(kiemtoannn.gov.vn) - Sáng 26.5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội Khóa XIII, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, Quốc hội làm việc tại Hội trường, nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) (Dự thảo Luật) và thảo luận, làm rõ thêm một số vấn đề nhằm tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật trước khi thông qua tại kỳ họp này.
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số điều của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi)
Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển trình bày trước Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số điều của dự thảo Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi). Theo đó, sau kỳ họp thứ thứ 8, Quốc hội khóa XIII, UBTVQH đã cho ý kiến và chỉ đạo Cơ quan thẩm tra chủ trì phối hợp với Cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến các đại biểu Quốc hội để chỉnh lý Dự thảo Luật và đã gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội. Các ý kiến góp ý đã được tiếp thu và thể hiện trong Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp này.
Thảo luận về dự án Luật Kiểm toán Nhà nước (sửa đổi) đã có 14/14 đại biểu đăng ký phát biểu tại hội trường. Hoan nghênh tinh thần tiếp thu của Ban soạn thảo, các đại biểu cho rằng, so với Dự thảo Luật trình tại kỳ họp thứ 8, Dự thảo Luật lần này đã được chuẩn bị khá chi tiết và đầy đủ. Về một số vấn đề cần tiếp tục làm rõ, các Đại biểu Quốc hội đã tập trung thảo luận về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan Kiểm toán Nhà nước (KTNN), nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước và giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán.
Trách nhiệm và quyền hạn của Kiểm toán Nhà nước
Về chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan KTNN, các ý kiến tập trung đề nghị làm rõ các hành vi cấm, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán nhà nước, trong đó đặc biệt cần nhấn mạnh, làm rõ hơn nữa trách nhiệm của KTNN.
Đối với quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động KTNN, các đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh, làm rõ thêm mối quan hệ giữa KTNN với HĐND cũng như đối với các đại biểu Quốc hội trong hoạt động giám sát và mối quan hệ giữa Ủy ban Tư pháp, các cơ quan tư pháp với KTNN. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) đề xuất tăng cường mối quan hệ giữa kiểm toán và cơ quan tư pháp của Quốc hội, bởi thông qua công tác kiểm toán sẽ phát hiện nhiều sai phạm liên quan tham nhũng nên hai cơ quan này phải có mối quan hệ để phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng.
Nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước
Về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, quan điểm của UBTVQH là giữ nguyên nhiệm kỳ Tổng KTNN là 7 năm. Quy định này sẽ bảo đảm tính độc lập trong hoạt động của KTNN, phù hợp với trách nhiệm trong kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước và thông lệ quốc tế.
Đồng ý kiến với giải trình của UBTVQH, các đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định), Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), Bùi Đức Thụ (Lai Châu) thể hiện sự nhất trí với dự thảo luật quy định giữ nguyên nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm và không quá 2 nhiệm kỳ liên tục.
Đại biểu Vương Đình Huệ (Bình Định) cho rằng, KTNN là cơ quan đặc thù, do Quốc hội lập ra, Tổng Kiểm toán Nhà nước do Quốc hội bầu nhưng bản thân KTNN không phải cơ quan của Quốc hội, hoạt động độc lập và chỉ tuân thủ pháp luật. Do đó, để đảm bảo tính ổn định của KTNN, nhiệm kì của Tổng Kiểm toán Nhà nước nên giữ nguyên 7 năm theo quy định của luật hiện hành. Điều này nhằm đảm bảo tính đặc thù, tính độc lập và ổn định của KTNN và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, cũng có một số đại biểu cho rằng, nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước chỉ nên kéo dài 5 năm. Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng các cơ quan Quốc hội bầu nhiệm kỳ chỉ 5 năm nên nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán cũng chỉ nên 5 năm.
Giá trị pháp lý của Báo cáo kiểm toán; Thời hạn kiểm toán
Đa số các đại biểu đều nhất trí cho rằng, báo cáo kiểm toán của KTNN có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về các sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.
Đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) đề nghị sửa cụm từ "báo cáo" thành "kết luận" kiểm toán để có đủ điều kiện có tính chất bắt buộc thực hiện và có giá trị pháp lý. Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng nếu không quy định giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán thì vấn đề sẽ phát sinh thêm thủ tục hành chính, phải chờ các cơ quan quản lý nhà nước trong từng lĩnh vực, xem xét thừa nhận mới có giá trị thi hành. Điều này làm chậm lại việc thực thi, khắc phục những khuyết, nhược điểm, những sai phạm và để đảm bảo cho kỷ luật tài chính nghiêm minh, kịp thời.
Xung quanh quy định về thời hạn kiểm toán, đa số ý kiến tán thành với báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật quy định thời hạn kiểm toán là 60 ngày, trường hợp cần thiết cho phép Tổng Kiểm toán Nhà nước được quyền gia hạn một lần nhưng không quá 30 ngày; riêng đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả có quy mô toàn quốc, giao cho Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định cho phù hợp.
Đại biểu Bùi Đức Thụ (Lai Châu) nhận định, những cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả có quy mô toàn quốc cần thực hiện trong nhiều năm, ở nhiều bộ, ngành, địa phương để đánh giá hiệu lực, hiệu quả, tính kinh tế vì vậy không thể quy định thời hạn. Hơn nữa, theo thông lệ quốc tế, cơ quan kiểm toán tối cao của nhiều nước cũng đều không quy định thời hạn về nội dung này.
Đại biểu Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) lại đề xuất Quốc hội nên quy định rõ thời hạn đối với cuộc kiểm toán để đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả có quy mô toàn quốc ngay trong dự thảo luật, không nên để Tổng Kiểm toán Nhà nước quyết định bởi đây là vấn đề quan trọng.
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu việc sửa đổi Luật KTNN phải có tính kế thừa với luật hiện hành đối với những quy định còn nguyên giá trị, đồng thời phải cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp quy định về KTNN. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ những ý kiến của đại biểu Quốc hội. Đối với quy định về nhiệm kỳ của Tổng Kiểm toán Nhà nước, Phó Chủ tịch Quốc hội đồng tình với quan điểm sẽ đưa ra 2 phương án: nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước là 7 năm và 5 năm để lấy ý kiến đại biểu Quốc hội. Các nội dung khác nếu có vấn đề thì xin ý kiến và báo cáo lại Quốc hội trước khi trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này./
Ngọc Bích