Tổng Kiểm toán Nhà nước Nguyễn Hữu Vạn: Đảng bộ KTNN nhiệm kỳ VI – nhiệm kỳ bản lề để hoàn thành Chiến lược phát triển Kiểm toán Nhà nước đến năm 2020

03/08/2015
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Nhân kỷ niệm 21 năm thành lập KTNN (11/7/1994 – 11/7/2015), hướng tới Đại hội lần thứ VI Đảng bộ KTNN, trong không khí phấn khởi trước những thành tựu và đổi mới của ngành, Tạp chí NCKH Kiểm toán đã có cuộc phỏng vấn với TS Nguyễn Hữu Vạn, UV BCH TƯ Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước. Xin trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Đ/c Nguyễn Hữu Vạn, Bí thư Ban cán sự, Bí thư Đảng ủy, Tổng Kiểm toán Nhà nước

KTNN vừa kỷ niệm 21 năm thành lập và hướng tới Đại hội Đảng bộ KTNN lần thứ VI. Trong nhiệm kỳ vừa qua, toàn Đảng bộ đã gặt hái được nhiều thành tựu đáng ghi nhận. Vậy Ông có những đánh giá thế nào về kết quả hoạt động của chúng ta trong 5 năm vừa qua?

Nhiệm kỳ vừa qua có thể nói là nhiệm kỳ khá thành công của KTNN. Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 được Quốc hội phê chuẩn ngay từ đầu nhiệm kỳ, tạo đà cho các hoạt động xây dựng và phát triển KTNN; KTNN và Tổng KTNN được Hiến định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013; Luật KTNN sửa đổi được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII… Đây là những kết quả của cả một quá trình phấn đấu và phát triển của toàn thể cán bộ, kiểm toán viên, người lao động trong toàn ngành, khẳng định vị thế ngày một nâng cao của KTNN.  

Quán triệt quan điểm “lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt”, nắm bắt những thuận lợi, vượt qua khó khăn thách thức, trong 5 năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị và xây dựng Đảng theo Nghị quyết đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2010 – 2015 đề ra. Có thể kể ra một số thành tựu của KTNN dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ KTNN trong 5 năm vừa qua như sau:

Trước hết, địa vị pháp lý của KTNN được nâng lên rõ rệt sau khi Hiến pháp sửa đổi năm 2013 đã bổ sung điều 118 về KTNN và Tổng KTNN. Luật KTNN sửa đổi cũng vừa được thông qua phù hợp với địa vị pháp lý mới của KTNN trong Hiến pháp, phù hợp với tình hình mới của thực tiễn kiểm toán.

Bám sát Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, từ chỗ cơ cấu tổ chức toàn ngành có 25 đơn vị vào năm 2010, đến nay đã có 32 đơn vị KTNN chuyên ngành, khu vực, các đơn vị tham mưu và sự nghiệp trực thuộc với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức được rà soát, đánh giá và sắp xếp lại, từng bước phù hợp và sát thực tế hơn. Hiện nay, KTNN đang có hơn 2000 công chức, viên chức, người lao động, tăng 30% so với đầu nhiệm kỳ, trong đó có những sinh viên xuất sắc, thủ khoa từ các trường đại học được tuyển dụng theo chính sách thu hút nhân tài, góp phần tăng cường đội ngũ từng bước đủ về số lượng, hoàn thiện về cơ cấu dần hoàn thiện, từng bước có đủ năng lực và trình độ thi hành công vụ. Với đội ngũ cán bộ được nâng lên cả về lượng và chất, chúng ta cũng chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng,  bổ nhiệm, điều động, luân chuyển cán bộ, phù hợp với tình hình thực tiễn của các đơn vị, hỗ trợ, nâng cao năng lực cho các đơn vị ở các khu vực khó thu hút lao động. Nhờ đó mà đội ngũ Kiểm toán viên Nhà nước ở các chuyên ngành và khu vực càng ngày càng phát triển đồng đều và nâng cao chất lượng đội ngũ.

Với nhiệm vụ chính là công tác kiểm toán, quy mô hoạt động kiểm toán đều tăng dần qua từng năm và phù hợp với số lượng, năng lực của đội ngũ kiểm toán viên hiện có. Từ năm 2010 đến hết năm 2014, KTNN đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 99 nghìn tỷ đồng trong đó tăng thu NSNN hơn 18 nghìn tỷ đồng, giảm chi hơn 19 nghìn tỷ đồng, các khoản nợ đọng phát hiện tăng thêm gần 9 nghìn tỷ, các khoản phải nộp, hoàn trả và quản lý qua NSNN gần 50 nghìn tỷ. Con số kiến nghị xử lý tài chính này chiếm 68% tổng số kiến nghị xử lý tài chính trong 20 năm. Thông qua kết quả kiểm toán, KTNN cũng đã cung cấp nhiều thông tin sát thực phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, quản lý của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ ngành, HĐND và UBND các cấp trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Cũng trong nhiệm kỳ, chúng ta đã từng bước đổi mới nội dung, phương pháp kiểm toán, đi sâu vào việc nâng cao chất lượng xây dựng kế hoạch kiểm toán  và kiểm soát chất lượng kiểm toán, đồng thời xây dựng  và hoàn thiện hệ thống chuẩn mực kiểm toán , ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý và hoạt động kiểm toán, mở rộng các loại hình kiểm toán, nhất là kiểm toán hoạt động với việc thành lập Phòng Kiểm toán hoạt động thuộc Vụ tổng hợp vào năm 2014 để nghiên cứu, xây dựng tài liệu, cẩm nang hướng dẫn về kiểm toán hoạt động, tiến hành thử nghiệm 2 cuộc kiểm toán hoạt động độc lập và đạt được kết quả đáng ghi nhận.

KTNN càng ngày càng có sự hợp tác chặt chẽ hơn với các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới, có sự hội nhập sâu rộng, và tham gia thực chất hơn vào hoạt động của INTOSAI, ASOSAI. Năm 2011, KTNN Việt Nam là thành viên đồng sáng lập của Tổ chức các cơ quan kiểm toán tối cao Đông Nam Á ASEANSAI. Tại Đại hội ASOSAI lần thứ 13, KTNN Việt Nam được lựa chọn là đơn vị tổ chức Đại hội ASOSAI lần thứ 14 năm 2018 và là chủ tịch Ban điều hành ASOSAI giai đoạn 2018 – 2021. Điều này thể hiện vị thế của chúng ta đã ngày càng được khẳng định trên trường quốc tế.

Ngoài ra trên các mặt công tác khác cũng có nhiều những kết quả thu nhận được qua 5 năm, thể hiện bước tiến ngày càng vững chắc của KTNN và là tiền đề để chúng ta tiếp tục hoàn thành tốt 5 năm tiếp theo.

Có thể nói, điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là việc KTNN và Tổng KTNN được hiến định trong Hiến pháp sửa đổi năm 2013 và việc thông qua Luật KTNN sửa đổi. Điều này có ý nghĩa như thế nào đối với hoạt động của KTNN?

28/11/2013, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Hiến pháp sửa đổi năm 2013. Đây là một sự kiện trọng đại với cả đất nước. Với KTNN chúng ta thì đây là cũng là cột mốc lịch sử khi lần đầu tiên KTNN và Tổng KTNN được hiến định trong điều 118, khẳng định địa vị pháp lý và một lần nữa khẳng định tính độc lập và chỉ tuân theo pháp luật của KTNN.

Ngày 24/6/2015, tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua Luật KTNN, có hiệu lực thi hành từ 1/1/2016 với 9 chương, 73 điều. Luật mới đã bám sát hơn vào tình hình thực tế, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn của KTNN, thể hiện vị trí, vai trò của KTNN trong nền tài chính quốc gia. Tôi muốn nói thêm về Luật KTNN.

Luật lần này được sửa đổi tinh gọn nhưng bao quát đầy đủ các hoạt động kiểm toán nhà nước, trên cơ sở Hiến pháp năm 2013 với 2 điều quy định về KTNN và Tổng KTNN. Luật được xây dựng mạch lạc hơn theo hướng nâng cao chức năng, nhiệm vụ, tăng trách nhiệm của KTNN, tăng quyền hạn trong thực thi đồng thời trách nhiệm và nghĩa vụ mà chúng ta phải thực hiện. Có những vấn đề mới được Luật hóa, đảm bảo tuân thủ điều ước, thông lệ quốc tế, đồng bộ, nhất quán với hệ thống pháp luật hiện hành, với các văn bản pháp luật liên quan. Luật cũng quy định cụ thể hơn và điều chỉnh một số vấn đề mà Luật cũ chưa đề cập, chưa cụ thể hoặc chưa phù hợp như thời hạn kiểm toán, thời hạn lập và gửi báo cáo kiểm toán, quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm các ngạch kiểm toán viên nhà nước, tiêu chuẩn trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán, trách nhiệm phối hợp của các cơ quan hữu quan trong hoạt động kiểm toán nhà nước…

Với những sửa đổi và bổ sung, Luật KTNN mới phản ánh thực chất hơn hoạt động của KTNN, tạo hành lang pháp lý đầy đủ để hoạt động kiểm toán nhà nước bảo đảm tính độc lập, khách quan hơn; đồng thời cũng buộc chúng ta phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương công vụ trong thực hiện công tác kiểm toán.

Luật đã xác định “đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”. Trước hết, chúng ta đã luật hóa được khái niệm tài chính công và tài sản công, từ đó xác định được đối tượng kiểm toán, loại hình đơn vị được kiểm toán một cách đầy đủ và chuẩn xác. Theo đó:

Tài chính công bao gồm: ngân sách nhà nước; dự trữ quốc gia; các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách; tài chính của các cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị cung cấp dịch vụ, hàng hóa công, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp có sử dụng kinh phí, ngân quỹ nhà nước; phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; các khoản nợ công.

Tài sản công bao gồm: đất đai; tài nguyên nước; tài nguyên khoáng sản; nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời; tài nguyên thiên nhiên khác; tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tài sản công được giao cho các doanh nghiệp quản lý và sử dụng; tài sản dự trữ nhà nước; tài sản thuộc kết cấu hạ tầng phục vụ lợi ích công cộng và các tài sản khác do Nhà nước đầu tư, quản lý thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.

Về giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán cũng được nâng cao rõ rệt. Theo điều 7 của Luật mới sửa đổi “báo cáo kiểm toán của Kiểm toán nhà nước sau khi phát hành và công khai có giá trị bắt buộc phải thực hiện đối với đơn vị được kiểm toán về sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.” Đây là một bước tiến quan trọng, khẳng định địa vị pháp lý, vai trò của KTNN. Tất nhiên một khi giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán được nâng lên thì cùng với đó trách nhiệm khi thực hiện các bước của quá trình kiểm toán cũng phải được nâng lên để đảm bảo một báo cáo kiểm toán chất lượng.

Với tinh thần nâng cao tính minh bạch của hoạt động kiểm toán nhà nước, Luật đã tăng cường quyền và nghĩa vụ của các đơn vị được kiểm toán, việc công khai báo cáo kiểm toán. Việc lựa chọn đơn vị kiểm toán cũng được bổ sung cụ thể hơn, trên cơ sở tránh chồng chéo với các hoạt động thanh kiểm tra liên quan và giảm gánh nặng cho đơn vị. Một điểm mới trong Luật lần này là đã quy định KTNN có thẩm quyền kiểm toán đối với với những doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ.

Trên cơ sở những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ trước, trong 5 năm tiếp theo, KTNN sẽ phát triển theo hướng nào, thưa Ông?

Nhiệm kỳ lần này là nhiệm kỳ bản lề để chúng ta hoàn thành Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020. Về mục tiêu tổng quát, chúng ta vẫn tiếp tục bám sát mục tiêu đã được nêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020 là “Nâng cao năng lực hoạt động, hiệu lực pháp lý, chất lượng và hiệu quả hoạt động của KTNN như một công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản Nhà nước; xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.” Để đạt được mục tiêu đó, mục tiêu xuyên suốt trong 5 năm tới của Đảng bộ KTNN là “tăng cường xây dựng Đảng bộ KTNN trong sạch vững mạnh; đổi mới, kỷ cương, trách nhiệm, thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020.”. Trên cơ sở đó mọi chủ trương, kế hoạch, hành động của Đảng bộ cơ quan KTNN là phải tiếp tục xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh để nêu cao vai trò lãnh đạo của Đảng bộ trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị và các mặt công tác của KTNN phải tập trung đổi mới mạnh mẽ các lĩnh vực công tác, nhất là công tác xây dựng kế hoạch kiểm toán và nâng cao chất lượng kiểm toán; siết chặt kỷ cương trong thực thi công vụ, tăng cường trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức, đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt, nhất là người đứng đầu để xây dựng KTNN là một cơ quan có ý thức tổ chức kỷ luật cao, chặt chẽ, chuyên nghiệp; chúng ta kiên trì thực hiện thắng lợi Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2020, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ lần thứ VI, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XII của Đảng.

Trong tình hình mới, trước những thời cơ và vận hội mới, ông muốn nhắn nhủ gì tới đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, Kiểm toán viên trong toàn ngành?
Chúng ta đang bước vào một giai đoạn phát triển mới, hoạt động với một địa vị pháp lý mới - cao hơn đồng thời là niềm tự hào song cũng đề ra cho KTNN nhiệm vụ trong nhiệm kỳ tới là rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ, trong toàn ngành phát huy thành tích đã đạt, khắc phục khó khăn, đoàn kết, thống nhất trong Đảng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch vững mạnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ khóa VI, nhiệm kỳ 2015 – 2020, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết đại hội XII của Đảng.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Tạp chí Nghiên cứu Khoa học kiểm toán số 93/7/2015


Xem thêm »