Vai trò của Kiểm toán nhà nước trong tăng cường kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực

20/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trải qua 30 năm xây dựng và phát triển, hoạt động kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) không ngừng được đổi mới, chất lượng kiểm toán từng bước được nâng cao. Thông qua những phát hiện, kiến nghị kiểm toán, KTNN ngày càng đóng góp tích cực, hiệu quả, góp phần siết chặt kỷ luật kỷ cương, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

KTNN có vai trò quan trọng trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Ảnh: TL

Công cụ hữu hiệu trong kiểm tra, giám sát tài chính, tài sản công

Với địa vị pháp lý là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, Kiểm toán Nhà nước(KTNN) đã ghi dấu ấn đậm nét trong việc góp phần siết chặt kỷ luật, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Điều 4 Luật KTNN năm 2015 nêu rõ, đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán. Thực hiện nhiệm vụ được giao, những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Đảng ủy và Tổng Kiểm toán nhà nước, hoạt động kiểm toán đã từng bước được đổi mới về nội dung, phương pháp kiểm toán và có nhiều tiến bộ, ngày càng hiệu lực, hiệu quả; chất lượng không ngừng được nâng cao.

Thực hiện chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, KTNN đã và đang tăng dần số lượng các cuộc kiểm toán báo cáo quyết toán của các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương để cung cấp thông tin cho Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố phê chuẩn quyết toán ngân sách các cấp (năm 2023, KTNN đã kiểm toán Báo cáo quyết toán ngân sách địa phương tại 52/63 tỉnh, thành phố). Bên cạnh đó, KTNN cũng từng bước tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán chuyên đề, tập trung vào các chuyên đề có phạm vi rộng, phục vụ hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. KTNN cũng thực hiện nhiều giải pháp nhằm từng bước tăng cường các cuộc kiểm toán hoạt động, kiểm toán chuyên đề, kiểm toán công nghệ thông tin, kiểm toán môi trường và các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới…

Kế hoạch kiểm toán hàng năm được KTNN xây dựng một cách bài bản, khoa học trên cơ sở bám sát định hướng, chủ trương của Đảng và Nhà nước, hoạt động của Quốc hội và được triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng. Kết quả kiểm toán thời gian qua của KTNN đã chỉ ra nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, điều hành, sử dụng tài chính, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương và đơn vị được kiểm toán. Qua đó, KTNN cung cấp cho Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan chức năng và đơn vị được kiểm toán nhiều kiến nghị có giá trị thực tiễn; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu về thông tin phục vụ hoạt động giám sát, hoàn thiện pháp luật và phê chuẩn quyết toán NSNN của Quốc hội và HĐND các cấp; công tác chỉ đạo điều hành, quản lý sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ, các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương và các đơn vị được kiểm toán; góp phần làm lành mạnh và minh bạch hóa nền tài chính công...

Tổng hợp kết quả kiểm toán từ khi thành lập đến nay, KTNN đã phát hiện và kiến nghị trên 722.290 tỷ đồng trong đó từ năm 2011 đến nay là 634.008 tỷ đồng, trong đó tăng thu, giảm chi NSNN chiếm tỷ trọng trên 40% tổng kiến nghị kiểm toán. Bên cạnh đó, KTNN đã kiến nghị sửa đổi bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp quy định của Nhà nước và thực tiễn, kịp thời khắc phục “lỗ hổng” về cơ chế, chính sách... Đây là những “con số biết nói” khẳng định vai trò quan trọng của KTNN trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực công.

Bên cạnh hoạt động kiểm toán, để tăng cường tính công khai, minh bạch, trách nhiệm giải trình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, KTNN thường xuyên chú trọng việc thực hiện kiến nghị kiểm toán để kịp thời thu hồi tiền tài sản cho Nhà nước theo quy định. Việc công khai kết quả kiểm toán, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của KTNN cũng được quan tâm và thực hiện định kỳ. Thông qua các hình thức công khai đa dạng về kết quả kiểm toán và kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đã tạo được niềm tin ngày càng cao của Quốc hội, Chính phủ và nhân dân đối với hoạt động kiểm toán của KTNN; đồng thời, điều kiện cho nhân dân, cử tri tham gia thực hiện vai trò giám sát đối với hoạt động của chính quyền các cấp.
 
Lần đầu tiên KTNN đã ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò của KTNN
trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TL

Phát huy vai trò phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, quy định của Luật KTNN và Luật Phòng, chống tham nhũng, trong suốt 30 năm hình thành và phát triển, KTNN đã từng bước hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ và khẳng định vai trò không thể thiếu trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hệ thống chính trị.

Hằng năm, KTNN thực hiện bình quân khoảng 250 cuộc kiểm toán, trong đó đã tiến hành đánh giá và xác nhận tính trung thực, hợp lý của khoảng 3.000-5.000 Báo cáo tài chính, Báo cáo quyết toán của các đơn vị, dự án được chi tiết trong cả nước. Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần đảm bảo tính trung thực, hợp lý của thông tin tài chính, kế toán; nâng cao tính công khai, minh bạch trong quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán.

Quan trọng hơn, thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã có hàng nghìn kiến nghị chấn chỉnh công tác quản lý tài chính công, tài sản công của các đơn vị được kiểm toán, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu lực và hiệu quả quản lý về ngân sách, tiền và tài sản nhà nước, góp phần xây dựng một môi trường phòng, ngừa tham nhũng tiêu cực hiệu quả ngay từ cơ sở.

Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã góp phần phát hiện những hiện tượng, dấu hiệu tham ô, lãng phí, không tuân thủ pháp luật trong quản lý kinh tế, tài chính, sử dụng kém hiệu quả các nguồn lực tài chính, tài sản nhà nước… Trên cơ sở đó, KTNN kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực theo quy định của pháp luật. Trường hợp phát hiện hành vi tham nhũng có dấu hiệu tội phạm ở các đơn vị được kiểm toán, KTNN lập và chuyển hồ sơ cho cơ quan chức năng điều tra, xử lý theo quy định pháp luật. Trong 05 năm gần đây (năm 2019 đến 2023), KTNN đã cung cấp 1.609 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và tài liệu có liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra Bộ Công an và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền để phục vụ công tác điều tra, kiểm tra, giám sát; chuyển 19 hồ sơ cho cơ quan cảnh sát để điều tra xử lý theo quy định pháp luật.

Trong kế hoạch kiểm toán năm, KTNN đã không ngại “chạm” đến những lĩnh vực nhạy cảm, dễ xảy ra thất thoát, tham nhũng, lãng phí như: quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, thu - chi ngân sách, quản lý tài sản công và hệ thống ngân hàng thương mại; các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia… Qua đó, phát hiện và đề xuất nhiều kiến nghị có giá trị cho các cơ quan, đơn vị trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Một trong những đóng góp rất lớn của KTNN trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đó là thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN đã phát hiện và kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu các tồn tại, bất cập giữa các văn bản hoặc giữa quy định pháp luật với thực tiễn, góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn định mức trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần ngăn ngừa các hành vi lợi dụng, tham nhũng, trục lợi từ chính sách. Trong đó, hàng năm KTNN kiến nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ khoảng 200 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý khác. Đồng thời, kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm của nhiều tập thể, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

Đặc biệt, thực hiện quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng về trách nhiệm kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng theo quy định của pháp luật, năm 2023, lần đầu tiên, KTNN đã xây dựng và ban hành Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, để triển khai thực hiện trong thực tiễn kiểm toán. Trong đó, xác định rõ quy trình phát hiện, tiếp nhận, xử lý thông tin vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; quy định các bước xác minh làm rõ vụ việc có dấu hiệu tham nhũng; trình tự xử lý vụ việc có dấu hiệu tham nhũng và công khai báo cáo kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng. Đối với trường hợp vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì chuyển ngay hồ sơ vụ việc và kiến nghị Cơ quan điều tra xem xét, khởi tố vụ án hình sự, đồng thời thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp. Đây là cơ sở quan trọng để KTNN tiếp tục phát huy hơn nữa vai trò của mình, tích cực phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan trong công tác phòng, chống tham nhũng, nhằm hoàn thành tốt nhất công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong quản lý tài chính công, tài sản công./.

Nguyễn Hồng
 
 
 

Xem thêm »