(sav.gov.vn) - Trả lời phỏng vấn Báo Kiểm toán, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - kỳ vọng, trong bối cảnh hiện nay, Kiểm toán nhà nước (KTNN) không chỉ dừng lại ở kiểm toán con số mà phải vươn lên hơn nữa vì trọng trách bảo vệ cái đúng, bảo vệ cán bộ.
Thưa ông, năm 2024, KTNN tròn 30 năm thành lập. Là chuyên gia am hiểu và có sự quan tâm tới KTNN, ông đánh giá như thế nào về đóng góp của KTNN đối với nền kinh tế trong 30 năm qua, đặc biệt trong năm 2023?
Tôi cho rằng, 30 năm qua, đóng góp đầu tiên, lớn nhất là KTNN đã tạo ra được sự bình ổn trong hệ thống, tức là chúng ta cân đối được giữa cấp phát và thanh toán. Đơn cử trong đầu tư, kết quả kiểm toán giúp đảm bảo giữa vốn đầu tư chi ra với nội dung thanh toán của nhà thầu và Ban quản lý, giúp hài hòa, không gây thất thoát cho Nhà nước. Bên cạnh đó, kết quả kiểm toán của KTNN cũng giúp các doanh nghiệp và các Bộ, ngành, địa phương cảm thấy an tâm hơn khi thực hiện các dự án đầu tư công hay chi tiêu từ ngân sách nhà nước. Đóng góp thứ hai, qua kiểm toán, KTNN đã từng bước góp phần đưa hoạt động ban hành chính sách về tài khóa và tiền tệ dần đi theo những quy luật của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đóng góp của KTNN không chỉ dừng lại ở kiểm toán con số, dự án, quan trọng hơn, nó nằm ở thực thi chính sách và ban hành chính sách. Đấy là một trong những nhiệm vụ rất quan trọng của KTNN.
Riêng năm 2023, KTNN đã làm được rất nhiều việc, đặc biệt đối với đầu tư công. Đây cũng là một trong những đóng góp quan trọng để tốc độ giải ngân đầu tư công năm 2023 đạt được kỳ tích. Bởi lẽ, giải ngân đầu tư công trong năm qua bao gồm cả phần vốn đầu tư hằng năm cộng thêm phần còn lại của gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, cho nên tăng gần gấp đôi. Nhưng, chúng ta đã giải ngân được khoảng 90-95%. Để đạt được tốc độ giải ngân như vậy, khâu cuối cùng là thanh toán thì bao giờ cũng có vai trò quan trọng của KTNN.
Vậy trong năm 2024 này, ông có đề xuất gì để KTNN hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong kiểm toán những công trình giao thông trọng điểm quốc gia?
Theo tôi, KTNN phải vươn lên một bước nữa. Chẳng hạn, với Cảng Hàng không quốc tế Long Thành, ngoài kiểm toán thêm, bớt giá xây dựng, KTNN phải kiểm toán việc ban hành chính sách. Hiện nay, chúng ta xây dựng sân bay này mà không có kết nối thì đấy là về mặt chính sách. 4 năm sau, khi sân bay này đi vào hoạt động thì kết nối ở đâu? Tại sao Chính phủ, TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Đồng Nai không phối hợp để làm vận tải đường sắt nối với tuyến đường sắt nội đô của TP. Hồ Chí Minh? Tại sao chúng ta không triển khai ngay mà phải đợi sân bay làm xong rồi mới làm đường sắt? KTNN phải chỉ ra được vấn đề này và việc chậm triển khai sẽ ảnh hưởng như thế nào, bài toán kinh tế vận tải ảnh hưởng ra sao.
Hay đối với đường vành đai 4 Hà Nội và vành đai 3 TP. Hồ Chí Minh, ngoài kiểm toán con đường (giải phóng mặt bằng, giá đầu tư, giá 1km đường…), KTNN phải đi tiếp một bước nữa để giải bài toán hiệu quả vốn đầu tư của Nhà nước. Ví dụ, đi từ điểm a đến điểm b, ngoài 2 tuyến đường này, chúng ta có phương thức nào khác? Nếu có phương thức đánh giá thì tại sao chúng ta không triển khai và yêu cầu các cơ quan phải tính toán là 4 làn hay 8 làn đường? Nếu đã có phương pháp vận tải khác đi kèm thì chúng ta tính xem 4 làn hay 8 làn rẻ hơn…
Bên cạnh đó, chúng ta phải tính thêm các yếu tố phát triển bền vững. Để thực hiện cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng tại COP26, thì phương án 8 làn đường có đúng không? Để làm sáng tỏ được những câu hỏi trên, KTNN phải bám sát các định hướng lớn, các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước. Khi xây dựng Luật KTNN, mục tiêu tối cao là xây dựng KTNN trở thành một cơ quan kiểm soát, giám sát tài chính độc lập. KTNN có thể kiến nghị Quốc hội không sửa Nghị quyết. Nếu bám theo các văn bản pháp quy quy định chức năng, nhiệm vụ thì KTNN sẽ đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước.
Trong chặng đường phát triển tiếp theo, ông kỳ vọng như thế nào đối với KTNN để có thể đáp ứng được mong mỏi của Quốc hội, Chính phủ và cử tri cả nước?
Tôi kỳ vọng KTNN phải là chỗ dựa cho chính quyền địa phương và các Bộ, ngành, chuyên ngành kinh tế. Tức là, KTNN phải giúp bảo vệ được những cán bộ làm đúng trong các dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, đặc biệt là các dự án liên quan đến sử dụng đất đai và đấu thầu. Ở đây, chúng ta phải nhìn bài toán kinh tế trong không gian 4 chiều: Luật, quy định, thực tế và thời gian (phải lùi lại thời gian để đặt bài toán ở không gian ấy để xem xét, đánh giá nhiều chiều thì mới bảo vệ được cán bộ).
KTNN muốn bảo vệ cái đúng, bảo vệ được cán bộ thì bản lĩnh phải vững vàng, năng lực phải lên một cấp, tư duy phải rộng ra, nhận thức phải đúng Nghị quyết.
Ví dụ, một con đường được đầu tư theo phương thức BOT. Theo đúng phương án tài chính của dự án, khi có đủ lưu lượng xe chạy, người ta sẽ thu phí. Mà muốn đủ lưu lượng xe chạy thì chỗ này phải có khu công nghiệp, chỗ kia phải có cụm công nghiệp. Khi đó, lưu lượng xe vận chuyển hàng hóa đi khắp nơi thì nó mới tạo ra giá trị gia tăng. Bản thân con đường không tạo ra giá trị gia tăng mà hàng hóa chạy trên con đường mới tạo ra giá trị gia tăng. Vấn đề ở đây, chúng ta kiểm toán như thế nào? Chúng ta mới chỉ kiểm toán con đường này làm hết 10 đồng, như vậy, dự án được thu phí trong 20 năm, mỗi năm thu 5 hào. Đây là tính toán với lưu lượng xe đạt 80% lưu lượng thiết kế của con đường. Thế nhưng, nếu chỗ này không có khu công nghiệp, không có xe chạy, bài toán thu phí tài chính không đạt. Vậy, chúng ta có kéo dài thời gian thu phí cho dự án không hay chỉ hỗ trợ tiền giải phóng mặt bằng để giảm vốn vay? Chỗ này, KTNN phải kiến nghị. Thành ra, trong bối cảnh hiện nay, điều tôi mong đối với KTNN là hoạt động theo đúng luật để trở thành chỗ dựa cho chính quyền địa phương và các Bộ, ngành trong việc bảo vệ cán bộ, bảo vệ người làm đúng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói: Thấy cái đúng phải bảo vệ, thấy cái sai phải đấu tranh. Bản thân kiểm toán viên nhà nước cũng phải vươn lên về chuyên môn, năng lực, bản lĩnh, muốn bảo vệ cái đúng, bảo vệ được cán bộ thì bản lĩnh phải vững vàng, năng lực phải lên một cấp, tư duy phải rộng ra, nhận thức phải đúng Nghị quyết, theo đúng nguyên tắc của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tôi là một trong những người tham gia xây dựng Luật KTNN 2005 (Luật KTNN đầu tiên) và tham gia góp ý đối với Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chiến lược phát triển KTNN. Cho nên, tôi kỳ vọng rất nhiều và vẫn đau đáu với sự phát triển của KTNN. Thời gian tới, KTNN phải vươn lên nữa để khẳng định tính độc lập trong hoạt động, tất cả hướng đến nền tài chính quốc gia minh bạch, bền vững.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.