Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030 của Kiểm toán nhà nước

20/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sáng 20/12, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng đã chủ trì cuộc họp Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030” do TS. Nguyễn Hữu Hiểu (Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán) và TS. Phạm Ngọc Anh (Văn phòng KTNN) đồng chủ nhiệm.

Quang cảnh cuộc họp

Tham dự cuộc họp có các thành viên Hội đồng thẩm định và Ban đề tài.

Theo TS. Nguyễn Hữu Hiểu, sự phát triển về chuyên môn của KTNN luôn song hành với quá trình xây dựng, phát triển của đội ngũ kiểm toán viên. Nâng cao năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp của các kiểm toán viên là giải pháp có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển của KTNN.
 
Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu chủ trì cuộc họp

Phát triển nguồn nhân lực là một trong bảy nội dung chiến lược phát triển KTNN. Theo đó, đội ngũ công chức, kiểm toán viên cần được phát triển đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý về chuyên môn và ngạch bậc; có bản lĩnh chính trị vững vàng, đạo đức nghề nghiệp trong sáng, chuyên nghiệp, tinh thông nghiệp vụ chuyên môn, tương xứng với chuẩn mực quốc tế và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới.

Hoạt động đào tạo bồi dưỡng luôn gắn kết chặt chẽ với quá trình xây dựng và phát triển của KTNN, góp phần quan trọng phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu của từng thời kỳ. Thời gian qua, công tác đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp trở thành nhiệm vụ và được thực hiện thường xuyên; không ngừng đổi mới cả về nội dung và hình thức, đào tạo theo hướng gắn với thực tiễn và sẵn sàng thích nghi với môi trường công nghệ kiểm toán hiện đại theo thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Đội ngũ giảng viên được phát triển về số lượng và liên tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Chương trình, tài liệu bồi dưỡng được xây dựng có tính hệ thống, khoa học, hiện đại và thường xuyên được rà soát, hoàn thiện. Công tác xây dựng kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, tổ chức quản lý lớp học, cơ sở vật chất phục vụ đào tạo… được quan tâm và không ngừng nâng cao chất lượng.
 
TS. Nguyễn Hữu Hiểu cho biết, sự phát triển về chuyên môn của KTNN luôn song hành với quá trình xây dựng, phát triển của đội ngũ kiểm toán viên

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác đào tạo bồi dưỡng của KTNN còn một số hạn chế, chương trình, tài liệu bồi dưỡng chưa có tính tiên phong trong phát triển chuyên môn nghiệp vụ, chậm cập nhật những phương pháp, kỹ năng kiểm toán mới và chưa thực sự gắn kết với các mục tiêu chiến lược. Việc ứng dụng công nghệ trong tổ chức đào tạo bồi dưỡng còn chậm, hiệu quả chưa cao. Các điều kiện mang tính chất môi trường cho hoạt động đào tạo bồi dưỡng như giảng viên, cơ sở vật chất còn một số bất cập.

Trong khi đó, sự phát triển của đất nước và của KTNN đặt ra yêu cầu, thách thức ngày càng cao đối với công chức, viên chức, kiểm toán viên. Đội ngũ kiểm toán viên cần được trang bị kiến thức chuyên môn, có khả năng phân tích, tổng hợp và đánh giá chính sách kinh tế vĩ mô, tương xứng với yêu cầu của nghề nghiệp kiểm toán, chuẩn mực quốc tế; có kỹ năng vận dụng hiệu quả công nghệ kiểm toán.

Do vậy, việc nghiên cứu đề tài khoa học cấp Bộ “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược đến năm 2030” là cần thiết, có ý nghĩa cả về mặt lý luận và thực tiễn đối với hoạt động của KTNN. Đề tài được kết cấu gồm 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 và kinh nghiệm quốc tế ; Chương 2 - Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN thời gian qua gắn với thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030; Chương 3 - Giải pháp đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030.
 
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc góp ý với Ban đề tài

Đánh giá cao kết quả nghiên cứu của Ban đề tài, Hội đồng nghiệm thu cho rằng, đề tài có ý nghĩa cả về lý luân và thực tiễn, là nội dung rất cần nghiên cứu để hoạt động của kiểm toán đảm bảo hiệu quả, hiệu lực, công khai, minh bạch, trách nhiệm và giải trình. Đề tài đã khái quát hóa cơ sở lý luận về công tác đào tạo và bồi dưỡng, đồng thời chỉ ra các yếu tố cơ bản tác động đến sự đổi mới trong công tác này; phân tích chi tiết thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng tại KTNN, làm rõ những kết quả đạt được, hạn chế, nguyên nhân cơ bản của các vấn đề tồn tại trong quá trình triển khai công tác đào tạo, bồi dưỡng.

Dựa trên phân tích thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN và các định hướng đổi mới nhằm thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, nhóm tác giả đã đề xuất các giải pháp: Hoàn thiện cơ chế chính sách đào tạo, đổi mới công tác xây dựng kế hoạch, cải tiến chương trình, phát triển hệ thống quản lý đào tạo, và mở rộng hình thức đào tạo qua hệ thống E-learning…

Ngoài ra, đề tài cũng đề xuất xây dựng kho tri thức số và tổ chức học tập để khuyến khích sự chủ động tham gia của từng cá nhân trong các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng. Đồng thời, tổ chức các kỳ khảo thí định kỳ nhằm đánh giá và nâng cao chất lượng đào tạo. Các giải pháp được đề tài đưa ra không chỉ giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực mà còn tạo nền tảng vững chắc cho một môi trường học tập linh hoạt và hiệu quả, thúc đẩy công tác khảo thí định kỳ để liên tục cải tiến chất lượng đào tạo.

Hội đồng nghiệm thu góp ý một số nội dung đề hoàn thiện đề tài: Cập nhật nội dung theo Quyết định số 1964/QĐ-KTNN ngày 05/12/2024 của Tổng KTNN về việc sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Quy chế đào tạo, bồi dưỡng của KTNN; bổ sung các tiêu chí xác định phân luồng hình thức đào tạo, từ đó lựa chọn phương thức đào tạo phù hợp với đặc điểm và nhu cầu của từng đối tượng học viên; xét bổ sung các giải pháp về coaching và mentoring, nhằm tạo ra môi trường học tập kết nối và chia sẻ kinh nghiệm giữa các cá nhân trong KTNN.

ThS. Tô Quốc Hưng - Giám đốc Quốc gia ACCA Việt Nam nhấn mạnh, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã trở thành công cụ không thể thiếu trong việc quản lý tài chính, tài sản công, và dự báo kinh tế. Vì vậy, KTNN cần nhìn trước xu hướng để có những chương trình đào tạo nhằm quản trị các rủi ro của AI trong tương lai, đặc biệt là về thuật toán, lạm dụng dữ liệu cá nhân, thao túng thông tin gây ra những hệ quả tiêu cực đối với quyết định tài chính.

Để bắt nhịp với xu hướng toàn cầu, KTNN nên đưa các nội dung liên quan đến kiểm toán mô hình AI hoặc kiểm toán tuân thủ trong việc quản trị thông tin và dữ liệu của các hệ thống AI trong kế hoạch đào tạo. Bước đầu có thể đào tạo về các chuẩn mực đạo đức và tuân thủ về các quy định như quyền riêng tư hoặc bảo mật dữ liệu của các hệ thống AI được áp dụng; đưa các nội dung về đào tạo liên quan đến các nguyên tắc, quy chuẩn và chuẩn mực được phép ứng dụng AI để có thể áp dụng ngay khi cần thiết. Bên cạnh đó, cần phải xây dựng lộ trình chuyên sâu của việc chuẩn bị nguồn nhân lực kiểm toán các hệ thống AI.
 
Nhãn

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Bùi Quốc Dũng - Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá cao tính thực tiễn và chất lượng của đề tài, phù hợp với hoạt động đào tạo của KTNN và Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán.

Phó Tổng Kiểm toán nhà nước đề nghị Ban đề tài tiếp thu ý kiến của Hội đồng nghiệm thu, trong đó lưu ý: áp dụng AI trong quản lý và xây dựng chương trình đào tạo; xây dựng quy trình số hóa tài liệu và quản lý chất lượng đào tạo; cần bổ sung chương trình đào tạo cho các giảng viên (kỹ năng sư phạm, cách trình bày, chuẩn bị tài liệu giảng dạy, kỹ năng về công nghệ thông tin)…

Hội đồng nghiệm thu thống nhất đề tài xếp loại Xuất sắc.

Tin và ảnh: Nguyễn Ly

Xem thêm »