Vị trí, chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn

Xem cỡ chữ

Vị trí và chức năng

          Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán là đơn vị trực thuộc Kiểm toán Nhà nước có chức năng tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước về công tác xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản về chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước; công tác xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ; tổ chức kiểm soát chất lượng kiểm toán.

Nhiệm vụ và quyền hạn

          1. Trong công tác xây dựng, ban hành, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện các văn bản về chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước:

          a) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt kế hoạch, chương trình xây dựng chuẩn mực, quy trình và phương pháp về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nhà nước;

          b) Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai xây dựng chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán, hồ sơ kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước; hướng dẫn các đơn vị áp dụng chuẩn mực, quy trình, và phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước, hồ sơ kiểm toán;

          c) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ và hồ sơ kiểm toán đối với từng lĩnh vực kiểm toán;

          d) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động phát triển các loại hình kiểm toán; phát triển các loại hình và phương pháp kiểm toán phù hợp với thông lệ quốc tế;

          đ) Lập báo cáo định kỳ, đột xuất về việc triển khai áp dụng chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước, hồ sơ kiểm toán trong từng lĩnh vực kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước.

          2. Trong công tác xây dựng văn bản hướng dẫn, chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ:

          a) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các quy định về chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ và các văn bản hướng dẫn thực hiện áp dụng đối với kiểm toán nội bộ phù hợp với từng loại hình tổ chức theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước;

          b) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước triển khai qui định của luật Kiểm toán Nhà nước về thực hiện kiểm toán nội bộ ở các cơ quan, tổ chức;

          c) Kiểm tra, đánh giá việc áp dụng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ;

          d) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước đề nghị thủ trưởng các cơ quan, tổ chức được quy định tại Luật Kiểm toán nhà nước báo cáo việc áp dụng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ ở cơ quan, tổ chức mình;

          đ) Lập báo cáo định kỳ, đột xuất về việc áp dụng chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ áp dụng cho từng loại hình tổ chức và đề xuất Tổng Kiểm toán Nhà nước bổ sung, hoàn thiện chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán nội bộ.

          3. Trong công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán:

          a) Tham gia thẩm định dự thảo kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán; theo dõi việc thực hiện kế hoạch chi tiết phù hợp với kế hoạch kiểm toán được phê duyệt;

          b) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành các quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán; hướng dẫn, kiểm tra các Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành và khu vực thực hiện sau khi Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành;

          c) Xây dựng, trình Tổng Kiểm toán Nhà nước phê duyệt kế hoạch kiểm soát chất lượng kiểm toán hàng năm, đột xuất và tổ chức thực hiện. Thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán, lập báo cáo kiểm soát chất lượng kiểm toán các cuộc kiểm toán theo kế hoạch đã được phê duyệt và trình lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước xem xét, quyết định trước khi xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán;Yêu cầu thủ trưởng các đơn vị kiểm toán, trưởng đoàn kiểm toán, tổ trưởng tổ kiểm toán và các thành viên đoàn kiểm toán báo cáo những vấn đề liên quan đến việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và các quy chế, quy định, chế độ công tác của Kiểm toán Nhà nước; Thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán khác theo quy định; Tham dự xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán;

          d) Kiểm tra, đánh giá việc tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán nhà nước của các đơn vị kiểm toán, đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và các thành viên của đoàn kiểm toán; kiểm tra việc quản lý hồ sơ, tài liệu kiểm toán của các đơn vị kiểm toán; Kiến nghị Tổng Kiểm toán Nhà nước xử lý tập thể, cá nhân không tuân thủ chuẩn mực, quy trình, phương pháp chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán và các quy chế, quy định, chế độ công tác của Kiểm toán Nhà nước.

          đ) Xây dựng và trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành quyết định, chỉ thị, chế độ công tác về nâng cao chất lượng kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán;

          e) Tham mưu giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định các biện pháp cụ thể để tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động kiểm toán nhà nước và các biện pháp nhằm đảm bảo tính độc lập trong hoạt động kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước;

          g) Giúp Tổng Kiểm toán Nhà nước thực hiện công tác nhận xét, đánh giá kết quả hoạt động kiểm toán của các đơn vị trong ngành theo chức năng, nhiệm vụ của Vụ.

          h) Thực hiện các nhiệm vụ kiểm soát chất lượng kiểm toán khác được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc ủy quyền.

          4. Quản lý công chức và người lao động theo quy định của Nhà nước và phân cấp của Tổng Kiểm toán Nhà nước; tổ chức thực hiện các nhiệm vụ về công tác thi đua – khen thưởng, kỷ luật, văn thư, lưu trữ, tuyên truyền, nghiên cứu khoa học theo quy định; định kỳ hàng tháng, quý, năm hoặc đột xuất báo cáo Tổng Kiểm toán Nhà nước về kết quả công tác của đơn vị; quản lý các trang thiết bị của đơn vị.

          5. Thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn khác khi được Tổng Kiểm toán Nhà nước giao hoặc ủy quyền.

(Trích theo Quyết định số 146/QĐ-KTNN ngày 18 tháng 2 năm 2014 của Tổng Kiểm toán Nhà nước)