Cần tạo cơ chế đặc thù có tính đột phá hơn cho Thủ đô Hà Nội

22/12/2016
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Chiều 20/12, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc ban hành Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

Trình bày Tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội, Bộ trưởng Bộ tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, căn cứ Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 06/01/2012 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011 – 2020; trên cơ sở Luật Thủ đô và khoản 2 Điều 74 Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 ; để đáp ứng các yêu cầu mới đặt ra trong quá trình tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, cải cách hành chính cần thiết phải ban hành Nghị định mới thay thế Nghị định số 123/2004/NĐ - CP và Nghị định số 112/2015/NĐ - CP một cách căn bản, toàn diện và phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 và Luật Thủ đô.

Theo đó, Dự thảo Nghị định bao gồm 4 Chương, với 12 Điều, quy định chi tiết thi hành Luật Ngân sách nhà nước và Luật Thủ đô về một số cơ chế, chính sách tài chính ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội. Đối tượng áp dụng là các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị và các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng ngân sách Thành phố Hà Nội.

Dự toán chi ngân sách của Thành phố Hà Nội được xác định trên cơ sở định mức phân bổ chi ngân sách cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác được áp dụng cho thời kỳ ổn định ngân sách địa phương.

Về bội chi ngân sách, đây là nội dung mới của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, quy định cho phép các địa phương được phép bội chi ngân sách thay vì được phép huy động như Luật Ngân sách nhà nước năm 2002, được tổng hợp vào bội chi ngân sách nhà nước do Quốc hội quyết định hàng năm. Dự thảo Nghị định quy định phù hợp với nội dung quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Đối với mức dư nợ, để việc vay nợ phù hợp với khả năng trả nợ của từng địa phương, Luật Ngân sách nhà nước năm 2015 quy định mức dư nợ vay của Thành phố Hà Nội không vượt quá 60% số thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp thay vì mức dư nợ tính trên dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách thành phố như Luật Ngân sách nhà nước năm 2002. Quy định này đã gắn mức huy động với nguồn thu ngân sách, khả năng trả nợ nhằm giúp thành phố có thể huy động thêm nguồn lực đầu tư vào những dự án, công trình kết cấu hạ tầng kinh tế, kỹ thuật quan trọng. Đồng thời, các khoản vay được tính trong bội chi ngân sách của thành phố và do Quốc hội quyết định hàng năm, nên vẫn kiểm soát được khả năng trả nợ của ngân sách thành phố.

Đối với một số công trình, dự án quan trọng có quy mô đầu tư lớn thuộc lĩnh vực môi trường, giao thông, thủy lợi do Thành phố Hà Nội quản lý vượt quá khả năng cân đối của ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân thành phố báo cáo Chính phủ trình Quốc hội quyết định hỗ trợ từ ngân sách trung ương cho ngân sách thành phố để triển khai thực hiện theo từng dự án. 

Đối với chương trình, dự án thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách thành phố, Chính phủ vay nước ngoài về cho thành phố vay lại hoặc cấp phát một phần theo quy định của pháp luật. Đồng thời, bổ sung thêm quy định cho thành phố áp dụng hình thức đầu tư các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Thẩm tra về vấn đề này, Ủy ban tài chính- Ngân sách cho rằng, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, đối chiếu với các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách đặc thù cho Thủ đô Hà Nội tại Điều 21 của Luật Thủ đô và Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 thì các nội dung quy định về cơ chế tài chính – ngân sách cho Thủ đô Hà Nội tại dự thảo Nghị định là thống nhất, phù hợp với quy định của 2 Luật nói trên. Do đó, đa số ý kiến nhất trí với nội dung Chính phủ trình. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng các quy định về cơ chế tài chính – ngân sách như quy định của các Luật không thể hiện rõ cơ chế đặc thù, đề nghị Chính phủ, theo thẩm quyền, xác định rõ về phạm vi, nội dung cơ chế có tính đột phá mạnh mẽ hơn, nhất là các vấn đề về phân cấp, phân quyền quyết định cho Thủ đô Hà Nội.

Về định mức chi ngân sách, đa số ý kiến trong  Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng, theo các quy định hiện hành, Thành phố Hà Nội được áp dụng định mức phân bổ chi đầu tư và chi thường xuyên cao hơn các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khác nên quy định này trong dự thảo Nghị định là kế thừa các quy định trước đây đã áp dụng đối với Thành phố Hà Nội, do đó nhất trí với dự thảo Nghị định.

Đối với bội chi ngân sách thành phố, Ủy ban Tài chính ngân sách cho rằng, để phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, dự thảo Nghị định quy định cho phép Thủ đô Hà Nội được bội chi và được tổng hợp vào bội chi Ngân sách nhà nước hàng năm do Quốc hội quyết định là hợp lý.

Thảo luận tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với Tờ trình Nghị định của Chính phủ quy định về một số cơ chế tài chính, ngân sách đặc thù cho Thành phố Hà Nội.

Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ và thấu hiểu với những khó khăn của Ngân sách Trung ương trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên vẫn phải tạo điều kiện ưu tiên cho sự phát triển của thủ đô. Đối với cơ chế đặc thù của Thủ đô Hà Nội cần ban hành Nghị định mới, nhưng phải đúng Luật, đúng thẩm quyền và phải tạo ra được sự đột phá mạnh mẽ cho thủ đô phát triển. Nếu so sánh thì Nghị định mới này không có bước đột phá so với 2 Nghị định cũ, mà còn thu hẹp khả năng phát triển của Hà Nội.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, cùng với cơ chế tài chính thì Chính phủ nên nghiên cứu cơ chế phân cấp, phân quyền cho hợp lý và đúng với quy định của Luật, tạo sự năng động nhạy bén và chủ động cho thủ đô hà Nội trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần nghiên cứu không làm cho Hà Nội thiệt hơn so với hiện hành, nếu làm cho nguồn lực phát triển bị thu hẹp thì không cần thiết phải ban hành Nghị định mới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với việc ban hành Nghị định mới nhưng phải bám sát điều 21 của Luật Thủ đô và điều 74 Luật Ngân sách nhà nước, theo đúng tinh thần tạo sự phát triển nổi trội hơn, đột phá hơn và tạo điều kiện hơn cho Hà Nội.

Hà Linh

Xem thêm »