Tập trung kiểm soát hồ sơ, bằng chứng kiểm toán

28/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Cùng với việc đổi mới hoạt động kiểm toán, các đơn vị kiểm toán ngày càng chú trọng đến công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT). Qua thực tiễn cho thấy, việc tập trung kiểm soát bằng chứng, hồ sơ kiểm toán là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo tính chính xác, hợp pháp của đánh giá, kiến nghị kiểm toán, từ đó hạn chế tối đa rủi ro cho hoạt động kiểm toán.

Chú trọng KSCLKT, gắn với việc đổi mới, nâng cao chất lượng công tác kiểm soát. Ảnh tư liệu

Chú trọng kiểm soát bằng chứng kiểm toán

Theo Vụ Chế độ và KSCLKT, thời gian qua, công tác KSCLKT luôn được Kiểm toán nhà nước (KTNN) quan tâm chú trọng với nhiều hình thức kiểm soát như: Kiểm soát trực tiếp kết hợp với kiểm soát đột xuất; việc kiểm soát được áp dụng và tăng cường trong các khâu của hoạt động kiểm toán. Từ đó góp phần hạn chế sai sót, kịp thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động kiểm toán của đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán. Tổ chức bộ máy, nhân sự thực hiện nhiệm vụ KSCLKT từng bước được kiện toàn; nhìn nhận của kiểm toán viên về vấn đề này cũng ngày càng đúng đắn hơn…

Luôn chú trọng thực hiện tốt công tác KSCLKT, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín cho biết, năm 2023, đơn vị đã thực hiện kiểm soát đột xuất đối với 5/20 tổ kiểm toán, đạt tỷ lệ 25%, vượt tỷ lệ theo nhiệm vụ trọng tâm được giao; thực hiện kiểm soát 100% hồ sơ kiểm toán. Năm 2024, đơn vị sẽ tổ chức kiểm soát 8/8 đoàn kiểm toán ngay từ khâu khảo sát, lập kế hoạch kiểm toán đến phát hành báo cáo và lưu trữ hồ sơ kiểm toán. Đơn vị sẽ chú trọng kiểm soát bằng chứng kiểm toán, cơ sở pháp lý, việc tính toán xác định số liệu xử lý tài chính và những nội dung trọng tâm, các vấn đề có ảnh hưởng nhiều đến kết quả kiểm toán…

Trong bối cảnh KTNN đã và đang thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, với nhiều loại hình, nội dung kiểm toán mới, khó nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Đảng, Nhà nước và công chúng, đòi hỏi hoạt động KSCLKT phải được tăng cường và đổi mới liên tục để nâng cao chất lượng của báo cáo kiểm toán, hạn chế tối đa rủi ro đến hoạt động kiểm toán.

Ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII

Còn theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm, đơn vị đã và đang tăng cường kiểm tra, kiểm soát hồ sơ kiểm toán, bằng chứng kiểm toán trong quá trình kiểm toán và hồ sơ đưa vào lưu trữ. Theo đó, ngay sau khi kết thúc thời gian kiểm toán theo kế hoạch, các tổ kiểm toán phải gửi hồ sơ kiểm toán về cho tổ kiểm soát thực hiện kiểm soát theo quy định; tổ kiểm soát tiếp tục thực hiện kiểm soát hồ sơ kiểm toán của đoàn kiểm toán cho đến khi trình phát hành báo cáo kiểm toán.

Từ phía KTNN khu vực VI, Kiểm toán trưởng Nguyễn Khánh Toàn chia sẻ, việc xây dựng kế hoạch KSCLKT cũng được đơn vị thực hiện ngay từ sớm; chú trọng kiểm soát đối với các cuộc kiểm toán trọng điểm, dễ phát sinh sai sót, tiêu cực, các nội dung, lĩnh vực kiểm toán mới, khó. Thông qua công tác kiểm soát, tổ kiểm soát còn đưa ra những ý kiến nhằm đảm bảo tính hợp lý, hợp lệ của chứng từ, tài liệu được cung cấp nhằm nâng cao chất lượng bằng chứng kiểm toán.

Nhấn mạnh yêu cầu quan trọng của việc kiểm soát bằng chứng kiểm toán, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải cho rằng, bằng chứng kiểm toán là yếu tố quan trọng giúp đảm bảo các đánh giá, kiến nghị kiểm toán được đưa ra xác thực và dựa trên cơ sở pháp lý. Kiểm soát tốt vấn đề này sẽ giúp giảm thiểu rủi ro cho hoạt động kiểm toán, cũng như ngăn ngừa tình trạng đơn vị được kiểm toán khiếu nại các đánh giá, kết luận kiểm toán không đủ căn cứ (theo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN)…

Chú trọng đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động kiểm soát

Cùng với việc tăng cường công tác kiểm soát thông qua việc tăng số lượng các cuộc kiểm soát, đa dạng hóa hình thức kiểm soát, KTNN cũng đặc biệt chú trọng đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác KSCLKT.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm soát, Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm cho rằng, việc đảm bảo cơ sở pháp lý về hoạt động KSCLKT và được cụ thể hóa bằng các quy định là rất quan trọng để tạo thuận lợi, minh bạch trong hoạt động kiểm soát. Tuy nhiên, do thực tiễn luôn sinh động, đòi hỏi các đơn vị cần tăng cường đổi mới phương pháp kiểm soát, thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm. Trong đó, tập trung vào kiểm soát tuân thủ; kiểm soát việc thu thập bằng chứng kiểm toán đầy đủ, thích hợp…

Có nhiều năm phụ trách tổ kiểm soát, Kiểm toán viên Phạm Văn Hùng (Trưởng phòng, KTNN khu vực V) cho biết, đội ngũ kiểm toán viên tham gia kiểm soát có ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động kiểm soát. Do đó, các đơn vị cần chú ý bổ sung nhân sự có kinh nghiệm thực tiễn và am hiểu hoạt động kiểm toán tham gia KSCLKT. Đồng thời, tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm trong KSCLKT; nhất là các lĩnh vực, nội dung kiểm toán mới như: Kiểm toán môi trường, kiểm toán hoạt động…

Tại Hội nghị giao ban toàn Ngành tháng 3/2024, các đơn vị kiểm toán cho biết, kế hoạch kiểm toán năm 2024 đã chính thức được triển khai. Theo đó, cùng với việc đổi mới hoạt động kiểm toán, tăng cường và nâng cao chất lượng công tác KSCLKT (nội bộ đơn vị và của Ngành) là giải pháp quan trọng đang được các đơn vị chú trọng thực hiện, đồng thời quán triệt đến từng bộ phận, cá nhân được giao nhiệm vụ.

Đặc biệt, năm 2024, KTNN sẽ thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và đáp ứng yêu cầu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước. Do đó, các đơn vị có liên quan phải thực hiện đồng bộ các giải pháp, coi công tác kiểm soát là công cụ hữu hiệu để phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời sai sót, tiêu cực trong hoạt động kiểm toán, góp phần vào mục tiêu chung là nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán theo đúng chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước, đó là “chất lượng, chất lượng hơn nữa”./.

Nguyễn Lộc

Xem thêm »