Vận dụng phương pháp điều tra trong hoạt động kiểm toán để xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng

27/12/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Chiều 27/12, Hội đồng khoa học Kiểm toán nhà nước (KTNN) tổ chức nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “Vận dụng phương pháp kiểm toán điều tra trong hoạt động kiểm toán” do ông Nguyễn Văn Hiệu - Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực IX và ThS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II đồng chủ nhiệm.

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước làm Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu; cùng tham dự có các thành viên Hội đồng và Ban chủ nhiệm đề tài.
 
KTNN cùng với hệ thống cơ quan thanh tra được kỳ vọng là những chủ thể quan trọng trong việc phát hiện và xử lý tham nhũng. Luật Phòng chống tham nhũng năm 2018 quy định, KTNN có trách nhiệm chủ động phát hiện hành vi tham nhũng thông qua hoạt động kiểm toán; đồng thời, pháp luật cũng quy định khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm, cơ quan thanh tra, kiểm toán chuyển ngay vụ việc đến cơ quan điều tra có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
 
Những quy định này cũng đã được đồng bộ trong Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN. Theo đó, KTNN thực hiện kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo đề nghị của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và xem xét, quyết định việc kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo đề nghị của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND....
 
Quang cảnh cuộc họp

Thời gian qua, KTNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan có chức năng đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, nhất là các cơ quan tố tụng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể: Chuyển 32 vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật; 02 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý theo quy định pháp luật; cung cấp 837 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, KTNN vẫn gặp nhiều khó khăn, hạn chế trong cuộc kiểm toán báo cáo tài chính do chưa có điều kiện đi sâu làm rõ các gian lận, sai sót, phương pháp kiểm toán và thời gian kiểm toán còn hạn chế. Mặc dù Luật Phòng chống tham nhũng quy định KTNN có trách nhiệm xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện trong quá trình kiểm toán, song điều kiện khuôn khổ pháp lý cho hoạt động KTNN hiện nay chưa đủ các công cụ để KTNN xác minh, làm rõ vụ việc tham nhũng. Đây là một yêu cầu và thách thức lớn đối với cơ quan KTNN.
 
Để khắc phục tình trạng này, cần nghiên cứu bổ sung Luật Phòng chống tham nhũng và Luật KTNN quy định về thẩm quyền của KTNN trong việc thu thập bằng chứng; điều tra, xác minh; triệu tập, phỏng vấn… tạo công cụ pháp lý giúp KTNN xác minh làm rõ và kiến nghị xử lý những vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được phát hiện thông qua hoạt động kiểm toán. Đồng thời, KTNN cần có quy định, hướng dẫn về phương pháp điều tra để xác minh, làm rõ vụ việc có dấu hiệu tội phạm, tham nhũng theo quy định của pháp luật.
 
Đề tài “Vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán” được kết cấu thành 3 chương: Chương 1 - Cơ sở lý luận về vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán của KTNN; Chương 2 - Thực trạng vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán của KTNN Việt Nam và bài học kinh nghiệm quốc tế; Chương 3 - Giải pháp xây dựng và áp dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán của KTNN.
 
Ban chủ nhiệm đề tài trình bày kết quả nghiên cứu.

Hội đồng nghiệm thu đánh giá, đề tài đã hệ thống hoá những vấn đề lý luận chung về KTĐT và phương pháp kiểm toán điều tra; quy trình vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán của KTNN; phân tích thực trạng vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán của KTNN, rút ra những mặt đã làm được và tồn tại, hạn chế, nguyên nhân; kinh nghiệm KTĐT của một số cơ quan kiểm toán để rút ra bài học kinh nghiệm cho KTNN Việt Nam.
 
Trên cơ sở phân tích thực trạng, đề tài đã đưa ra định hướng, giải pháp tổ chức và vận dụng phương pháp điều tra. Các nhóm giải pháp tập trung vào việc hoàn thiện cơ sở pháp lý; xây dựng và áp dụng phương pháp kiểm toán điều tra; tổ chức bộ máy; đồng thời đưa ra những điều kiện để thực hiện giải pháp.
 
Để đề tài hoàn thiện, Hội đồng nghiệm thu đề nghị Ban chủ nhiệm đề tài bổ sung áp dụng phương pháp KTĐT để đi sâu làm rõ hành vi gian lận trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của đơn vị được kiểm toán; làm rõ hơn thực trạng vận dụng phương pháp điều tra trong hoạt động kiểm toán của KTNN thời gian qua, nhất là đối với các cuộc kiểm toán dấu hiệu tham nhũng, tội phạm mà KTNN đã chuyển hồ sơ cho các cơ quan điều tra hoặc những cuộc kiểm toán có sai phạm lớn song không đủ bằng chứng để chuyển sang cơ quan điều tra do chưa vận dụng phương pháp điều tra để thu thập, xác minh, làm rõ vụ việc... Trên cơ sở đó, làm rõ kết quả đạt được, chưa đạt được và nguyên nhân để làm cơ sở cho việc đưa ra các nhóm giải pháp tại chương 3; đồng thời làm rõ hơn việc vận dụng phương pháp KTĐT tại các cuộc kiểm toán đang được đề tài tổng hợp.
 
Hội đồng nghiệm thu góp ý với Ban đề tài.

TS. Bùi Quốc Dũng - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước, Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đánh giá đây là đề tài khó, nhiều vấn đề phức tạp liên quan, nhưng Ban đề tài đã nỗ lực, nghiêm túc nghiên cứu và hoàn thiện đề tài. Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu đề nghị nhóm tác giả tiếp thu ý kiến của Hội đồng, tập trung làm rõ các khái niệm, nội hàm liên quan đến KTĐT, từ đó đưa ra định hướng, giải pháp tổ chức và vận dụng phương pháp KTĐT trong hoạt động kiểm toán.
 
Hội đồng nghiệm thu đánh giá đề tài xếp loại Khá.
 
Tin và ảnh: Nguyễn Ly

Xem thêm »