Thực hiện nghiêm việc sử dụng kết quả kiểm toán trong quyết toán ngân sách địa phương

27/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu Hội đồng nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và Luật Kiểm toán nhà nước (KTNN) về sử dụng kết quả kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN trong xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.

Các đại biểu Quốc hội bấm nút biểu quyết thông qua Nghị quyết Bổ sung dự toán thu NSNN năm 2022 và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022. Ảnh: VPQH

Quản lý, sử dụng chặt chẽ số chuyển nguồn

Chiều 24/6, với đa số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Bổ sung dự toán thu NSNN năm 2022 và phê chuẩn quyết toán NSNN năm 2022.
 
Tại Nghị quyết, Quốc hội đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo thực hiện đồng bộ, kịp thời các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và chấn chỉnh, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong chấp hành pháp luật về tài chính, NSNN.
 
Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô ổn định, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, lạm phát được kiểm soát; quản lý thu, chi NSNN được tăng cường, thu NSNN vượt dự toán cao, tăng 28,8% so với dự toán, chi NSNN tiết kiệm, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư; các chỉ tiêu nợ công giảm tỷ trọng so với GDP và trong giới hạn cho phép; hệ số tín nhiệm quốc gia được nâng lên.
 
Bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế kéo dài nhiều năm chậm được khắc phục tại một số Bộ, ngành, địa phương. Đó là, thu, chi NSNN lập dự toán không sát thực tế; một số Bộ, cơ quan trung ương, địa phương phân bổ, giao dự toán chậm, một số khoản chi sự nghiệp và giải ngân vốn đầu tư còn chậm; còn nhiều khoản tạm ứng quá hạn, ứng trước dự toán chưa thu hồi. Nhiều Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục lập, xét duyệt, gửi báo cáo quyết toán NSNN chậm so với thời gian quy định. Tình trạng điều chỉnh thông tin, số liệu thu, chi, bội chi NSNN sau thời gian chỉnh lý quyết toán NSNN chưa được khắc phục.

Bên cạnh đó, việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN tại một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm, còn tồn đọng nhiều kết luận, kiến nghị kéo dài nhiều năm. Tại một số cơ quan, đơn vị được kiểm toán còn nợ thuế, tính thiếu thuế phải nộp và chi không đúng quy định, sai mục đích sử dụng nguồn kinh phí.

Đáng chú ý, theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh, qua thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng, số chi chuyển nguồn NSNN năm 2022 sang năm 2023 rất lớn, tăng cả quy mô và tỷ trọng so với năm trước. “Đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế, chính sách chuyển nguồn hiện nay; lưu ý tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng số chuyển nguồn trong năm sau, đảm bảo chi đúng quy định, đúng kỷ cương, kỷ luật” - ông Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Nhất trí với các ý kiến của đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết, Quốc hội yêu cầu Chính phủ chỉ đạo các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp khắc phục từ khâu lập dự toán đến chấp hành thực hiện dự toán, quản lý, sử dụng chặt chẽ số chuyển nguồn.
 
Quốc hội yêu cầu KTNN tăng cường kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn NSNN khi thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm. Ảnh: VPQH

Nâng cao chất lượng ý kiến của KTNN về dự toán, quyết toán NSNN

Quốc hội yêu cầu Chính phủ, trong năm 2024, tiếp tục rà soát, hủy bỏ, thu hồi triệt để về NSNN các khoản chi NSNN, chi ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương năm 2023 và năm 2022 trở về trước quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân để giảm bội chi ngân sách trung ương. Không chuyển nguồn sang năm 2024 các khoản chi NSNN, chi ngân sách trung ương hỗ trợ cho các địa phương quản lý, sử dụng không đúng quy định, đã hủy dự toán, không có nhu cầu sử dụng hoặc hết thời gian giải ngân, phải thu hồi về ngân sách trung ương…

Đối với KTNN, Quốc hội giao KTNN tiếp tục đôn đốc các Bộ, cơ quan trung ương, UBND các cấp và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN; phối hợp với Chính phủ nghiên cứu cơ chế xử lý các trường hợp bất khả kháng không thể thực hiện được các kết luận, kiến nghị của KTNN.

Đồng thời, KTNN tăng cường kiểm toán các khoản chi chuyển nguồn NSNN khi thực hiện kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm tại các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị quản lý thu, chi NSNN. Tiếp tục kiểm tra việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán liên quan đến các khoản hủy dự toán chi, không còn nhu cầu sử dụng, quá thời gian giải ngân theo quy định phải hoàn trả NSNN, ngân sách trung ương năm 2023 và năm 2022 trở về trước để kịp thời xử lý, thu hồi các khoản chuyển nguồn không đúng quy định.

KTNN cần tiếp tục nâng cao chất lượng ý kiến về dự toán, quyết toán NSNN làm căn cứ để Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp quyết định dự toán, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm. KTNN xây dựng kế hoạch, tổ chức kiểm toán quyết toán NSNN hằng năm trước thời điểm cấp có thẩm quyền phê chuẩn quyết toán NSNN. Các kết luận, kiến nghị của KTNN cần nêu rõ các khoản không đủ điều kiện quyết toán NSNN làm cơ sở cho Quốc hội, HĐND các cấp xem xét, phê chuẩn quyết toán NSNN hằng năm.

Quốc hội cũng yêu cầu KTNN tiếp tục thực hiện công khai kết quả kiểm toán của các cuộc kiểm toán và kiểm toán quyết toán NSNN theo quy định; công khai danh sách các tổ chức, cá nhân không thực hiện kết luận, kiến nghị của KTNN.

Làm rõ trách nhiệm việc chậm báo cáo điều chỉnh quyết toán NSNN theo kiến nghị kiểm toán

Trước đó, qua kiểm toán quyết toán NSNN năm 2022, KTNN đã chỉ ra việc quyết toán chi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và 12 địa phương chưa điều chỉnh theo kết luận, kiến nghị của KTNN.

Qua thảo luận, các đại biểu Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải chấn chỉnh tình trạng này, tránh trường hợp các năm sau tái diễn, phải kéo dài thời gian xem xét quyết toán.

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, tại Nghị quyết, Quốc hội giao Chính phủ yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội và UBND các tỉnh: Bắc Giang, Lai Châu, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Kon Tum, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Vĩnh Long khẩn trương thực hiện các kết luận, kiến nghị của KTNN đối với niên độ NSNN năm 2022 và thu nộp NSNN các khoản chi không đúng quy định theo kết luận, kiến nghị của KTNN.
Đồng thời, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân chậm báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh quyết toán NSNN theo quy định của Luật NSNN và Luật KTNN.

Nghị quyết của Quốc hội yêu cầu HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện nghiêm quy định của Luật NSNN và Luật KTNN về sử dụng kết quả kiểm toán quyết toán NSNN của KTNN trong xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương bảo đảm chính xác và đúng thời gian quy định.
 
“Sau thời điểm phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương hằng năm, trường hợp KTNN gửi bổ sung các kết luận, kiến nghị liên quan đến quyết toán ngân sách địa phương, yêu cầu HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện điều chỉnh quyết toán ngân sách địa phương theo kết luận, kiến nghị của KTNN trước thời gian Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến về quyết toán NSNN hằng năm theo quy định của Luật NSNN” - Nghị quyết nêu rõ.

Nguyễn Hồng

Xem thêm »