạch đầu tư vốn giữa các dự án chậm thực hiện sang dự án có tiến độ thực hiện và giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn. Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án; lựa chọn dự án đáp ứng điều kiện bố trí vốn.

KTNN đặc biệt lưu ý việc tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nêu cao trách nhiệm của người đứng đầu trong quản lý ĐTC. Đây cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia nhấn mạnh. Theo đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường (Đoàn TP. Hà Nội), thời gian qua, Chính phủ đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt nhằm thúc đẩy giải ngân vốn ĐTC, trong đó có quy định về xử lý cán bộ không thực hiện hết chức trách, nhiệm vụ. Tuy nhiên, “tâm lý e ngại trong thực thi công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức đòi hỏi các cơ quan chức năng phải có giải pháp phù hợp hơn chứ không chỉ đơn thuần là những biện pháp hành chính nhằm tạo sự chuyển biến tích cực trong vấn đề này” - ông Cường nhấn mạnh.

Cũng theo KTNN chuyên ngành IV, nhóm giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả các dự án ĐTC là tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát từ khâu phân bổ và giải ngân vốn đến sản phẩm đầu ra, đặc biệt là đối với giai đoạn chuẩn bị đầu tư nhằm đảm bảo chủ trương đầu tư, công tác bố trí vốn, thời gian thực hiện dự án phù hợp, tránh lãng phí nguồn lực xã hội./.

Theo Báo Kiểm toán số 42/2023

Xem thêm »