Hội thảo hoạt động của Kiểm toán Nhà nước khu vực III với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên

30/03/2009
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

 Ngày 13/9/2005, tại Đà Nẵng đã diễn ra Hội thảo về hoạt động của Kiểm toán Nhà nước khu vực III với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.

 Tham dự Hội thảo có đ/c Hoàng Ngọc Hài, Phó Tổng KTNN; đ/c Trần Văn Minh, Phó Chủ tịch thường trực UBND thành phố Đà Nẵng; đại diện HĐND, UBND, Sở Tài chính, Cục thuế, Kho bạc Nhà nước 11 tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Trung và Tây Nguyên cùng một số cơ quan ban ngành đóng trên địa bàn Đà Nẵng.

Trong phát biểu khai mạc, đ/c Hoàng Ngọc Hài nhấn mạnh: Hội thảo lần này là cơ hội đi sâu phân tích và trao đổi ý kiến trên mọi khía cạnh của hoạt động kiểm toán với mục đích giúp KTNN nói chung và KTNN khu vực III nói riêng hỗ trợ ngày càng hiệu quả hơn đối với HĐND các cấp trong hoạt động giám sát, điều hành và quyết toán NSNN trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao vai trò của KTNN là công cụ quan trọng trong kiểm tra giám sát NSNN, góp phần giúp HĐND, UBND các cấp và cơ quan tài chính địa phương nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong quản lý, điều hành và sử dụng ngân sách. Một số ý kiến cho rằng: Thời gian qua, kết luận của KTNN nhìn chung phù hợp, có xem xét ý kiến giải trình của địa phương nên hầu hết các kiến nghị có tính khả thi và được các địa phương thực hiện nghiêm túc.

Tại Hội thảo, hầu hết các ý kiến (HĐND tỉnh KonTum, Sở Tài chính Đà Nẵng, Bình Thuận, Bình Định, Quảng Nam; Cục Thuế Lâm Đồng, Gia Lai, Khánh Hòa) đều đề cập tới thực tế: Khi KTNN đến kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương trong khi địa phương chưa tổng hợp xong báo cáo quyết toán ngân sách vì chưa đến thời gian theo quy định. Để giải quyết vấn đề này, Sở Tài chính Bình Định và Bình Thuận đưa ra gợi ý: KTNN vẫn có thể kiểm toán được, bằng cách tiến hành kiểm toán quyết toán tại các cơ sở đã lập xong báo cáo quyết toán, sau đó sẽ kiểm toán tại các cơ quan tổng hợp (Tài chính, Kho bạc…) và để thuận tiện, KTNN nên bố trí kiểm toán quyết toán ngân sách địa phương sớm nhất là từ tháng 7 hàng năm.

Trong các kiến nghị được các đại biểu đưa ra tại Hội thảo, theo Sở Tài chính Bình Định, tới đây KTNN nên đưa vào kế hoạch kiểm toán ở nhiều lĩnh vực, nhiều loại hình với nhiều mức độ thu chi… vì hiện nay một số đơn vị có số thu, chi ngân sách không lớn vẫn chưa được kiểm toán lần nào. Qua kiểm toán sẽ giúp đơn vị kịp thời chấn chỉnh sai sót, đồng thời KTNN cũng thấy được những khó khăn, thuận lợi của nhiều loại hình trên các địa bàn, qua đó đánh giá được toàn diện hơn tình hình ngân sách chung của địa phương. Sở Tài chính Bình Định đề nghị: Trong quá trình kiểm toán tại các đơn vị trực thuộc tỉnh, nên có sự tham gia của cơ quan tài chính địa phương để vừa nắm bắt tình hình vừa theo dõi có hệ thống, tạo thuận lợi cho việc hướng dẫn chấp hành các kết luận của KTNN và có biện pháp kịp thời khắc phục các sai phạm nếu có. Sở Tài chính Đà Nẵng chỉ ra rằng: Thất thoát, lãng phí trong đầu tư XDCB đang là mối quan tâm của xã hội, trong lúc kiểm toán trong lĩnh vực này còn hạn chế và chưa có nhiều kinh nghiệm thực tiễn. Phải kiểm toán trước, trong và sau quá trình thực hiện dự án thì mới phát hiện được kịp thời các sai phạm. Đồng quan điểm trên, theo Cục thuế Gia Lai, KTNN có thể trợ giúp HĐND tỉnh trong việc xem xét quyết định các phương án đầu tư XDCB các công trình trọng điểm tại địa phương.

Một số ý kiến cũng bày tỏ mong muốn KTNN nói chung và KTNN khu vực III nói riêng không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ kiểm toán viên (cả về trình độ chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp) để có thể đưa ra được những đánh giá nhận xét khách quan, trung thực, hợp lý về tình hình tài chính ngân sách và có những đề xuất kiến nghị bổ sung xác đáng nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách cho phù hợp, tạo điều kiện cho cơ quan tài chính và chính quyền địa phương thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.

Đáng lưu ý là tại Hội thảo lần này, rất nhiều ý kiến (Lãnh đạo UBND tỉnh Đà Nẵng, Sở Tài chính Quảng Nam, Bình Định.v.v…) cho rằng: Hiện nay chính sách chế độ của Nhà nước chưa đồng bộ, một số quy định không hợp lý do đó đã đặt vấn đề những kiến nghị của KTNN một mặt dựa trên quy định hiện hành của Nhà nước, mặt khác cũng phải xem xét tới tình hình thực tế của đơn vị, địa phương để có sự đánh giá khách quan, để các kiến nghị của KTNN vừa có tác dụng chấn chỉnh sai phạm, vừa có tính khả thi khi thực hiện…

Kết thúc Hội thảo, đ/c Hoàng Ngọc Hài, Phó Tổng KTNN đã phát biểu tổng kết, giải đáp những vấn đề các đại biểu nêu ra tại Hội thảo và phổ biến tới các đại biểu một số nội dung chính của Luật KTNN sẽ được thực hiện từ 01/01/2006./.

Xem thêm »