Đúc rút, chia sẻ nhiều kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề công tác quản lý thuế

01/07/2021
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

Ngày 25/6, KTNN đã tổ chức Tọa đàm trực tuyến “Kinh nghiệm kiểm toán chuyên đề Công tác quản lý nhà nước tại Tổng cục Thuế và các cục thuế liên quan đến việc hoàn, miễn, giảm, chống trốn thuế, chuyển giá năm 2020” từ đầu cầu Hà Nội và 13 đầu cầu khu vực.  

Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh phát biểu tại Tọa đàm

Tọa đàm diễn ra dưới sự đồng chủ trì của Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh; Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm; Phó Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành II Nguyễn Minh Giang. Tham dự Tọa đàm có gần 200 đại biểu là đại diện lãnh đạo các đơn vị, các trưởng đoàn, tổ trưởng tổ kiểm toán và các kiểm toán viên (KTV) vừa tham gia thực hiện cuộc kiểm toán này.
 
Nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh, thông qua các cuộc kiểm toán chuyên đề (KTCĐ) này, KTNN đã có nhiều phát hiện kiểm toán nổi bật. Bên cạnh kiến nghị xử lý về tài chính, các cuộc KTCĐ đã chỉ ra nhiều bất cập, hạn chế, thiếu nhất quán của cơ chế, chính sách, gây không ít khó khăn cho các đơn vị được kiểm toán trong quá trình tổ chức thực hiện.

Trao đổi về thực trạng quản lý nhà nước về hoàn thuế, miễn, giảm, gia hạn, chống trốn thuế, chuyển giá, ông Nguyễn Minh Giang nêu rõ, công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật có những bất cập cần xem xét, chỉnh sửa nhằm tạo tính thống nhất trong tổ chức thực hiện cũng như tạo sự bình đẳng, công bằng đối với người nộp thuế, chưa có cơ chế giám sát đối với việc cho gia hạn tiền thuế, tiền thuê đất theo Nghị định số 41/2020/NĐ-CP; Bộ Tài chính chậm ban hành khung giá tính lệ phí trước bạ cho một số dòng xe ô tô... Bên cạnh đó, việc bãi bỏ các nội dung liên quan đến Bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ mua vào, bán ra tuy góp phần giảm thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian làm thủ tục thuế nhưng công tác xác minh hóa đơn gặp khó khăn và chưa mang lại hiệu quả. Hướng dẫn về quản lý thuế đối với các DN có giao dịch liên kết để chống chuyển giá đã được ban hành nhưng còn nhiều bất cập, quy định chưa rõ ràng cụ thể, đưa ra nhiều tiêu chí khó thực hiện, khó áp dụng để xử lý triệt để...

Tổng hợp sơ bộ kết quả kiểm toán đến thời điểm này cũng cho thấy, trong công tác giải quyết hồ sơ hoàn thuế, miễn giảm, giãn thuế, chống trốn thuế và chuyển giá, KTNN chỉ rõ tình trạng xử lý hồ sơ và lập báo cáo hoàn thuế còn chậm, không đảm bảo thời gian theo quy định. Cụ thể, tổng số có 6.767 hồ sơ hoàn thuế xử lý quá hạn, 6.585 hồ sơ hoàn thuế xử lý không kịp thời phải chuyển kỳ sau. Nhiều cục thuế quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng dự án đầu tư cho người nộp thuế không đúng quy định; một số cục thuế thẩm định hồ sơ hoàn thuế cho dự án đầu tư về điện chưa đủ điều kiện hoàn thuế; công tác miễn, giảm, gia hạn thời hạn nộp thuế ở một số cục thuế còn nhiều sai sót. Tại hầu hết các cục thuế được kiểm toán, việc lập, lưu trữ hồ sơ của đoàn thanh tra, kiểm tra không lưu theo danh mục thống nhất, phần lớn không kèm theo các bảng kê đối với số liệu chênh lệch phát hiện qua thanh tra; báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra lập không đúng mẫu, đánh giá chưa đầy đủ các nội dung đã phân tích rủi ro so với kết quả kiểm tra thực tế theo quy định…
 
Tiếp tục đẩy mạnh kiểm toán chuyên đề

Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh cho biết, trong Kế hoạch kiểm toán năm 2021, nhiệm vụ KTCĐ tiếp tục được quan tâm thực hiện. Cụ thể, có tới 26 cuộc KTCĐ trên tổng số 181 cuộc kiểm toán được thực hiện theo kế hoạch trong năm 2021. Đến thời điểm này, các KTNN chuyên ngành, KTNN khu vực đã hoàn thành các cuộc kiểm toán đợt 1, trong đó đã thực hiện xong các chuyên đề kiểm toán quy mô lớn, phạm vi rộng, với sự tham gia kiểm toán của nhiều đơn vị trong Ngành.
 
Tổng Kiểm toán Nhà nước Trần Sỹ Thanh: “Khi thực hiện KTCĐ, các đơn vị cần lựa chọn các chuyên đề phù hợp với khả năng, không nên chọn những chuyên đề rộng, dàn trải. Cần phải có sự chuẩn bị trước từ 1 đến 2 năm, đồng thời tổ chức các cuộc kiểm toán điểm để đúc rút kinh nghiệm, tạo cơ sở triển khai các cuộc KTCĐ cho giai đoạn tiếp theo. Cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin hỗ trợ cho việc rà soát, phân tích thông tin và nâng cao năng lực của KTV trong khai thác cơ sở dữ liệu. Văn phòng KTNN cần chủ trì xây dựng “Sổ tay điện tử nghiệp vụ kiểm toán” giúp chủ động phát hiện và ngăn chặn rủi ro trong hoạt động kiểm toán nói chung và KTCĐ nói riêng”.

Đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn, các đại biểu cho rằng, để đạt được các mục tiêu chung và đảm bảo chất lượng, hiệu quả của cuộc KTCĐ, cần thu thập đầy đủ các thông tin cần thiết, đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu một cách phù hợp, xác định đúng phạm vi và giới hạn kiểm toán. Đồng thời xác định các nội dung trọng yếu phù hợp với kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu; lựa chọn chính xác những hồ sơ kê khai, hồ sơ thanh tra, kiểm toán thuế có rủi ro cao để kiểm tra, rà soát lựa chọn đưa vào kế hoạch kiểm tra, đối chiếu thuế; lựa chọn phương pháp và thủ tục kiểm toán phù hợp với các nội dung kiểm toán, đặc biệt là các nội dung trọng yếu.

Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán Ngô Minh Kiểm nhấn mạnh, để nâng cao hiệu quả của công tác kiểm toán đòi hỏi các đơn vị kiểm toán phải không ngừng nâng cao năng lực của đoàn kiểm toán, KTV, tổ chức tốt việc thu thập thông tin, thu thập bằng chứng kiểm toán để đưa ra các đánh giá, kiến nghị xác đáng. Thực tế cho thấy, việc cung cấp thông tin của các đơn vị được kiểm toán, các cơ quan thuế còn hạn chế, đây là khó khăn khách quan, ảnh hưởng đến hoạt động kiểm toán. Do đó, ngoài các quy định về công tác phối hợp trong văn bản, các đoàn kiểm toán, KTV cần phối hợp tốt với cơ quan thuế để có thể truy cập, thu thập thông tin về thuế trong hệ thống dữ liệu của ngành thuế.

Nhiều đại biểu cũng thống nhất, đối với KTCĐ, cần tăng cường và tập trung công tác kiểm toán tổng hợp. Đây là công việc quan trọng mang tính chất quyết định đến kết quả kiểm toán và có nội dung định hướng cho các tổ kiểm toán thực hiện, thu thập bằng chứng kiểm toán. Đối với các kết quả kiểm toán tổng hợp, các đoàn, tổ kiểm toán cần rà soát căn cứ pháp lý, bằng chứng kiểm toán để đảm bảo các kiến nghị thận trọng và khả thi.

Đối với chuyên đề kiểm toán thuế, các đơn vị cần linh hoạt, phối hợp chặt chẽ trong thực hiện kiểm toán. Trong đó, cần bám sát hướng dẫn của đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán, trên cơ sở tuân thủ đúng quy trình, quy định của Ngành về hoạt động kiểm toán. Do chuyên đề kiểm toán rất khó, liên quan đến nhiều văn bản, chính sách và các đặc thù tại các địa phương nên các đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán và KTV cần phải tăng cường tự đào tạo, bồi dưỡng nội bộ để nâng cao trình độ. Các đại biểu cũng nhất quán quan điểm, sau mỗi đợt kiểm toán, cần tổ chức các tọa đàm, hội thảo, trong đó giao đơn vị chủ trì tổng kết đánh giá, rút kinh nghiệm, để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các đơn vị thực hiện các đợt kiểm toán sau./.
 
Nhóm phóng viên
(Theo Báo Kiểm toán số 26/2021)
 

 

Xem thêm »