Sửa đổi Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán góp phần xây dựng KTNN chuyên nghiệp, hiện đại

20/02/2020
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Để thực hiện Chiến lược phát triển của KTNN, KTNN đã không ngừng chuẩn hóa và nâng cao chất lượng xây dựng, hoàn thiện các văn bản quản lý và hướng dẫn hoạt động kiểm toán. Trong đó, việc sửa đổi Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán (MBHSKT) đang là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Ngành. Ông Ngô Minh Kiểm - Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán - đại diện Tổ soạn thảo đã có những trao đổi để làm rõ thêm những định hướng cũng như trọng tâm sửa đổi Hệ thống MBHSKT,.

Thưa ông, trong giai đoạn hiện nay, việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT được KTNN xác định là nhiệm vụ quan trọng. Ông có thể chia sẻ về những định hướng của Ngành khi thực hiện sửa đổi hệ thống MBHSKT lần này?

Để thực hiện mục tiêu Chiến lược phát triển của KTNN đến năm 2020 là “Xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, KTNN đã không ngừng chuẩn hóa và hoàn thiện các văn bản quản lý và hướng dẫn hoạt động kiểm toán, đặc biệt là MBHSKT. Hiện nay, sau khi Luật KTNN được sửa đổi, Hệ thống MBHSKT của KTNN đang được sửa đổi, hoàn thiện. Theo định hướng, Hệ thống mẫu biểu sửa đổi phải phù hợp với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN; Quy trình kiểm toán của KTNN, Hệ thống chuẩn mực KTNN; Hướng dẫn tiếp cận phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu theo thông lệ quốc tế. Đồng thời phải bao quát các hoạt động kiểm toán theo các giai đoạn của quy trình kiểm toán, từ hồ sơ kiểm toán chung đến hồ sơ kiểm toán cho từng lĩnh vực. Tiếp đến, việc sửa đổi phải đảm bảo cải cách thủ tục hành chính, giúp thuận lợi hơn cho đơn vị kiểm toán, cho hoạt động kiểm toán của Kiểm toán viên. Hơn nữa, việc bổ sung, sửa đổi các mẫu biểu phải bảo đảm tương thích với hệ thống mẫu biểu báo cáo tài chính theo quy định của Nhà nước; phục vụ tốt cho việc đổi mới trong hoạt động kiểm toán của KTNN, đặc biệt là đổi mới trong công tác kế hoạch kiểm toán (KHKT), báo cáo kiểm toán.

 Ông có thể cho biết một số nội dung trọng tâm được đề xuất sửa đổi, bổ sung có tính đến thực hiện Luật KTNN sửa đổi, cũng như tiến độ sửa đổi Hệ thống MBHSKT đến nay ra sao, thưa ông?

Việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT được thực hiện ở tất cả các MBHSKT để đảm bảo tính đồng bộ khi áp dụng. Ngoài việc bổ sung các mẫu biểu còn thiếu, lược bỏ các mẫu, các phụ lục không cần thiết và gộp các mẫu biểu bị trùng lặp, việc sửa đổi được tập trung một số mẫu biểu chính.

Trong đó, mẫu Đề cương khảo sát được đổi tên thành “Kế hoạch khảo sát thu thập thông tin để lập KHKT”; thống nhất chỉ có Đoàn khảo sát (bỏ Tổ khảo sát). Phần thông tin cần thu thập theo các Phụ lục của KHKT phải bảo đảm sự kết nối thống nhất với KHKT, các phụ lục thông tin thu thập theo đúng chế độ báo cáo tài chính của Nhà nước. Đối với các đơn vị đã được kiểm toán, có thể lấy các thông tin thu thập được từ tài liệu khảo sát gần nhất và chỉ yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp các thông tin bổ sung thay đổi để giảm thủ tục hành chính.

Đối với mẫu KHKT của cuộc kiểm toán được biên tập bảo đảm đầy đủ các nội dung phù hợp với Chuẩn mực KTNN và Hướng dẫn phương pháp tiếp cận dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu, áp dụng cho cả 3 loại hình kiểm toán. Toàn bộ phần thông tin cơ bản về đơn vị được kiểm toán đưa ra phụ lục có tính liên kết trong việc đánh giá rủi ro, xác định trọng tâm, phương pháp kiểm toán, mẫu chọn kiểm toán và kế hoạch khảo sát. Bên cạnh đó, rà soát bổ sung các phụ lục theo hướng dẫn Phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu; sắp xếp lại các phụ lục theo trình tự thống nhất giữa các lĩnh vực; lược bỏ các phụ biểu và các nội dung không cần thiết.

Đối với mẫu Báo cáo kiểm toán được bố cục thống nhất thành 3 phần để đảm bảo thực hiện đầy đủ chức năng của KTNN theo Điều 9 Luật KTNN sửa đổi. Theo đó, Phần 1 là Đánh giá, xác nhận kiểm toán, trong đó chi tiết theo 3 loại hình kiểm toán. Phần 2 là Kết luận kiểm toán, chỉ kết luận những nội dung sai và có đủ bằng chứng kiểm toán; trình bày ngắn gọn theo từng nội dung phát hiện kiểm toán. Phần 3 là Kiến nghị kiểm toán, gồm kiến nghị xử lý tài chính, kiến nghị xử lý khác và các kiến nghị chấn chỉnh, xử lý trách nhiệm, kiến nghị tư vấn hoàn thiện công tác quản lý. Phần phụ lục được sắp sếp theo thứ tự ưu tiên, riêng phụ lục kiến nghị xử lý tài chính được hướng dẫn cụ thể để tránh hư số, có phụ lục thuyết minh cụ thể, các phụ lục xác nhận theo chế độ báo cáo tài chính hiện hành của nhà nước.

Ngoài ra, nhiều mẫu biểu khác cũng được rà soát, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Về tiến độ sửa đổi, do Hệ thống MBHSKT là văn bản quy phạm pháp luật nên việc sửa đổi phải tuân thủ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài lấy ý kiến trong Ngành, Hệ thống MBHSKT còn phải lấy ý kiến các Bộ, ngành theo quy định. Sau khi nhận được các ý kiến góp ý, Tổ soạn thảo hoàn thiện gửi Vụ Pháp chế thẩm định trước khi trình Tổng Kiểm toán Nhà nước ban hành.

Trong khi Hệ thống MBHSKT đang được gửi lấy ý kiến, để không làm ảnh hưởng đến KHKT, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã ban hành Hệ thống MBHSKT áp dụng tạm thời theo quyết định số 154/QĐ-KTNN ngày 06/2/2020 và áp dụng ngay cho các cuộc kiểm toán năm 2020.

Thưa ông, việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT sẽ giúp ích như thế nào đối với hoạt động kiểm toán của KTNN, các đơn vị kiểm toán và các Kiểm toán viên?

Việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT sẽ mang lại nhiều kết quả thiết thực.

Một là, góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp và hội nhập quốc tế của KTNN. Việc cụ thể hóa Hệ thống Chuẩn mực KTNN, phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong Hệ thống MBHSKT sẽ khắc phục các hạn chế trong kiểm toán báo cáo tài chính và đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo phù hợp với quy định tại Chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế, dựa trên cơ sở khoa học.

Hai là, góp phần đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong hoạt động kiểm toán của KTNN. Thông qua việc rà soát lại Hệ thống MBHSKT sẽ lược bỏ những thủ tục, mẫu biểu, phụ lục không cần thiết; đổi mới khâu khảo sát, lập KHKT và lập Báo cáo kiểm toán theo hướng ngắn gọn.

Ba là, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán. Việc cụ thể hóa Phương pháp kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán cho phép KTNN có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra trên cơ sở tập trung vào các nội dung, vấn đề trọng yếu của cuộc kiểm toán, giảm thiểu rủi ro kiểm toán.

Bốn là, việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT bảo đảm thực hiện đầy đủ chức năng của KTNN theo quy định tại Điều 9 Luật KTNN sửa đổi, đó là “Đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị kiểm toán đối với việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công”.

Năm là, góp phần nâng cao uy tín, trách nhiệm giải trình của cơ quan KTNN trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng. Việc sửa đổi Hệ thống MBHSKT bảo đảm cho các hoạt động kiểm tra, kiểm soát nội bộ trong hoạt động kiểm toán của KTNN, từ đó giúp tăng tính minh bạch kết quả kiểm toán và xử lý kết quả kiểm toán. Kết quả kiểm toán phải thuyết minh rõ cơ sở pháp lý và được kiểm soát chặt chẽ để kết luận, kiến nghị kiểm toán chính xác và có tính khả thi cao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Theo Báo Kiểm toán

Xem thêm »