(sav.gov.vn) - Theo Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) 3 tháng đầu năm 2023 ước đạt 491,5 nghìn tỷ đồng, bằng 30,3% dự toán, tăng 1,3% so cùng kỳ năm 2022, trong đó thu nội địa ước đạt 411,8 nghìn tỷ đồng, bằng 30,9% dự toán, tăng 5,4% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ dầu thô ước đạt 15,5 nghìn tỷ đồng, bằng 36,9% kế hoạch, giảm 11,4% so với cùng kỳ năm 2022; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 64,2 nghìn tỷ đồng, bằng 26,9% dự toán, giảm 16,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp, giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 gồm: Thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu phí và lệ phí
Riêng tháng 3/2023, thu NSNN ước đạt 129,6 nghìn tỷ đồng, trong đó thu nội địa ước đạt 101,3 nghìn tỷ đồng, thu từ dầu thô ước đạt 5,5 nghìn tỷ đồng, thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 22,8 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính nhận định, tiến độ thu NSNN các tháng 2,3/2023 có dấu hiệu suy giảm, có 4 khoản thu tiến độ đạt thấp so với dự toán và giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2022 gồm: Thuế bảo vệ môi trường, thu về nhà đất, thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, thu phí và lệ phí.
Riêng số thu nội địa quý I/2023 đạt khá chủ yếu do tập trung thu các phát sinh quý IV/2022 và chênh lệch so quyết toán thuế năm 2022 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp NSNN trong quý I/2023. Loại trừ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp của năm 2022, thì số thu của khu vực doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu vực kinh tế ngoài quốc doanh giảm 6% so cùng kỳ năm 2022.
Bộ Tài chính tổng kết, trong quý I/2023, có 28/63 địa phương thực hiện thu nội địa đạt trên 28% dự toán; 23/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ năm 2022; 40 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022.
Trong quý I/2023, thanh tra Bộ Tài chính và các đơn vị có chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc Bộ đã thực hiện 13.279 cuộc thanh tra, kiểm tra; tiến hành kiểm tra 189.843 hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan; kiến nghị xử lý tài chính 24.866.704 triệu đồng, trong đó kiến nghị thu hồi nộp NSNN 5.610.203 triệu đồng; kiến nghị xử lý tài chính khác 17.763.521 triệu đồng; xử phạt vi phạm hành chính 1.492.980 triệu đồng; số tiền đã thu nộp NSNN 4.959.346 triệu đồng.
Về chi NSNN, riêng tháng 3/2023, chi cân đối NSNN ước đạt 130,6 nghìn tỷ đồng. Tổng chi NSNN quý I/2023 đạt 363,4 nghìn tỷ đồng, bằng 17,5% dự toán, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt 73,2 nghìn tỷ đồng, bằng 10,1% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 10,35% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Chi trả nợ lãi ước đạt 27,9 nghìn tỷ đồng, bằng 27,1% dự toán, giảm 3,4%; chi thường xuyên ước đạt 262,1 nghìn tỷ đồng, bằng 22,4% dự toán, tăng 5,4% so cùng kỳ năm 2022.
Các nhiệm vụ chi NSNN trong quý I/2023 được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý Nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ NSNN.
Cân đối NSTW và NSĐP được đảm bảo, tính đến hết tháng 3/2023, đã thực hiện phát hành gần 104.873 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ (TPCP), kỳ hạn bình quân 12,68 năm, lãi suất bình quân 4,19 %/năm, đạt 26,2% kế hoạch năm (400.000 tỷ đồng) và 97,1% kế hoạch quý I/2023 (108.000 tỷ đồng). Do tác động của thị trường, từ ngày 10/3/2023, mặt bằng lãi suất giao dịch TPCP có xu hướng giảm và nhu cầu mua TPCP tăng cao trở lại vào cuối tháng 3/2023, tỷ lệ khối lượng dự thầu/khối lượng gọi thầu bình quân đạt 3,39 lần, tỷ lệ này trong tháng 2/2023 là 2,99 lần./.
Khánh Vy