Sau kiểm toán doanh nghiệp vẫn sai sót: Trách nhiệm thuộc đơn vị được kiểm toán

05/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về trường hợp sau khi được Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ ra mà sai sót vẫn lặp lại tại doanh nghiệp, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn khẳng định: trách nhiệm thuộc về đơn vị được kiểm toán.

Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn trả lời chất vấn. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Kiểm toán nhà nước chưa có một trường hợp nào phải xử lý

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, việc quản lý vốn, tài sản của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có nhiều hạn chế, thiếu sót như hạch toán và kế toán, sử dụng tài sản công chưa hiệu quả, sản xuất kinh doanh kém, thua lỗ kéo dài… Đại biểu đề nghị Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết trách nhiệm trong xử lý vấn đề này?

Trả lời ý kiến của đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn cho biết, đối với những doanh nghiệp có trên 50% vốn Nhà nước thuộc đối tượng kiểm toán, KTNN cũng đã kiểm toán và tập trung vào những sai phạm chủ yếu như việc thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước; quản lý doanh thu, chi phí; việc tái cơ cấu, chuyển nhượng vốn… Báo cáo kiểm toán sau khi được phát hành, theo quy định tại Điều 7 Luật KTNN thì có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán với những sai phạm được chỉ ra.

"Trường hợp kiểm toán xong mà DN vẫn sai thì rõ ràng trách nhiệm thuộc về đơn vị được kiểm toán. KTNN cũng đã báo cáo các nguyên nhân, giải pháp với các cấp có thẩm quyền, trong đó nhấn mạnh cần phải tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu, nâng cao trình độ, năng lực, ý thức, cũng như công tác phối hợp... để thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán." - Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn.

Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) chất vấn Tổng Kiểm toán nhà nước. Ảnh: Quốc hội.vn


Đại biểu Hà Đức Minh (đoàn Lào Cai) cũng đặt câu hỏi về việc khi kiểm toán DNNN, KTNN không phát hiện ra sai phạm, nhưng khi các cơ quan chức năng khác vào làm tiếp mà phát hiện ra sai phạm, tham nhũng thì trách nhiệm của KTNN đến đâu?

Phản hồi ý kiến của đại biểu, Tổng Kiểm toán nhà nước nêu rõ, Điều 62 Luật Phòng chống tham nhũng ngày 20/11/2018 đã quy định rất rõ về trách nhiệm xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện qua hoạt động thanh tra, kiểm toán.

Theo đó, trong quá trình thanh tra, kiểm toán nếu phát hiện vụ việc có dấu hiệu tham nhũng thì người ra quyết định thanh tra, người ra quyết định kiểm toán phải chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng và xử lý như sau: Trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cung cấp.

Trong trường hợp này, Cơ quan thanh tra, KTNN tiếp tục tiến hành hoạt động thanh tra, kiểm toán về các nội dung khác theo kế hoạch tiến hành thanh tra, kế hoạch kiểm toán đã phê duyệt và ban hành Kết luận thanh tra, Báo cáo kiểm toán theo quy định của pháp luật về thanh tra, pháp luật về KTNN.

Còn trong trường hợp vụ việc không có dấu hiệu tội phạm thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý người có hành vi vi phạm. Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền xử lý phải thông báo bằng văn bản về kết quả xử lý cho cơ quan thanh tra, KTNN đã kiến nghị.

“Như vậy, đối với những báo cáo kiểm toán đã phát hành mà không phát hiện sai phạm, khi cơ quan chức năng vào làm tiếp về cùng một nội dung, cùng thời kỳ kiểm toán mà phát hiện sai phạm thì cần phải làm rõ trách nhiệm, nếu có lỗi thì phải xử lý, tùy theo vi phạm để xử lý theo trách nhiệm hình sự và trách nhiệm hành chính. Khi phát hiện sai phạm thì theo quy định pháp luật phải làm rõ trách nhiệm thuộc về ai, trách nhiệm thuộc về cá nhân thì xử lý cá nhân, trách nhiệm của tập thể thì xử lý tập thể. Trong gần 30 năm hoạt động, KTNN chưa có một trường hợp nào phải xử lý như vậy” - Tổng Kiểm toán cho biết.

Cần có chế tài xử lý mạnh hơn với sai sót lặp lại tại doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên Báo Kiểm toán, Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh nhận định: “Kết quả kiểm toán của KTNN đối với DNNN cho thấy hoạt động của KTNN đã diễn ra nghiêm túc, chuyên nghiệp, đúng qui định pháp luật, từ đó chỉ ra những thiếu sót, hạn chế của DNNN, cả những hạn chế chung có cội nguồn từ cơ chế chính sách lẫn thiếu sót riêng mang tính đặc thù và tính thời điểm của từng DNNN được kiểm toán”.

Những khuyết điểm của DNNN đã được KTNN chỉ ra một cách cụ thể, chính xác và thuyết phục nên có giá trị rất cao cho DN và cơ quan quản lý DNNN không chỉ trong việc khắc phục khuyết điểm, tồn tại nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của DN cũng như hiệu quả quản lý DNNN mà còn góp phần tích cực vào hoàn thiện cơ chế chính sách pháp luật về DNNN và quản lý DNNN nói riêng, quản lý tài chính công và tài sản công nói chung.


"Các báo cáo kết quả kiểm toán cần được đúc kết để tất cả các DNNN tham khảo và nếu DNNN nào đó vẫn để xảy ra khuyết điểm, hạn chế mang tính phổ biến đã được KTNN chỉ ra qua các đợt kiểm toán thì có thể áp dụng chế tài, chế định nặng hơn" - TS.Vũ Đình Ánh

Ông Ánh cho rằng, nếu các DNNN được kiểm toán thực hiện đầy đủ, kịp thời các kiến nghị của KTNN thì hiệu quả hoạt động của DN sẽ được nâng cao, việc quản lý tài chính công, tài sản công tại DN sẽ chặt chẽ hơn, đúng qui định pháp luật hơn và đặc biệt là hiệu quả sử dụng sẽ cao hơn.

Theo TS.Vũ Đình Ánh: Hậu quả có thể dẫn đến “nhờn kiểm toán” khi hiệu lực của kết luận, kiến nghị của KTNN không được tôn trọng và khắc phục sai phạm, khuyết điểm một cách nghiêm túc, kịp thời. Theo đó, quản lý nhà nước đối với DNNN có dấu hiệu bị buông lỏng và hiệu quả quản lý không thể cao được hay ít nhất cũng thiếu cơ hội cải thiện.

Không những vậy, các DNNN chưa được kiểm toán cũng có thể rút kinh nghiệm từ các báo cáo kiểm toán để sớm phát hiện và khắc phục những khuyết điểm tương tự ở DN, không cần đợi đến khi KTNN thực hiện kiểm toán trực tiếp đơn vị.

Nếu các sai phạm, khuyết điểm lặp đi lặp lại, mang tính phổ biến, thậm chí mãn tính thì trước hết các đối tượng được kiểm toán bị thiệt hại do mục tiêu quan trọng nhất của kiểm toán là giúp DN nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng tài chính công, tài sản công đã không đạt được./.

L. Hường - H. Thoan

Xem thêm »