(kiemtoannn.gov.vn) - Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%. Tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng kinh tế tiếp tục duy trì đà phục hồi với đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến chế tạo; Tăng trưởng phục hồi khuyến khích tiêu dùng và đầu tư tư nhân; Ổn định vĩ mô được duy trì; lạm phát ổn định ở mức thấp. Hệ thống tài chính ổn định; Điều này giúp củng cố niềm tin tiêu dùng, kinh doanh và đầu tư; Tuy nhiên nền kinh tế vẫn còn tồn tại một số khó khăn như tình trạng nhập siêu, sản xuất nông nghiệp gặp khó khăn và thu NSNN tăng chậm.
Tăng trưởng tiếp tục duy trì đà phục hồi
Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (UBGSTCQG) trong Báo cáo Tình hình kinh tế tháng 6 và 6 tháng đầu năm 2015 cho biết: Tăng trưởng GDP 6 tháng đầu năm 2015 ước đạt 6,1% (so với cùng kỳ năm trước). Trong đó quý 1 tăng 6,03% và quý 2 tăng 6,15%. Nếu loại trừ tính mùa vụ, tăng trưởng GDP quý 2/2015 xấp xỉ quý 1/2015 (6,52% so với 6,61%). Với đà phục hồi trên, UBGSTCQG dự báo tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2015 ở mức 6,3% và cả năm 2015 có khả năng ở mức 6,5%.
Theo UBGSTCQG, tăng trưởng phục hồi có sự đóng góp quan trọng của khu vực sản xuất, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Tính chung 6 tháng đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp IIP tăng 9,1% (so với cùng kỳ 2014), cao hơn nhiều so của cùng kỳ năm 2014 (5,8%). Trong đó IIP ngành công nghiệp chế biến chế tạo 5 tháng/2015 tăng 9,9% (cùng kỳ 2013 tăng 5,5%, năm 2014 tăng 7,5%). Ngoài ra, mức tăng 10,9% của chỉ số IIP ngành sản xuất và phân phối điện (cùng kỳ là 10,6%) cũng cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ của sản xuất. Chỉ số PMI13 tháng 5/2015 đạt 54,8 điểm – là mức cao nhất kể từ khi chỉ số này được công bố tháng 4/2011. Tình hình sản xuất kinh doanh cải thiện giúp duy trì thu nội địa cho NSNN. Lũy kế đến ngày 15/6/2015 thu nội địa tăng 16,4% so với cùng kỳ 2014, tăng xấp xỉ mức tăng 18,2% của cùng kỳ 2014.
Năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3%
So với cùng kỳ năm trước, lạm phát CPI tháng 6/2015 là 1% và lạm phát cơ bản là 2,37%. Nhìn chung, cả lạm phát và lạm phát cơ bản hầu như giữ nguyên trong 4 tháng gần đây. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia dự báo năm 2015 lạm phát cơ bản khoảng 3% và lạm phát (tổng thể) thấp hơn 3%.
Hệ thống tài chính duy trì ổn định.Thanh khoản đảm bảo dù huy động giảm nhẹ, cơ cấu tài sản lành mạnh hơn. Tình hình thanh khoản ổn định; tiền gửi khách hàng tăng 1,62%, thấp hơn tốc độ tăng trưởng tiền gửi cùng kỳ 2014 (4%). Tỷ lệ LDR (tỷ lệ dư nợ trên vốn huy động) tăng nhẹ từ 83,3% lên 84,9%. Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng giảm mạnh tài sản liên ngân hàng so với cùng cùng kỳ (giảm 21,8%); làm tăng tính lành mạnh trong cơ cấu tài sản và là dấu hiệu tăng tính ổn định của hệ thống ngân hàng; Tín dụng cải thiện ngay từ đầu năm là tín hiệu khả quan cho thấy tăng trưởng tín dụng không còn bị dồn áp lực trong những tháng cuối năm như những năm trước đây.Tính đến 15/6/2015, tăng trưởng tín dụng cả nước đạt 5,78% so với cuối năm trước, cao hơn so với cùng kỳ của 3 năm gần đây.
Niềm tin tiêu dùng, kinh doanh và đầu tư được củng cố
Tính chung 6 tháng đầu năm, doanh nghiệp thành lập mới tăng gần 22% về số doanh nghiệp và trên 20% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2014. Đồng thời, số doanh nghiệp gặp khó khăn buộc phải tạm ngừng hoạt động trong 6 tháng đầu năm giảm 5,8% so với cùng kỳ năm 2014. Theo khảo sát của Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam, chỉ số niềm tin kinh doanh tại Việt Nam (BCI) tại quý I/2015 lên 75 điểm cao hơn mức trung bình năm 2014 (69,3 điểm). Chỉ số niềm tin tiêu dùng (ANZ) trung bình 5 tháng 2015 ở mức 139,9 điểm cao hơn mức trung bình năm 2014 (133,3 điểm).
Nhà đầu tư trên thị trường cổ phiếu cũng lạc quan hơn khi giá trị giao dịch bình quân phiên trong tháng 6 tăng gấp rưỡi so với giai đoạn đầu năm. Dòng tiền trong nước quay lại do: Thị trường hấp thụ phần lớn tác động của Thông tư 36. Giữa tháng 5/2015 thông tin dư nợ cho vay kinh doanh cổ phiếu cuối tháng 3/2015 không bị giảm so với trước khi ban hành Thông tư 36 được công bố; Kết quả kinh doanh của nhiều công ty niêm yết cải thiện; Dự thảo quy định rút ngắn thời gian thanh toán xuống T+2 và cho phép giao dịch mua bán trong ngày được công bố; Hiệu ứng tăng giá đã lan tỏa từ cổ phiếu ngành ngân hàng sang các ngành chứng khoán, bất động sản, dầu khí…
Những khó khăn 6 tháng cuối năm
Tính chung 6 tháng đầu năm 2015, nhập siêu ước tính 3,75 tỷ USD, tương đương 4,8% kim ngạch xuất khẩu; trong đó, khu vực FDI xuất siêu 6,07 tỷ USD, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu 9,83 tỷ USD. Nhập siêu tăng do cả xuất khẩu tăng chậm và nhập khẩu tăng nhanh.
Riêng 5 tháng đầu năm 2015, tốc độ tăng xuất khẩu (so với cùng kỳ) chưa bằng một nửa cùng kỳ 2014 (7,3% so với 15,4%). Kim ngạch xuất khẩu của nhóm các mặt hàng thống kê cả về giá trị và lượng đã giảm 0,22% so với cùng kỳ 2014, chủ yếu do yếu tố giá khi giá xuất khẩu bình quân của các mặt hàng trên đã giảm 1,3%.Trong khi đó, tốc độ tăng nhập khẩu (so với cùng kỳ) 5 tháng năm 2015 cao gấp rưỡi so với cùng kỳ 2014 (15,8% so với 9,6%). Nhập khẩu tăng chủ yếu do tăng nhập các mặt hàng phục vụ sản xuất như: điện tử, máy tính, linh kiện tăng 36,9%; máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện khác tăng 35,9%; sản phẩm chất dẻo tăng 21,5%; nguyên phụ liệu dệt may, giày dép tăng 12,8%. Điều này cho thấy nhập siêu tăng vừa do giá hàng hóa thế giới giảm vừa do cơ cấu kinh tế phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu máy móc thiết bị, nguyên vật liệu sản xuất. Khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng chậm lại. GDP của khu vực này trong 6 tháng đầu năm 2015 chỉ tăng 2,16%, thấp hơn mức 2,96% của cùng kỳ năm 2014. Nhập siêu cùng với xu hướng rút vốn khỏi các nền kinh tế đang phát triển sẽ đòi hỏi nỗ lực hơn để đạt mục tiêu ổn định tỷ giá từ nay đến cuối năm 2015 cũng như trong năm 2016. WB dự báo tỷ lệ vốn đầu tư (trực tiếp và gián tiếp)/GDP vào các nước đang phát triển sẽ giảm từ 5,4% năm 2014 xuống còn 5,1% và 5% tương ứng trong năm 2015 và 2016.
Thu NSNN tăng chậm hơn cùng kỳ 2014. Lũy kế đến ngày 15/06 tổng thu NSNN tăng 7,8% so với cùng kỳ (cùng kỳ 2014 tăng 16,2%). Theo lý giải của UBGSTCQG, nguyên nhân chủ yếu khiến thu ngân sách 6 tháng đầu năm tăng chậm là do: (i) Thu từ dầu thô lũy kế 15/06 chỉ đạt 35% dự toán, giảm 32,5% so với cùng kỳ; do giá dầu thanh toán bình quân vẫn ở mức thấp ; (ii) Thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ tăng 4,1% so với cùng kỳ 2014 (cùng kỳ 2014 tăng 29,6%); do kim ngạch nhập khẩu một số mặt hàng có thuế suất cao tăng chậm so với cùng kỳ 2014.
Ngoài ra, kế hoạch phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) gặp khó khăn. Tính đến 17/6, phát hành trái phiếu KBNN chỉ đạt 71.950 tỷ đồng, giảm 47% so với cùng kỳ năm 2014; mới hoàn thành 20% kế hoạch quý 2 và chưa đạt được 1/3 kế hoạch cả năm 2015. Lợi suất TPCP có xu hướng tăng kể từ tháng 3/2015. Những nguyên nhân chủ yếu của việc suy giảm phát hành trái phiếu KBNN: Việc chỉ phát hành trái phiếu KBNN kỳ hạn từ 5 năm trở lên kể từ năm 2015 làm cho nhà đầu tư khó dự đoán biến động lãi suất và thu xếp nguồn vốn cho kỳ hạn đầu tư dài hơn trước trong bối cảnh lạm phát năm nay thấp nhất trong 10 năm gần đây; Khu vực ngân hàng giảm cầu trái phiếu KBNN do tăng trưởng tín dụng tốt hơn, kỳ hạn trái phiếu dài không hấp dẫn khu vực này do các TCTD phải cân đối thanh khoản; Nhà đầu tư đòi hỏi lãi suất cao hơn mức lãi suất chào bán của KBNN và nhu cầu thấp về trái phiếu kỳ hạn 10 năm (giá trị đặt thầu thấp hơn giá trị gọi thầu). Do đó,theo nhận định của Ủy ban, để hoàn thành kế hoạch phát hành TPCP năm 2015, việc tăng cường phối hợp giữa chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa là rất cần thiết./.
P. Vân