Ứng dụng hiệu quả công nghệ số trong hoạt động kiểm toán

14/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào công tác kiểm toán giúp Kiểm toán nhà nước (KTNN) thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị trong tình hình mới là giải pháp quan trọng hàng đầu hiện nay khi mà nguồn nhân lực kiểm toán có hạn, trong khi công nghệ áp dụng tại các đơn vị được kiểm toán ngày càng chuyên sâu, phức tạp…

Giúp tiết kiệm thời gian, chi phí…

Những năm gần đây, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác kiểm toán đã được KTNN đặc biệt quan tâm và đạt được những kết quả quan trọng. KTNN đã đầu tư cơ sở hạ tầng CNTT và một số phần mềm nhằm xây dựng “nền tảng” cho các ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán. Trong đó, KTNN đã đưa vào hoạt động gần 40 phần mềm hỗ trợ hoạt động kiểm toán; triển khai ứng dụng hỗ trợ điều hành trên thiết bị di động, giúp cán bộ, công chức xử lý, tra cứu văn bản, thông tin về hoạt động kiểm toán nhanh chóng, kịp thời, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Ngành và giảm chi phí hành chính do không phải in ấn nhiều tài liệu như trước đây.

Là đơn vị được giao tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán, lãnh đạo Vụ Tổng hợp cho biết, trước đây, việc tổng hợp kết quả thực hiện kiến nghị, cũng như trao đổi với đơn vị được kiểm toán gặp nhiều khó khăn. Nay, nhờ hệ thống CNTT kết nối giữa đơn vị được kiểm toán với KTNN đã giúp tiết kiệm được thời gian, công sức và chi phí cho các bên; đơn vị được kiểm toán sẽ cập nhật tình hình thực hiện kiến nghị của đơn vị mình lên hệ thống giúp cho công tác theo dõi việc thực hiện kiến nghị được kịp thời, giảm thiểu các cuộc họp với đơn vị.

Còn theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín, đến nay, đơn vị đã hoàn thành số hóa hồ sơ kiểm toán trong năm 2022; thực hiện in và dán mã vạch hồ sơ kiểm toán cho các đoàn kiểm toán trong năm 2023. Hằng năm, đơn vị đã cập nhật đầy đủ tiến độ, kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán trên hệ thống phần mềm. “Đơn vị đã sử dụng đầy đủ, thường xuyên các phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán để mang lại những tiện ích, tạo thuận lợi cho hoạt động kiểm toán” - ông Tín cho biết.

Qua thực tiễn ứng dụng công nghệ, CNTT trong hoạt động kiểm toán, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Thị Thắng cho biết, đơn vị đã quán triệt đến các công chức, kiểm toán viên áp dụng đầy đủ các phần mềm phục vụ, hỗ trợ hoạt động kiểm toán; tuân thủ nghiêm túc các quy định, quy chế ứng dụng CNTT trong Ngành. “Việc ứng dụng một số phần mềm phục vụ hoạt động kiểm toán đã giúp tiết kiệm thời gian trong việc tra cứu, tổng hợp các báo cáo, tiết kiệm được chi phí in ấn tài liệu đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác chỉ đạo, quản lý hoạt động kiểm toán của đơn vị” - bà Thắng thông tin.

"Các đơn vị cần tăng cường ứng dụng CNTT vào hoạt động, đặc biệt là trong hoạt động kiểm toán, coi đây là giải pháp để khắc phục khó khăn do thiếu nhân lực, cũng như là giải pháp để tạo thuận lợi trong công tác kiểm toán, từ đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán."  - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn chỉ đạo tại buổi làm việc với KTNN khu vực VI.

Tạo thuận lợi để đưa công nghệ vào hoạt động kiểm toán

Có thể khẳng định những giá trị mà CNTT mang lại cho hoạt động của KTNN là rất lớn, đặc biệt là trong công tác kiểm toán. Tại nhiều cuộc họp, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu các đơn vị trong toàn Ngành, đặc biệt là đơn vị kiểm toán tập trung rà soát, đánh giá hiệu quả khai thác CNTT, sử dụng các ứng dụng, phối hợp làm rõ các bất cập, hạn chế, từ đó có giải pháp phù hợp nhằm phát huy hiệu quả việc ứng dụng CNTT trong hoạt động kiểm toán.

Qua thực tiễn triển khai, các đơn vị cho biết, hệ thống pháp luật và văn bản quản lý trong lĩnh vực CNTT của KTNN còn chưa đồng bộ, chưa có văn bản hướng dẫn đảm bảo môi trường pháp lý cho việc truy cập, khai thác dữ liệu trên các cơ sở dữ liệu điện tử các Bộ, ngành, địa phương; kết nối, chia sẻ, trao đổi dữ liệu điện tử với các đơn vị được kiểm toán... Hạn chế này dẫn đến tình trạng nhiều đơn vị kiểm toán vẫn gặp khó khăn trong việc tiếp cận dữ liệu về đơn vị được kiểm toán hoặc vướng mắc trong việc xử lý thông tin trên hệ thống điện tử khi kiểm toán…

Do đó, KTNN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý về các cơ chế phối hợp giữa KTNN và đơn vị được kiểm toán, cơ chế cung cấp và khai thác dữ liệu của KTNN; đồng thời bổ sung cơ sở pháp lý về ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong hoạt động kiểm toán thông qua việc xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý liên quan đến thu thập, quản lý dữ liệu, xác thực điện tử…

Để đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn chuyển đổi số, KTNN cần tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực CNTT sâu và rộng hơn. Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VII Vũ Văn Cường, sự thiếu hiểu biết về CNTT sẽ dẫn đến các yêu cầu, ý kiến của kiểm toán viên trở nên không chính xác, gây phiền hà cho đơn vị. Ngoài ra, các công cụ để xử lý dữ liệu lớn cũng là khó khăn khi mà kiểm toán viên chưa được trang bị đồng bộ các công cụ xử lý dữ liệu kiểm toán có tính chuyên nghiệp cao…

“Hiện nay, các công nghệ áp dụng tại các đơn vị được kiểm toán ngày càng chuyên sâu, phức tạp. Nếu không có trình độ hiểu biết nhất định thì kiểm toán viên không thể tiếp cận được hệ thống CNTT của đơn vị, không có khả năng đưa ra các yêu cầu tài liệu phù hợp, khai thác dữ liệu chính xác” - ông Cường cho biết, đồng thời nhấn mạnh yêu cầu phải xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng tiếp cận và ứng dụng thành thạo CNTT vào hoạt động kiểm toán.

Để làm được điều này, KTNN cần tăng cường đào tạo kiểm toán viên trong việc ứng dụng CNTT, phù hợp với tốc độ phát triển của đơn vị được kiểm toán, đáp ứng nhiệm vụ kiểm toán của KTNN; tăng cường thu hút nguồn lực bên ngoài, đặc biệt là những vị trí liên quan đến kỹ năng lãnh đạo, quản lý, cần chuyên môn sâu về CNTT… Cùng với đó, mỗi kiểm toán viên cần coi việc hiểu biết về CNTT là nhu cầu tự thân để đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, từ đó chủ động học tập, nắm bắt các công nghệ mới để vận dụng vào thực tiễn kiểm toán./.

Theo Báo Kiểm toán số 11/2024

 

Xem thêm »