Kiến nghị xử lý hàng chục tỷ đồng đối với các dự án ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh

11/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - 59,879 tỷ đồng là số tiền mà Kiểm toán nhà nước (KTNN) kiến nghị các đơn vị cần phải xử lý qua kiểm toán Chuyên đề việc quản lý, sử dụng vốn Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020, trong đó, thu hồi nộp ngân sách nhà nước 219,7 triệu đồng; giảm thanh toán hơn 4,34 tỷ đồng; giảm giá trị hợp đồng còn lại hơn 43,814 tỷ đồng; giảm dự toán 11,504 tỷ đồng.

KTNN kiến nghị Bộ TNMT, Bộ KHĐT kiểm điểm đối với một số hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chưa hoàn thành các mục tiêu của Chương trình/Hợp phần. Ảnh minh họa

Cùng với xử lý tài chính, kiến nghị xử lý khác cũng lên tới hàng chục tỷ đồng

Đồng thời, KTNN yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định đối với số tiền 1.010,563 tỷ đồng. Cụ thể gồm: Số tiền 538,655 tỷ đồng đã bố trí vốn hằng năm nhưng quá thời gian giải ngân theo quy định tại Điều 76 Luật Đầu tư công năm 2014, trong đó các dự án đã bố trí vốn từ năm 2016-2018 là 313,397 tỷ đồng và các dự án bố trí vốn năm 2019 nhưng các địa phương đã có văn bản đề nghị kéo dài thời gian giải ngân số tiền 225,258 tỷ đồng. Cùng với đó là số tiền 247,111 tỷ đồng dự kiến thực hiện Chương trình Mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 nhưng chưa giao hết kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, bao gồm: Vốn ODA là 56,236 tỷ đồng và vốn đầu tư trong nước 190,875 tỷ đồng. Ngoài ra còn số tiền 129,999 tỷ đồng do đã giao kế hoạch đầu tư công trung hạn nhưng chưa bố trí hằng năm trong khi đã hết thời gian giao vốn và số tiền 94,797 tỷ đồng của các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương đã thanh toán cho một số nhiệm vụ (giải phóng mặt bằng, chi phí khác) chưa đúng theo quy định.

KTNN cũng kiến nghị Bộ KHĐT cần rà soát, tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ thu hồi số vốn 73,08 tỷ đồng, trong đó có hơn 71,83 tỷ đồng là số vốn đã bố trí nhưng cao hơn so với tổng mức đầu tư điều chỉnh của các dự án và 1,249 tỷ đồng là số vốn bố trí năm 2019 nhưng quá thời gian giải ngân, các địa phương không có văn bản đề nghị kéo dài thời gian giải ngân. Còn tại các dự án được kiểm toán chi tiết, KTNN đề nghị các đơn vị được kiểm toán phải xử lý khác số tiền 23,977 tỷ đồng do bản vẽ thiết kế, bản vẽ hoàn công của một số hạng mục công việc thiếu chi tiết để làm cơ sở tính toán khối lượng.

Nhiều kiến nghị xử lý tài chính, xử lý khác đã được đưa ra sau khi KTNN phát hiện hầu hết các dự án còn tính trùng, tính thừa khối lượng nhưng các chủ đầu tư chưa phát hiện điều chỉnh giảm hợp đồng và giảm trong quá trình nghiệm thu thanh toán. Chẳng hạn, qua kiểm toán đã phát hiện sai khối lượng 44,402 tỷ đồng; sai đơn giá, định mức 3,368 tỷ đồng; lập dự toán một số khoản mục chi phí thuộc hạng mục chung thiếu căn cứ, bản vẽ thi công một số gói thầu xây lắp chưa đầy đủ kích thước, hình học làm căn cứ xác định khối lượng… dẫn đến chưa đủ cơ sở xác nhận số tiền 23,977 tỷ đồng.

Nhiều nguyên nhân ảnh hưởng tới tính kinh tế, hiệu quả của Chương trình

Do việc bố trí vốn cho các dự án còn nhiều bất cập, kéo theo đó là việc quản lý, sử dụng nguồn vốn cũng chưa kinh tế, hiệu quả. Theo KTNN, minh chứng rõ nhất là không bố trí hết 89,9 tỷ đồng vốn thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn trong kế hoạch đầu tư công hằng năm; cũng như chưa kịp thời báo cáo cấp thẩm quyền điều chỉnh điều hòa đối với 71,83 tỷ đồng vốn đã bố trí nhưng không có khả năng giải ngân do thừa so với tổng mức đầu tư điều chỉnh và 539 tỷ đồng vốn đã bố trí nhưng hết thời gian giải ngân theo quy định.

KTNN kết luận, tỷ lệ giải ngân vốn thấp, đặc biệt việc bố trí và giải ngân đối với nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn khác tại một số dự án rất thấp, có tới 16 dự án có tỷ lệ giải ngân dưới 10%. Vì thế, mặc dù nguồn vốn ngân sách trung ương đã bố trí đạt rất cao (96,7%) nhưng còn nhiều mục tiêu của Chương trình chưa hoàn thành; một số nhiệm vụ vốn sự nghiệp thuộc cả Hợp phần Biến đổi khí hậu và Hợp phần Tăng trưởng xanh không thực hiện được làm giảm tính đồng bộ trong quá trình thực hiện Chương trình.

Từ những bất cập được chỉ ra, KTNN kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường (TNMT), Bộ KHĐT tăng cường kiểm tra, giám sát và làm rõ nguyên nhân đối với các dự án đầu tư chưa phù hợp với đăng ký về quy mô, mức vốn và các dự án điều chỉnh quy mô đầu tư, chậm tiến độ; yêu cầu các đơn vị sử dụng vốn của Chương trình báo cáo tình hình thực hiện làm cơ sở tổng kết đánh giá về Hợp phần, Chương trình.

Đáng chú ý, hai cơ quan này đều cần kiểm điểm đối với một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ đối với việc kết thúc năm 2020 chưa hoàn thành các mục tiêu của Chương trình/Hợp phần. Về phía Bộ TNMT, cần kiểm điểm thêm về công tác lập và hoàn thiện Chương trình trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn thiếu sót; công tác kiểm tra, giám sát của chủ Chương trình, chủ Hợp phần chưa chặt chẽ, chưa kịp thời, trong quá trình thực hiện Chương trình mới tổ chức 3 lần kiểm tra trực tiếp; định kỳ chưa tổ chức sơ kết, chưa báo cáo tình hình triển khai thực hiện Chương trình hằng năm, giữa và cuối kỳ; không thực hiện tổng hợp và xây dựng kế hoạch trung hạn và hằng năm đối với các mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình; đến thời điểm kiểm toán chưa tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Chương trình. Bộ cũng đã đề xuất phân bổ vốn kế hoạch vốn đâu tư công hằng năm không phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn đối với Dự án “Xây dựng mạng lưới giám sát biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho Việt Nam”, đồng thời điều chuyển vốn cho Dự án “Xây dựng mô hình số độ chính xác cao khu vực đồng bằng và ven biển phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng” không phù hợp với quy định. Với Bộ KHĐT, cần kiểm điểm, rút kinh nghiệm khi tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phân bổ kế hoạch vốn đầu tư công hằng năm cho Bộ TNMT chưa phù hợp với kế hoạch đầu tư công trung hạn, giao kế hoạch đầu tư công trung hạn khi dự án chưa có quy hoạch, chưa đúng đối tượng; chậm triển khai các nội dung sử dụng vốn sự nghiệp của Hợp phần Tăng trưởng xanh dẫn đến một số nhiệm vụ không được triển khai, không hoàn thành…/.

Một số chủ đầu tư đã sử dụng nguồn vốn ngân sách trung ương 94,797 tỷ đồng để thanh toán một số nhiệm vụ thuộc nguồn vốn ngân sách địa phương và vốn khác chưa đúng quy định về cơ chế quản lý nguồn vốn chương trình hỗ trợ ứng phó biến đổi khí hậu và ý kiến thẩm định nguồn vốn của Bộ KHĐT tại từng dự án.


Theo Báo Kiểm toán số 10/2024

Xem thêm »