Với một địa vị pháp lý mới, KTNN đã hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2016 được Quốc hội giao

20/01/2017
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán về hoạt động của KTNN năm 2016

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

 
Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, trước hết xin đồng chí cho biết ý kiến đánh giá về hoạt động và những đóng góp nổi bật của KTNN trong năm 2016? 
 
Năm 2016 là năm đầu tiên của Kế hoạch 5 năm (2016-2020), đất nước ta đã đạt được những thành tựu tích cực. Tăng trưởng kinh tế mặc dù không đạt được mục tiêu như đã đề ra nhưng cũng là mức tăng trưởng cao. Đồng thời cũng là năm chúng ta giữ được ổn định kinh tế vĩ mô theo Nghị quyết của Quốc hội và đạt được nhiều kết quả tích cực trong vấn đề lao động, việc làm, an sinh xã hội…
 
Đối với KTNN, trong năm 2016, Quốc hội đánh giá cao những cố gắng của ngành. Năm 2016 là năm ghi lại dấu ấn rất quan trọng của KTNN. Đó là năm đầu tiên thực hiện Luật KTNN 2015, trong đó thể hiện tính pháp lý rất cao về địa vị pháp lý của KTNN theo tinh thần Hiến pháp năm 2013. Trong năm đầu tiên triển khai Luật, KTNN đã thực hiện rất tốt, điều này thể hiện ở chỗ:
 
Trước hết, lần đầu tiên Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã báo cáo trước Quốc hội về kết quả kiểm toán đối với quyết toán NSNN và được Quốc hội đánh giá rất cao. Có thể nói, với một tâm thế mới và một địa vị pháp lý mới, KTNN đã hoàn thành rất tốt nhiệm vụ của năm 2016 được Quốc hội giao phó.
 
Trong kiểm toán và đánh giá lại toàn bộ Quyết toán NSNN năm 2014, KTNN không chỉ dừng lại ở câu chuyện đúng sai theo kết quả kiểm toán tài chính hay kiểm toán tuân thủ mà đã bắt đầu kiểm toán hoạt động. KTNN đã có những đánh giá về chính sách tài khóa cũng như những chính sách liên quan đến tài chính, tiền tệ, từ đó đề xuất với Quốc hội những vấn đề cần sửa đổi về chính sách tài chính trong những năm tới. Đây là đổi mới rõ nét nhất của KTNN.
 
Thứ hai là, KTNN đã tích cực tham gia vào việc thẩm định, xây dựng, lập dự toán NSNN năm 2017 cũng như phân bổ ngân sách trung ương. Những ý kiến đề xuất của KTNN đã được Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Quốc hội tiếp cận để đưa ra những quyết định đúng đắn. Tất cả các hoạt động liên quan đến vấn đề tài chính, ngân sách, trong các hoạt động từ chất vấn, thảo luận đến quyết định các vấn đề, Quốc hội đều tham khảo và dựa vào thông tin, số liệu của KTNN.
 
Đặc biệt năm 2016, Quốc hội có những nội dung rất quan trọng đó là quyết định Kế hoạch tài chính 5 năm, Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Hai kế hoạch này là dấu ấn quan trọng trong quá trình quyết định vấn đề tài chính, ngân sách của đất nước; đảm bảo việc huy động, sử dụng nguồn lực, xác định định hướng chi tiêu cũng như đảm bảo an ninh tài chính quốc gia một cách chắc chắn hơn, khắc phục được những tồn tại, yếu kém trước đây. Trong quyết định vấn đề này, Quốc hội cũng căn cứ vào kết quả kiểm toán và những đánh giá, ý kiến tham gia của KTNN. 
 
Năm 2017 có ý nghĩa hết sức quan trọng với đất nước ta nhằm tiếp tục đưa các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống; đặc biệt là việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về: Phát triển kinh tế - xã hội; kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm, kế hoạch tài chính 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế… Trong bối cảnh đó, Đảng, Nhà nước và đặc biệt là Quốc hội đặt ra yêu cầu và kỳ vọng những gì đối với hoạt động kiểm toán nhà nước, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội? 
 
Theo quy định của Luật KTNN 2015 cũng như mục tiêu đặt ra thì hầu như các nghị quyết của Quốc hội liên quan đến kinh tế, tài chính, ngân sách đều giao nhiệm vụ cho KTNN thực hiện công tác kiểm toán. Một yêu cầu lớn mà Quốc hội đặt ra cho KTNN, trước hết là phải căn cứ vào những đòi hỏi cấp bách hiện nay. Đó là việc chúng ta phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế và tập trung đầu tư cũng như chi tiêu tài chính, sử dụng các nguồn lực có hiệu quả, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, đồng thời đánh giá lại quá trình chi tiêu, đầu tư… Quốc hội đã giao cho KTNN giúp cho Quốc hội đánh giá cho được vấn đề đó và đề xuất những vấn đề để tiếp tục thực hiện tốt hơn các nghị quyết của Quốc hội. Chẳng hạn, Quốc hội sẽ tiến hành quyết định việc phân bổ và sử dụng đầu tư công trung hạn trong 5 năm tới cho các dự án, công trình, trong đó nguyên tắc là phải đảm bảo nguồn lực và có hiệu quả. Không ai khác chính KTNN phải là cơ quan giúp Quốc hội kiểm soát vấn đề này. Hoạt động giám sát của Quốc hội mang tính chất chính trị, tổng thể nhưng để giúp Quốc hội nhìn thấu đáo được tất cả các vấn đề đó thì chính là nhiệm vụ của KTNN.
 
Thứ hai, trong năm 2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiến hành giám sát chuyên đề liên quan đến thực hiện các dự án BOT. Vừa qua KTNN đã và đang làm một số cuộc kiểm toán lĩnh vực này và đã chỉ ra rất nhiều vấn đề tồn tại. Ví dụ, việc áp dụng phương thức BOT là đúng chủ trương nhưng nó cũng đã bộc lộ nhiều tồn tại và có dấu hiệu tiêu cực, tác động không nhỏ đến nền kinh tế cũng như lợi ích của người dân… Cuộc giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới đây cũng sẽ lấy kết quả kiểm toán làm một trong những căn cứ quan trọng.
 
Năm tới KTNN cũng tiến hành kiểm toán đối với Quyết toán NSNN năm 2015, năm cuối cùng của giai đoạn 2010-2015. Vì vậy, KTNN thực hiện kiểm toán để phục vụ cho công tác quyết toán NSNN nhưng đồng thời cũng là dịp để nhìn lại hoạt động, chính sách tài khóa trong cả giai đoạn 5 năm vừa qua. Đây cũng là nhiệm vụ mà Quốc hội giao và KTNN phải làm tốt.
 
Một vấn đề quan trọng khác đó là, việc sử dụng vốn nhà nước và đầu tư vào các dự án vừa qua còn bộc lộ nhiều yếu kém. Rất nhiều dự án, công trình không hiệu quả. Nhiệm vụ của KTNN là phải tập trung kiểm toán và chỉ ra những yếu kém, tồn tại để khắc phục cho được thực trạng đầu tư kém hiệu quả. Vì nó không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động trong khuôn khổ dự án mà còn gây áp lực nhất định đến nền kinh tế và cả hệ thống ngân sách. 
 
Là người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hoạt động của KTNN, đồng chí có định hướng gì cho hoạt động của KTNN trong năm 2017 và những năm tiếp theo?
 
Bước sang năm 2017, tôi cho rằng KTNN cần phải có nhiều đổi mới hơn nữa. Đó là tiếp tục hoàn thiện, củng cố quy trình kiểm toán, từ phương thức kiểm toán, sử dụng công nghệ thông tin, rút ngắn thời gian kiểm toán, nâng cao chất lượng kiểm toán… Đây chính là giải pháp để nâng cao vị thế của KTNN, góp phần giải quyết vấn đề hậu kiểm toán, nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cần tự mình đánh giá cho được chất lượng của các cuộc kiểm toán trước khi công bố, đồng thời phải mạnh dạn công khai, minh bạch số liệu kiểm toán và khi phát hiện ra những trường hợp có dấu hiệu vi phạm thì chuyển ngay sang cơ quan điều tra.
 
Thứ hai, hoan nghênh KTNN vừa qua đã rất cụ thể trong thực hiện tinh giản biên chế, rút gọn đầu mối (giảm được 6 đầu mối cấp vụ), giảm số biên chế so với Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. KTNN cần củng cố lại tổ chức bộ máy trên cơ sở đó.
 
Thứ ba, KTNN cần tiếp tục chú trọng công tác bồi dưỡng cán bộ không những giỏi về chuyên môn mà còn phải nâng cao đạo đức nghề nghiệp, văn hóa kiểm toán, tránh để những tiêu cực len lỏi vào đội ngũ. Muốn vậy thì sự lãnh đạo, chỉ đạo từ KTNN Trung ương đến các khu vực phải tạo thành khối thống nhất, khoa học và có hiệu quả. Đồng thời, KTNN cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền để xã hội hiểu hơn về KTNN.
 
Tôi tin tưởng rằng, với một quyết tâm cao và đặc biệt là những hoạt động hết sức tích cực cùng với sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan của Quốc hội, đặc biệt là sự chỉ đạo của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, KTNN sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ năm 2017. 
 
Xin trân trọng cảm ơn đồng chí./.
 
Theo Báo Kiểm toán số Xuân Đinh dậu
 

Xem thêm »