Cơ chế chính sách quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng chưa hoàn thiện

20/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Năm 2023, qua kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều vấn đề cần lưu ý liên quan đến công tác quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng tại các địa phương, trong đó có vấn đề cơ chế chính sách chưa hoàn thiện để làm cơ sở thực hiện.

Cần hoàn thiện quy định thu phí dịch vụ môi trường rừng

Theo KTNN khu vực VII, qua kiểm toán cho thấy, mức thu phí dịch vụ môi trường rừng của một số loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn ở mức khá thấp nên mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chưa thỏa đáng. Chẳng hạn như mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện (loại hình chiếm đa số trong sử dụng dịch vụ môi trường rừng) nhưng mức thu hiện tại chỉ là 36 đồng/KWh. Do đó, mức chi trả cho các cộng đồng dân cư, hộ nhận khoán không thỏa đáng, khó để họ duy trì cuộc sống và tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.

Cùng với đó, bất cập chính sách được chỉ ra là khoản 3 Điều 57 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định đối tượng thu tiền dịch vụ môi trường rừng là cơ sở sản xuất công nghiệp có sử dụng nước từ nguồn nước phục vụ sản xuất công nghiệp nhưng không đề cập, hướng dẫn thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với trường hợp các cơ sở vừa sản xuất công nghiệp, vừa sản xuất nông nghiệp hoặc sản xuất, kinh doanh ngành nghề khác... gây khó khăn cho việc xác định, thu tiền của các đối tượng này.

Thêm nữa, chính sách hiện hành cũng chưa quy định đối tượng phải trả dịch vụ môi trường rừng đối với cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 63 của Luật Lâm nghiệp 2017 (chỉ quy định đối tượng phải trả dịch vụ môi trường rừng là doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản hoặc doanh nghiệp liên kết với các hộ gia đình, cá nhân nuôi trồng thủy sản) nên Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh không có căn cứ để thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với đối tượng cơ sở nuôi trồng thủy sản là các hợp tác xã. Đồng thời, chưa có văn bản, quy định hướng dẫn việc quản lý, sử dụng tiền cho thuê dịch vụ môi trường rừng để kinh doanh dịch vụ du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định khoản 6 Điều 23 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

Tại Phụ lục kèm theo Nghị định số 156/2018/NĐ-CP có quy định hệ số điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng (Hệ số K1 điều chỉnh mức chi trả dịch vụ môi trường rừng theo trữ lượng rừng, gồm rừng rất giàu và rừng giàu, rừng trung bình, rừng nghèo. Hệ số K1 có giá trị bằng 1,00 đối với rừng rất giàu và rừng giàu; 0,95 đối với rừng trung bình; 0,90 đối với rừng nghèo. Tiêu chí trữ lượng rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Tuy nhiên, tại Thông tư số 33/2018/TT-BNNPTNT ngày 16/11/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng chưa hướng dẫn tiêu chí xác định trữ lượng đối với rừng trồng (Thông tư này mới chỉ hướng dẫn tiêu chí xác định trữ lượng đối với rừng tự nhiên), do đó, địa phương không có cơ sở xác định giá trị K1 đối với rừng trồng.
 
Sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng còn bất cập

Đại diện KTNN khu vực XII cho biết, tại các địa phương được kiểm toán, một số Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các diện tích có đơn giá lớn hơn 600.000 đồng/ha để bổ sung cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc lưu vực có đơn giá chi trả thấp hơn là chưa phù hợp quy định. Một số Quỹ chưa thực hiện điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng được thanh toán lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo quy định. Các Quỹ Bảo vệ và Phát triển triển rừng cho một số chủ rừng tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng về số lần và tỷ lệ tạm ứng trong năm chưa phù hợp với quy định của UBND tỉnh… Một số chủ rừng có thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa hoặc chậm nộp Báo cáo quyết toán kinh phí chi trả Dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ.

Bên cạnh đó, các đơn vị kiểm toán nhận định, việc ban hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành làm cơ sở để các địa phương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, giúp cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương. Tuy nhiên, qua kiểm toán thấy rằng, tại các địa phương còn hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản; công tác quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; các quy định về cơ chế chính sách, các văn bản quản lý khi áp dụng vào thực tế tại các địa phương còn bộc lộ những bất cập dẫn đến các địa phương khó khăn khi thực hiện.

Cụ thể, điểm b khoản 1 Điều 68 và khoản 1 Điều 69 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP quy định thời gian thông báo số tiền dịch vụ môi trường rừng dự kiến và thời gian xác định số tiền này được điều phối nhưng không quy định thời gian điều phối tiền dịch vụ môi trường rừng từ Quỹ trung ương cho các Quỹ địa phương; chưa quy định mẫu biểu, thời điểm và thời hạn báo cáo tiền dịch vụ môi trường rừng; điểm k khoản 2 Điều 76 chưa quy định thời hạn và thời điểm lập, gửi báo cáo hằng năm về tình hình thu chi tiền dịch vụ môi trường rừng của Quỹ địa phương về Quỹ trung ương.

Do đó, kiến nghị được KTNN đưa ra là các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét xử lý, bổ sung các quy định, ban hành các văn bản quản lý theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn.

Đồng thời, theo kiến nghị mà KTNN khu vực XII đưa ra, để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, ngoài việc các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các đơn vị có liên quan phải chấn chỉnh công tác theo kiến nghị của KTNN thì UBND các tỉnh cần rà soát lại các quy định chưa phù hợp trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Song song với việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng lãng phí, sai quy định tiền dịch vụ môi trường rừng thì cần thiết phải có giải pháp để đôn đốc các tổ chức sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định./.

Hồng Thoan
 

Xem thêm »