(sav.gov.vn) - Là thành viên tích cực, có trách nhiệm của Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và Ban Điều hành Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI) giai đoạn 2021-2024, đồng thời thực hiện cam kết tại Tuyên bố Hà Nội với trọng tâm “Kiểm toán môi trường vì sự phát triển bền vững”, Kiểm toán nhà nước (KTNN) Việt Nam rất chú trọng đến các hành động quốc gia về khí hậu, tích cực ứng phó với biến đổi khí hậu.
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn (thứ 3 từ phải sang) tham dự Cuộc họp toàn cầu tại Hoa Kỳ. Ảnh: CTV
Đẩy mạnh kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu
Trong các ngày 25 và 26/3, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn dẫn đầu Đoàn đại biểu KTNN Việt Nam tham dự Cuộc họp toàn cầu về “Sự tham gia của các cơ quan kiểm toán tối cao (SAI) trong việc đánh giá các hành động quốc gia về khí hậu” cùng lãnh đạo của hơn 60 SAI trên thế giới. Cuộc họp diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Tòa Thẩm kế liên bang Brazil - Chủ tịch INTOSAI nhiệm kỳ 2022-2025 cùng Ủy ban Kinh tế và Xã hội Liên hợp quốc (UNDESA).
Chia sẻ với Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc phụ trách các vấn đề kinh tế và xã hội, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn nhấn mạnh, kiểm toán môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nội dung chủ đạo được KTNN Việt Nam tập trung phát triển, tăng cường cả về chất lượng và số lượng cuộc kiểm toán.
Trong những năm qua, KTNN Việt Nam đã chú trọng và triển khai thực hiện nhiều cuộc kiểm toán có nội dung liên quan đến công tác bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Nổi bật như: Cuộc kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020; kiểm toán Chương trình giảm nhẹ và thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012-2015; kiểm toán Dự án trồng mới 5 triệu hecta rừng; kiểm toán việc quản lý nguồn nước lưu vực sông Mê Công, gắn với việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững (phối hợp với KTNN Thái Lan và Myanmar); kiểm toán Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; kiểm toán quản lý nhập khẩu phế liệu giai đoạn 2016-2018; kiểm toán việc thực hiện các giải pháp giảm thiểu sử dụng túi ni lông; kiểm toán quản lý và bảo vệ môi trường các khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, nhà máy nhiệt điện, bệnh viện…
Các chủ đề kiểm toán trên đều là các vấn đề “nóng” về môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tác động tiêu cực đến môi trường và gia tăng vấn đề biến đổi khí hậu được Chính phủ, Quốc hội, người dân quan tâm, đồng thời đã được KTNN Việt Nam rà soát, thu thập thông tin, đánh giá một cách kỹ lưỡng trước khi đưa vào kế hoạch thực hiện. Thông qua kiểm toán, KTNN đã chỉ ra những bất cập, tồn tại trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, đồng thời đã kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục những sai phạm trong công tác quản lý nhà nước về môi trường, biến đổi khí hậu cũng như sửa đổi, bổ sung các văn bản, chính sách còn chưa nhất quán, chưa phù hợp với Luật và thực tiễn thực hiện; góp phần nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan chức năng, chuyên ngành và tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong thực hiện các chiến lược, chương trình, kế hoạch, đề án… của Chính phủ.
KTNN Việt Nam luôn đóng vai trò là thành viên tích cực, chủ động của INTOSAI trong mọi hoạt động của tổ chức, đặc biệt là việc thúc đẩy hoạt động kiểm toán ứng phó với biến đổi khí hậu. KTNN Việt Nam mong muốn tăng cường hợp tác song phương, đa phương với các tổ chức và các SAI thành viên INTOSAI trong việc thực hiện kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG); tham gia tích cực vào các cuộc kiểm toán hợp tác; biệt phái kiểm toán viên tham gia các cuộc kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và các SDG do các SAI thành viên ASOSAI, INTOSAI có thế mạnh thực hiện để học hỏi, tiếp thu kiến thức, kinh nghiệm… |
Đóng góp tích cực để ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu
Trong giai đoạn 2023-2024, để đóng góp cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu trên toàn cầu, KTNN đã tích cực tham gia Cuộc kiểm toán hợp tác về hành động thích ứng với biến đổi khí hậu do Cơ quan Sáng kiến phát triển của INTOSAI (IDI) phối hợp với Nhóm công tác về kiểm toán môi trường của INTOSAI (INTOSAI WGEA) chủ trì thực hiện với chuyên đề “Thực hiện kế hoạch và hành động thích ứng với biến đổi khí hậu (liên quan đến Mục tiêu phát triển bền vững số 13)”. Đến nay, KTNN đã hoàn thành Đề cương kiểm toán của cuộc kiểm toán và gửi cho các chuyên gia IDI cho ý kiến hoàn thiện để triển khai kiểm toán vào tháng 5/2024.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán trong việc đánh giá các hành động của Chính phủ Việt Nam về khí hậu, đồng thời thực hiện có hiệu quả các cam kết quốc tế, đóng góp thiết thực cho hành động ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu, KTNN Việt Nam đã đưa ra một số định hướng.
KTNN xác định cần thực hiện tốt Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, trong đó có mục tiêu hướng tới tăng cường kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững, phấn đấu tăng cường kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường đạt tỷ lệ khoảng 30% đến 40% số lượng các cuộc kiểm toán hằng năm; chú trọng việc phát hiện các bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật để kiến nghị hoàn thiện; nâng cao chất lượng kiểm toán đáp ứng yêu cầu quản lý, điều hành của Chính phủ, yêu cầu giám sát của Quốc hội.
Đồng thời, xây dựng Kế hoạch kiểm toán hằng năm và định kỳ rà soát Kế hoạch kiểm toán trung hạn với mục tiêu triển khai hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Trong đó, KTNN tiếp tục tập trung ưu tiên lựa chọn những vấn đề trọng yếu về môi trường, biến đổi khí hậu và phát triển bền vững mà dư luận xã hội và Chính phủ quan tâm; xác định kiểm toán môi trường, biến đổi khí hậu và các mục tiêu phát triển bền vững là một trong những nội dung quan trọng và mang tính đột phá trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, KTNN sẽ tập trung xây dựng và tăng cường năng lực cho đội ngũ kiểm toán viên; chú trọng nâng cao công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán; áp dụng linh hoạt chuẩn mực, hướng dẫn, thông lệ quốc tế vào quy trình kiểm toán nhằm nâng cao hơn nữa giá trị của các kết quả và kiến nghị kiểm toán.
KTNN cũng tiếp tục tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán nói chung và kiểm toán ứng phó với biến đổi khí hậu nói riêng như: Truy cập, trích xuất, phân tích các số liệu từ hệ thống phần mềm, cơ sở dữ liệu về quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương…/.
Theo Báo Kiểm toán số 13/2024