Những dấu ấn Kiểm toán nhà nước trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội

03/07/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tại tọa đàm “Kiểm toán nhà nước: Những dấu ấn hôm nay” trong khuôn khổ Hội thảo “Kiểm toán nhà nước - 30 năm xây dựng và phát triển”, các đại biểu nhấn mạnh: Với vai trò là cơ quan kiểm tra tài chính, tài sản công, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã phát huy hiệu quả vai trò của mình, đồng hành cùng sự phát triển của mỗi địa phương, doanh nghiệp cũng như phục vụ hiệu quả cho hoạt động của Quốc hội trong giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước; đóng góp tích cực, hiệu quả vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội…

Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm

Nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch trong sử dụng ngân sách

Đánh giá cao những bước tiến vững chắc, toàn diện với nhiều thành tựu đáng tự hào của KTNN sau 30 năm xây dựng và phát triển, tham luận tại Tọa đàm, ông Hoàng Xuân Ánh - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng chia sẻ, những năm qua, hoạt động của KTNN luôn đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ các cấp chính quyền địa phương đánh giá đúng những lợi thế, ưu điểm, cũng như tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả; tuân thủ đúng quy định pháp luật hiện hành; tạo tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, giúp đời sống đồng bào dân tộc thiểu số, người dân khu vực nông thôn được cải thiện, diện mạo nông thôn có nhiều đổi thay.

Theo thời gian, tần suất các cuộc kiểm toán không tăng, nhưng quy mô cuộc kiểm toán được lồng ghép các chuyên đề sâu, phù hợp thực tiễn, tính thời sự được xã hội quan tâm, chất lượng hoạt động kiểm toán được nâng lên.

“Nhiều cuộc kiểm toán đi sâu đánh giá tính kinh tế, hiệu quả, hiệu lực trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và đưa ra những ý kiến tư vấn thiết thực định hướng cho sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn” - ông Hoàng Xuân Ánh nhấn mạnh.
 
Ông Hoàng Xuân Ánh - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng tham luận tại Hội thảo


Từ kết quả kiểm toán, KTNN đã kiến nghị tăng thu cho ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn; giảm chi, tiết kiệm NSNN, tạo thêm nguồn lực tài chính cho địa phương. Quan trọng hơn, hoạt động kiểm toán giúp các đơn vị được kiểm toán đã và đang khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý điều hành ngân sách, quản lý dự án đầu tư, hoàn thiện hệ thống kiểm soát nội bộ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả, tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; giúp HĐND các cấp có thông tin tin cậy để giám sát công tác quản lý tài chính, ngân sách ở địa phương; giúp các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp nhà nước điều chỉnh, uốn nắn kịp thời những sai sót trong công tác quản lý.

Ông Nguyễn Ngọc Cảnh - Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cho biết, thời gian qua, KTNN cũng đã triển khai hàng chục đoàn kiểm toán tại Ủy ban cũng như tại các doanh nghiệp nhà nước theo kế hoạch hằng năm, với các loại hình kiểm toán rất đa dạng, phong phú từ kiểm toán về tài chính, kiểm toán về vấn đề tái cơ cấu, kiểm toán tính tuân thủ và kiểm toán chuyên đề xây dựng cơ bản cũng như là tái cơ cấu doanh nghiệp và kiểm toán vốn sau cổ phần hóa doanh nghiệp.

Các thông tin của KTNN góp phần giúp cho Ủy ban cũng như các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế lớn của Nhà nước đưa ra những quyết định đúng đắn trong thực hiện các hoạt động đầu tư và sản xuất kinh doanh, bảo toàn và phát triển được vốn của doanh nghiệp. KTNN còn giúp cho các cấp có thẩm quyền sửa đổi các cơ chế, chính sách, tạo ra được hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động của doanh nghiệp và khuyến nghị đưa ra các quy định để bịt các lỗ hổng, tránh thất thoát tài sản nhà nước khi triển khai thực hiện các hoạt động đầu tư.

Đại diện Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cũng bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được nhiều khuyến nghị hiệu quả và thiết thực từ KTNN, giúp Ủy ban thực hiện tốt các hoạt động quản lý vốn và tài sản nhà nước; đảm bảo hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty hiệu quả, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị được giao.

"Ấn tượng sâu sắc nhất của chúng tôi khi làm việc với Đoàn kiểm toán là sự chỉ đạo hết sức quyết liệt của Lãnh đạo KTNN cũng như các kiểm toán viên rất giàu kinh nghiệm, có trách nhiệm cao khi thực hiện các nội dung kiểm toán, đưa ra các khuyến nghị rất xác đáng và có tính thực tiễn cao, giúp cho chúng tôi trong việc thực hiện tốt các vấn đề quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn và tài sản nhà nước” - Ông Nguyễn Ngọc Cảnh chia sẻ

Bên cạnh ghi nhận những đóng góp hiệu quả của KTNN với công tác quản lý, điều hành ngân sách, tài chính công, tài sản công, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của KTNN trong việc giúp địa phương nâng cao chất lượng nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương, các sở, ngành.

Theo đó, KTNN đã phối hợp với tỉnh tổ chức nhiều lớp đào tạo, tập huấn nghiệp vụ. Kiểm toán nhà nước đã hỗ trợ địa phương bồi dưỡng, tập huấn, nâng cao kiến thức về lĩnh vực tài chính, ngân sách cho đại biểu dân cử; xây dựng, sửa đổi, bổ sung, tuyên truyền các dự án luật, văn bản quy phạm pháp luật, văn bản về chính sách, chế độ có liên quan đến hoạt động của Kiểm toán nhà nước, của HĐND và UBND tỉnh theo luật định.

“Chúng tôi rất mong KTNN thời gian tới tiếp tục giúp địa phương mở các lớp tập huấn nghiệp vụ chuyên môn, giúp cho các sở, ngành, các địa phương nắm được những lĩnh vực phức tạp như Luật đất đai, tài sản công và vấn đề liên quan đến môi trường, liên quan đến khoáng sản…” - ông Nguyễn Văn Thi đề xuất.
 
Phó chủ tịch UBND  Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi


Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước

Tại Tọa đàm, các diễn giả cũng đặc biệt nhấn mạnh những đóng góp của KTNN đối với công tác hoàn thiện văn bản pháp luật, văn bản quản lý trên các lĩnh vực quản lý nhà nước.

Dẫn ví dụ từ thực tiễn địa phương, ông Hoàng Xuân Ánh cho biết, qua kiểm toán, KTNN khu vực X đã tư vấn bãi bỏ, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quản lý tài sản công, điều hành thu, chi NSNN do các cơ quan, đơn vị, các huyện, thành phố ban hành chưa phù hợp, không còn phù hợp với các luật, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước và tình hình thực tế tại địa phương.

Đơn cử, tại cuộc kiểm toán ngân sách địa phương năm 2023 của tỉnh Cao Bằng, KTNN khu vực X kiến nghị tư vấn sửa đổi, bổ sung 9 văn bản về cơ chế, chính sách thuộc địa phương quản lý, như: Ban hành quyết định tỷ lệ của từng loại khoáng sản nguyên khai có trong tổng khối lượng khoáng sản nguyên khai chứa nhiều khoáng vật, khoáng chất có ích để áp dụng tại địa phương; ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 5, Thông tư 41/2018/TT-BYT ngày 14/12/2018 của Bộ Y tế; sửa đổi, bổ sung và ban hành kiện toàn tổ chức bộ máy, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân theo quy định tại Điều 6, Nghị định số 37/2023/NĐ-CP và một số văn bản quản lý khác...
 
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội - Lê Minh Nam

Từ góc độ cơ quan của Quốc hội, ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội bày tỏ ấn tượng khi nhắc đến những kiến nghị của KTNN về xem xét sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

“Vì vậy, những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện văn bản pháp luật, hoàn thiện chính sách nếu được các cơ quan thực hiện việc khắc phục kịp thời thì nó sẽ giúp cho việc hoàn thiện hệ thống pháp luật trong quản lý, giúp nâng cao hiệu quả của quản lý. Đặc biệt là, các kiến nghị của KTNN là dựa trên nền tảng quy định pháp luật, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và quan trọng là xem xét dưới góc nhìn của các nhà chuyên môn, không phải theo cảm tính” - ông Lê Minh Nam nhấn mạnh.

Đồng tình quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thị cho biết, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã chỉ ra và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những điểm bất hợp lý của các văn bản do địa phương ban hành, sự chưa phù hợp với quy định của trung ương và điều kiện thực tiễn của địa phương. Những kiến nghị của KTNN về nội dung này đã được tỉnh Thanh Hóa tiếp thu một cách toàn diện, kịp thời.

"Theo báo cáo, trong 30 năm qua, KTNN đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hơn 2.200 văn bản. Thời gian vừa qua, khi phối hợp thực hiện cuộc giám sát tối cao về thực hiện pháp luật trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, KTNN cũng có báo cáo là đã kiến nghị trong giai đoạn 2016-2020 là 872 văn bản, trong đó có 8 luật, 38 Nghị định, 136 thông tư và 690 văn bản khác. Trong năm 2023, KTNN cũng kiến nghị 84 văn bản phải xem xét, sửa đổi." - Ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội.

Bài: Nguyễn Hồng - Nguyễn Ly




 

Xem thêm »