(sav.gov.vn) - Tại Hội thảo “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” đã diễn ra phiên thảo luận do bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp điều phối với các diễn giả đến từ Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi, Tòa Thẩm kế Pháp, Tòa Thẩm kế liên bang Brazil, Kiểm toán nhà nước Indonesia và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
Quang cảnh phiên thảo luận. Ảnh: N.LỘC
Tại Hội thảo “Vai trò của các cơ quan kiểm toán tối cao trong phòng chống tham nhũng, tăng cường tính minh bạch, liêm chính công và quản trị tốt” đã diễn ra phiên thảo luận do bà Lăng Trịnh Mai Hương - Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và ông Lê Hoài Nam - Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp điều phối với các diễn giả đến từ Cơ quan Tổng Kiểm toán Nam Phi, Tòa Thẩm kế Pháp, Tòa Thẩm kế liên bang Brazil, Kiểm toán nhà nước Indonesia và Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC).
Phòng, chống tham nhũng dựa trên phòng ngừa, phát hiện và kiến nghị
Theo chia sẻ của ông Vital do Rêgo - Phó Chủ tịch Tòa thẩm kế liên bang Brazil, những năm qua, SAI Brazil đã có nhiều hoạt động tập trung vào phòng, chống tham nhũng. Cách tiếp cận dựa trên 3 trụ cột chính, gồm: phòng ngừa, phát hiện và khắc phục. Liên quan đến khắc phục, với tư cách là một Tòa án, SAI Brazil thường xuyên trừng phạt những tập thể, cá nhân có những hành động sai phạm, thúc đẩy việc khắc phục những thiệt hại và áp dụng các khoản tiền phạt đáng kể lên tới 340 triệu USD trong những tháng đầu năm 2024.
Liên quan đến phòng ngừa, SAI Brazil đã tạo ra khuôn khổ phòng, chống tham nhũng trong khu vực công và khu vực tư, đóng vai trò hướng dẫn cho các tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa và chống tham nhũng cho chính tổ chức của họ.
Liên quan đến phát hiện, ông Vital do Rêgo cho biết, SAI Brazil đã có những tiến triển đáng kể trong triển khai các hệ thống kiểm toán liên tục, sử dụng công nghệ tiên tiến để giám sát các giao dịch và xác định được những rủi ro tiềm ẩn, bất thường trong các giao dịch đó. Điều này đóng vai trò quan trọng để phát hiện các gian lận từ sớm, có nguy cơ xảy ra trong tương lai…
Cùng với việc chia sẻ dữ liệu và kỹ thuật, SAI Brazil cũng tăng cường hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự để tạo ra các kênh thông tin báo cáo an toàn, cho phép người dân có thể báo cáo các hành vi bất thường mà không sợ bị đe dọa…
Cũng theo ông Vital do Rêgo, SAI Brazil đã đạt được nhiều thành công trong việc áp dụng các công nghệ tiên tiến như trí tuệ nhân tạo, cụ thể là các công cụ như ChatTCU, Hệ thống Phân tích và Đấu thầu (Alice) và các công nghệ kiểm toán khác. Các hệ thống này có thể phân tích dữ liệu, cho phép phát hiện sớm các mẫu đáng ngờ và cảnh báo tự động, từ đó hỗ trợ thực hiện các hành động khắc phục kịp thời.
Ra mắt vào tháng 2/2023, ChatTCU là một trợ lý ảo nội bộ được hơn 1.400 người sử dụng. Công cụ này hỗ trợ nhiều tác vụ như phân tích tài liệu, nghiên cứu pháp lý, dịch thuật và truy vấn hành chính. ChatTCU, cho phép các kiểm toán viên yêu cầu tổng hợp tài liệu hồ sơ, đặt câu hỏi chuyên môn liên quan đến công việc của SAI Brazil và các quyết định tư pháp, cũng như tìm kiếm sự trợ giúp cho các dịch vụ hành chính. Công cụ này đã cách mạng hóa phương thức làm việc của kiểm toán viên, nâng cao hiệu quả và chất lượng các cuộc kiểm toán.
Còn với hệ thống Alice, chỉ riêng năm 2023 đã kiểm toán khoảng 850 triệu USD chi tiêu công, đem lại lợi ích tài chính khoảng 122 triệu USD. Việc sử dụng trí tuệ nhân tạo đã cho phép SAI Brazil thực hiện các cuộc kiểm toán chính xác và nhanh chóng hơn, nhận diện các mô hình đáng ngờ và phát ra cảnh báo tự động, hỗ trợ các hành động khắc phục kịp thời.
Các SAI ngày càng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống tham nhũng
Ông Benedikt Hofmann - Phó Trưởng Đại diện Khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương của Văn phòng UNODC nhận định rằng, theo truyền thống, trên thực tế các SAI không được coi là một cơ quan phòng, chống tham nhũng. Tuy nhiên, đã có nhiều thay đổi trong thời gian qua, đặc biệt là từ năm 2019, khi UNODC tổ chức phiên họp lần thứ 8 của Hội nghị các quốc gia thành viên UNCAC tại thủ đô Abu Dhabi, Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE).
Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng (UNCAC) là công ước chống tham nhũng có tính ràng buộc pháp lý trên thế giới với 190 quốc gia thành viên, trong đó có Việt Nam và nhiều SAI quốc tế khác. Năm 2021, UNODC đã khởi động Chương trình Tuyên bố Abu Dhabi (ADDP) nhằm ngăn ngừa và chống tham nhũng thông qua việc phát huy vai trò của các SAI trong việc giải quyết tham nhũng và tăng cường hợp tác với các cơ quan chống tham nhũng.
Trao đổi tại phiên thảo luận, ông Benedikt Hofmann nhấn mạnh, UNODC đã có những công cụ hỗ trợ cho các cơ quan kiểm toán tối cao tham gia vào công cuộc chống tham nhũng. Tại phiên họp lần thứ 9 Hội nghị các bên tham gia UNCAC năm 2021 tại Ai Cập, các bên có liên quan đã nhận thấy vai trò ngày càng quan trọng của các SAI, từ đó đặt ra vấn đề cần làm thế nào để SAI có thể tham gia, hợp tác với cơ quan phòng chống tham nhũng tạo ra cơ hội minh bạch, thực hiện quản lý công một cách tốt hơn.
UNODC đã hợp tác chặt chẽ với Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) cũng như các cơ quan khác trên thế giới. Do đó, UNODC có thể tận dụng những kiến thức của các chuyên gia cũng như hợp tác với các cơ quan phòng, chống tham nhũng ở nhiều quốc gia trên thế giới để cùng chia sẻ kinh nghiệm, những thông lệ tốt nhất ở mỗi quốc gia, đem lại hiệu quả tốt trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Có nhiều công cụ để tìm ra các dấu hiệu tham nhũng
Theo ông Gilles Piere Levy - Chủ tịch danh dự Tòa thẩm kế Pháp, Tòa Thẩm kế Pháp có các công cụ truyền thống và một số công cụ khác để tìm ra các dấu hiệu liên quan đến tham nhũng. Tòa Thẩm kế Pháp sử dụng các chuyên gia về công nghệ thông tin, các cơ sở dữ liệu quan trọng và nhận được sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong lĩnh vực phân tích dữ liệu. Tòa Thẩm kế tập trung biên soạn những hướng dẫn cho các kiểm toán viên và tăng cường sự hợp tác để thực hiện báo cáo tài chính bằng cách cung cấp các thông tin cho người dân.
Ông Gilles Piere Levy cho biết, Tòa Thẩm kế Pháp đã tạo ra một nền tảng để có sự tương tác giữa người dân với các kiểm toán viên và có một nền tảng khác nữa giúp thu thập các thông tin liên quan tới tình hình tài chính của các đơn vị. Trong quá trình hợp tác, Tòa Thẩm kế thực hiện các cách tiếp cận khác nhau. Tòa Thẩm kế có các chức năng giống như Tòa án, có một bộ phận thực hiện các quyền công tố, có chức năng của Thẩm phán, đồng thời cũng hợp tác với các tòa hình sự để chuyển các vụ việc qua Tòa hình sự truy tố.
Từ năm 2023, Tòa Thẩm kế Pháp có các cơ chế, thống nhất và hợp tác rất chặt chẽ giữa kiểm toán viên và thẩm phán, chịu trách nhiệm về việc quản lý các vụ việc, các sai sót trong quản lý tài chính, tài sản công. Tòa Thẩm kế hợp tác chặt chẽ với các cơ quan phòng chống tham nhũng của Pháp và thực hiện kiểm toán các công ty lớn cũng như kiểm soát các hoạt động cung cấp dịch vụ công nhằm tìm kiếm các bằng chứng liên quan đến tham nhũng.
Về hợp tác quốc tế, ông Gilles Piere Levy cho biết Tòa Thẩm kế Pháp hợp tác rất chặt chẽ với INTOSAI. Từ năm 2023 tới nay, Tòa Thẩm kế cũng đã đóng góp công sức bằng việc viết 3 hướng dẫn trong đó có các hướng dẫn liên quan đến kiểm toán công tác phòng, chống tham nhũng.
Liên quan tới tính độc lập của Tòa Thẩm kế, Hiến pháp của Pháp nêu rõ tính độc lập của Tòa Thẩm kế Pháp và các thành viên của Tòa có chức năng như thẩm phán, độc lập đối với Quốc hội và Chính phủ Pháp. Vì vậy, Tòa Thẩm kế hoàn toàn độc lập trong việc thiết lập các chương trình kiểm toán…/.
VIẾT CHUNG