Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết thành lập Cục Công nghệ thông tin trực thuộc Kiểm toán nhà nước

23/04/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 23/4, tiếp tục chương trình Phiên họp thứ 32, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc tổ chức lại Trung tâm tin học (TTTH) thành Cục Công nghệ thông tin trực thuộc KTNN.

Quang cảnh Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tham dự Phiên họp có Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng cùng đại diện một số Bộ, ngành liên quan.

Không làm tăng thêm đầu mối, biên chế
 
Trình bày Tờ trình của KTNN về việc tổ chức lại TTTH thành Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán thuộc KTNN, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, với mô hình tổ chức TTTH là đơn vị sự nghiệp như hiện nay, KTNN đang gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai ứng dụng CNTT trong mọi hoạt động.

Do đó, cần thiết phải có điều chỉnh kịp thời về tổ chức bộ máy để cơ quan chuyên trách về CNTT của KTNN được thực hiện chức năng phù hợp với quy định của pháp luật; có đủ thẩm quyền trong việc thống nhất quản lý và đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các hoạt động nghiệp vụ kiểm toán; có điều kiện thu hút cán bộ có chuyên môn tốt và chủ động trong việc điều động, luân chuyển công chức có chuyên môn, am hiểu về CNTT trong triển khai các hoạt động kiểm toán.
 “Việc tổ chức lại TTTH thành Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán là yêu cầu cấp bách, phù hợp với chủ trương và định hướng của Đảng, của Trung ương, của Bộ Chính trị, phù hợp với thực tiễn phát triển của Ngành, là sự kết hợp hài hòa giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển, có sự tham khảo từ bài học thành công của các Cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới và kinh nghiệm triển khai mô hình tổ chức hoạt động CNTT tại một số Bộ, ngành trong nước” - Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
 
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trình bày Tờ trình tại Phiên họp. Ảnh: VPQH

Tổng Kiểm toán nhà nước cũng nêu rõ, hiện nay, KTNN có 32 Vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ, trong đó có 07 đơn vị tham mưu, 08 đơn vị KTNN chuyên ngành, 13 đơn vị KTNN khu vực, 03 đơn vị sự nghiệp công lập và Văn phòng Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, Đoàn thể. Nếu được UBTVQH cho phép thành lập Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán trên cơ sở tổ chức lại TTTH thì sẽ tăng 01 đơn vị cấp Cục, nhưng giảm 01 đơn vị sự nghiệp nên không làm tăng thêm đầu mối. Đồng thời, không làm tăng biên chế hành chính mà còn giảm số biên chế sự nghiệp theo chỉ tiêu biên chế KTNN đã được Bộ Chính trị, UBTVQH giao giai đoạn 2022-2026.
 
Đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KTNN trong giai đoạn phát triển mới

Thẩm tra Tờ trình của KTNN, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật tán thành sự cần thiết kiện toàn tổ chức bộ máy của đơn vị chuyên trách về CNTT của KTNN.
 
 “Đây là một trong những nhiệm vụ đã được xác định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 nhằm tiếp tục xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy của KTNN, tạo cơ sở để chuyển đổi phương pháp kiểm toán truyền thống sang kiểm toán hiện đại dựa trên dữ liệu số; đồng thời, đáp ứng yêu cầu mở rộng quy mô, phạm vi, tần suất kiểm toán lớn hơn của KTNN, kịp thời phục vụ công tác quản lý và điều hành phát triển kinh tế - xã hội của đất nước” - ông Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh.
 
Ông Hoàng Thanh Tùng cũng nêu rõ, việc tổ chức lại TTTH thành Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán là phù hợp với chủ trương của Đảng về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo Nghị quyết số 18-NQ/TW và không thuộc trường hợp phải báo cáo Bộ Chính trị.
 
Bên cạnh đó, vận dụng các văn bản của Chính phủ về thành lập, tổ chức lại tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập thì TTTH của KTNN đáp ứng điều kiện để tổ chức lại thành Cục thực hiện chức năng quản trị nội bộ; đáp ứng các tiêu chí thành lập Cục quy định tại Nghị định số 123/2016/NĐ-CP của Chính phủ (đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 101/2020/NĐ-CP). Do đó, việc tổ chức lại TTTH thành Cục theo đề xuất của KTNN là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 56/2017/QH14 của Quốc hội.
 
Việc chuyển đổi mô hình từ TTTH thành Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của KTNN trong giai đoạn phát triển mới cũng phù hợp với mục tiêu đã được xác định tại Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
 
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra tại phiên họp. Ảnh: VPQH

Với những phân tích nêu trên, đa số ý kiến trong Ủy ban Pháp luật tán thành với phương án đề xuất của Tổng Kiểm toán nhà nước về việc tổ chức lại TTTH thành Cục CNTT và dữ liệu kiểm toán.
 
Phát biểu ý kiến tại Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản thống nhất Tờ trình của KTNN và báo cáo thẩm tra. Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội đề nghị cân nhắc sử dụng tên gọi là Cục CNTT để đảm bảo ngắn gọn, còn chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Cục do Tổng Kiểm toán nhà nước quy định.
 
Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, UBTVQH đánh giá cao KTNN đã chuẩn bị Đề án rất chu đáo. Trong quá trình xây dựng Đề án, KTNN gửi Dự thảo Đề án xin ý kiến Đảng Đoàn Quốc hội, Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin truyền thông, các cơ quan có liên quan và nhận được sự đồng thuận cao.
 
Trên cơ sở ý kiến đề xuất, thẩm tra của Ủy ban Pháp luật, UBTVQH thống nhất thành lập Cục CNTT trực thuộc KTNN trên cơ sở tổ chức lại TTTH. Theo đó, việc thành lập Cục CNTT không tăng số lượng đầu mối cấp vụ so với hiện hành, không tăng tổng biên chế được giao; đồng thời góp phần để KTNN làm tốt hơn chức năng, nhiệm vụ được giao. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu bên trong của Cục CNTT do Tổng Kiểm toán nhà nước quy định.
 
Tại Phiên họp, 100% Ủy viên UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc thành lập Cục CNTT trực thuộc KTNN trên cơ sở tổ chức lại TTTH. UBTVQH giao Thường trực Ủy ban Pháp luật phối hợp với KTNN xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị quyết gửi xin ý kiến lại UBTVQH bằng văn bản trước khi hoàn chỉnh trình Chủ tịch Quốc hội ký ban hành.

Đ.KHOA

Xem thêm »