KTNN chuyên ngành VI: Thực hiện nghiêm túc, quán triệt phương châm “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”

14/04/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) chuyên ngành VI được thành lập theo Quyết định số 602/QĐ-KTNN ngày 02/8/2006 của Tổng Kiểm toán Nhà nước, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính, kiểm toán tuân thủ, kiểm toán hoạt động trong việc quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước của các doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ thành lập và các doanh nghiệp nhà nước do các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan khác ở trung ương là đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp (trừ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực đầu tư xây dựng cơ bản, tài chính, tín dụng, bảo hiểm, dịch vụ tư vấn tài chính - kế toán - kiểm toán do các bộ, ngành trung ương trực tiếp quản lý).

Tập thể công chức, người lao động KTNN chuyên ngành VI

Các kết luận, kiến nghị kiểm toán luôn nhận được sự đồng tình và phối hợp thực hiện của đơn vị được kiểm toán

Bám sát các nghị quyết, chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nghị quyết của Ban cán Đảng - Đảng uỷ KTNN, chỉ thị, chỉ đạo của Lãnh đạo KTNN, tập thể Lãnh đạo, công chức, kiểm toán viên KTNN chuyên ngành VI đã không ngừng nỗ lực để triển khai đồng bộ các giải pháp hữu hiệu với tinh thần trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành kế hoạch công tác hằng năm đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Theo đó, giai đoạn 2015-2019, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện thực hiện 60 cuộc kiểm toán, gồm 37 cuộc kiểm toán báo cáo tài chính, 11 cuộc kiểm toán kết quả tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa, 12 cuộc kiểm toán chuyên đề, hoạt động. Qua hoạt động kiểm toán, các đoàn kiểm toán do KTNN chuyên ngành VI thực hiện đã kiến nghị xử lý tài chính hơn 45,2 nghìn tỷ đồng.

Ngoài ra, qua kiểm toán, các đoàn kiểm toán do KTNN chuyên ngành VI chủ trì đã đưa ra có 39 kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung văn bản; 113 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cơ chế chính sách. Đặc biệt chuyển 3 bộ hồ sơ sang cơ quan cảnh sát điều tra để làm rõ một số sai phạm có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đồng thời, các đoàn kiểm toán đã có nhiều phát hiện quan trọng, chỉ ra các tồn tại, thiếu sót trong công tác quản lý để kiến nghị đơn vị được kiểm toán kịp thời chấn chỉnh nhằm nâng cao công tác quản lý, quản trị hiệu quả nguồn lực nhà nước tại doanh nghiệp.

Các kết luận, kiến nghị của KTNN chuyên ngành VI luôn đảm bảo tính phù hợp, nhận được sự đồng tình và phối hợp thực hiện của các đơn vị được kiểm toán. Do đó, tính hiệu quả, hiệu lực của việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán của KTNN chuyên ngành VI rất cao, giai đoạn 2015- 2018, tổng số thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt tỷ lệ 92,21%.

"KTNN chuyên ngành VI có đội ngũ công chức, kiểm toán viên giàu kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn, chịu khó học hỏi. Đây là tiền đề tốt để đơn vị hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhất là các cuộc kiểm toán mới, nội dung khó, chỉ ra nhiều bất cập trong cơ chế, chính sách để kiến nghị hoàn thiện và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Bên cạnh đó, đơn vị cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị trong và ngoài Ngành, tích cực tham mưu giúp lãnh đạo KTNN chuẩn bị ý kiến liên quan đến các dự án của Bộ Công Thương, giải trình kết quả kiểm toán trước Quốc hội, Chính phủ." - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Doãn Anh Thơ.
 
Giai đoạn 2020-2023, KTNN chuyên ngành VI đã thực hiện 37 cuộc kiểm toán, với tổng số kiến nghị xử lý tài chính khoảng 9 nghìn tỷ đồng; đưa ra 80 kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền về việc sửa đổi, bổ sung văn bản và hoàn thiện cơ chế chính sách. KTNN chuyên ngành VI thường xuyên rà soát các kiến nghị còn tồn đọng để kịp thời đôn đốc các đơn vị tiếp tục thực hiện. Nổi bật, các đơn vị được kiểm toán năm 2022 đã thực hiện 100% số kiến nghị xử lý tài chính đủ bằng chứng; năm 2023, tính đến tháng 9/2023, các đơn vị được kiểm toán đã thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính đạt 99,1%.

Từ nhiệm vụ được giao, KTNN chuyên ngành VI đã nghiên cứu, xây dựng kỹ lưỡng, khoa học phương án tổ chức kiểm toán, trong đó duy trì kết hợp kiểm toán toàn diện, đánh giá việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước của một số tập đoàn, tổng công ty với việc đi sâu kiểm toán một số tổng công ty lớn trực thuộc tập đoàn, thực hiện sản xuất, kinh doanh một lĩnh vực nhất định… Qua đó, năm 2021, đơn vị đã hoàn thành tốt nhiệm vụ cho ý kiến về Phương án xử lý tài chính cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam thanh toán khoản ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết bảo lãnh của Chính phủ đối với Dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; tham mưu, giúp lãnh đạo KTNN có ý kiến tham gia với Đảng, Chính phủ và các Bộ, ngành về việc xử lý 12 dự án yếu kém của ngành công thương, các đề án, phương án sắp xếp, tái cơ cấu, xử lý tài chính của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước…

Đặc biệt, năm 2022, thực hiện nhiệm vụ do KTNN phân công, KTNN chuyên ngành VI đã triển khai cuộc kiểm toán Báo cáo tài chính, các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2021 tại Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT) theo hình thức thí điểm kiểm toán từ xa. Mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng KTNN chuyên ngành VI đã phối hợp với Trung tâm Tin học và các đơn vị liên quan hoàn thành cuộc kiểm toán đúng tiến độ, chất lượng, tạo tiền đề để KTNN thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động kiểm toán.

Năm 2023, thực hiện nhiệm vụ kiểm toán việc xử lý bù giá của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam trong bao tiêu sản phẩm của Dự án liên hợp lọc hóa dầu Nghi Sơn theo Nghị quyết số 42/2021/QH15 ngày 13/11/2021 của Quốc hội do KTNN phân công, đơn vị đã tổ chức triển khai thực hiện kiểm toán kịp thời theo Quyết định kiểm toán, kế hoạch kiểm toán được phê duyệt và phát hành Báo cáo kiểm toán đúng thời hạn để phục vụ cho công tác giám sát của Quốc hội.

Trong công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý, KTNN chuyên ngành VI đã phối hợp với các đơn vị trong ngành tham gia, đóng góp nhiều ý kiến sửa đổi, bổ sung các văn bản của Chính phủ và KTNN. Ngoài ra, đơn vị cũng tích cực cử công chức tham gia xây dựng các dự án Luật như Luật về quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp sửa đổi, Tổ biên tập xây dựng Đề án sơ kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tham gia ý kiến đối với việc xử lý các vấn đề pháp lý của một số dự án chậm tiến độ, thua lỗ...
 
Bí thư Đảng ủy, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo


Thi đua gắn liền với nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động kiểm toán

Theo Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo, năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt bởi từng công chức, kiểm toán viên và toàn thể đơn vị nỗ lực phấn đấu, phát huy những kết quả đã đạt được thời gian qua, thi đua lập thành tích chào mừng 30 năm thành lập KTNN. Vì vậy, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ được giao, việc nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán, tuân thủ các quy định pháp luật không chỉ dừng lại ở phổ biến, quán triệt mà 100% công chức, kiểm toán viên phải thực hiện nghiêm túc, quán triệt phương châm “pháp luật nắm chắc, nghiệp vụ tinh thông, động cơ trong sáng”, khẳng định vai trò, vị thế của KTNN.

Để đảm bảo mục tiêu “chất lượng, chất lượng, chất lượng hơn nữa” khi tổ chức thực hiện Kế hoạch kiểm toán năm 2024, KTNN chuyên ngành VI phấn đấu hoàn thành tốt 07 cuộc kiểm toán, trong đó có 03 cuộc kiểm toán chuyên đề; nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị kiểm toán. Cùng với đó, tiếp tục tăng cường chất lượng hoạt động kiểm soát chất lượng kiểm toán trong tất cả các khâu, đặc biệt là trong giai đoạn kiểm toán để kịp thời tham gia ý kiến, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, phù hợp với tình hình thực tế của các phát hiện, ý kiến kiểm toán; thực hiện nghiêm túc việc trả lời kiến nghị, khiếu nại kiểm toán.

"Trong bối cảnh chung của nền kinh tế, các doanh nghiệp trong nước cũng gặp không ít thách thức và phải tìm kiếm nhiều giải pháp để tháo gỡ khó khăn, phục hồi sản xuất, kinh doanh. Do đó, khi thực hiện kiểm toán, kiểm toán viên vừa phải thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán, vừa phải đưa ra các khuyến nghị, tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp, bao gồm cả về thể chế, quản lý, điều hành." - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI Trần Văn Hảo.

Các Đoàn, Tổ và từng kiểm toán viên tuân thủ các quy định về chuẩn mực kiểm toán; nâng cao trách nhiệm giải trình và phòng chống tham nhũng; thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán và quản lý bằng chứng kiểm toán. Các Đoàn kiểm toán kết thúc trước ngày 31/10/2024 và phát hành báo cáo kiểm toán trước 31/12/2024; thực hiện công khai kết quả kiểm toán theo quy định của KTNN và số hóa các báo cáo kiểm toán.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán cũng như điều hành của đơn vi, nâng cao chất lượng, hiệu lực kiểm toán. Tăng cường tổ chức theo dõi, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán và tổ chức cá nhân có liên qua thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2023 và các năm trước còn tồn đọng; phối hợp với các Vụ tham mưu rà soát tài liệu cung cấp bổ sung của đơn vị để xử lý các văn bản kiến nghị về kết quả kiểm toán kịp thời, đúng quy định.

Đồng thời, KTNN chuyên ngành VI triển khai thực hiện có hiệu quả những nội dung có liên quan trong kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (giai đoạn 2021-2030). Phấn đấu đạt nhiều thành tích hưởng ứng các hoạt động, phong trào thi đua thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm ngày thành lập KTNN.
 
Năm 2024, KTNN chuyên ngành VI phấn đấu ít nhất 02 Đoàn kiểm toán được xếp loại xuất sắc, trong đó có 01 Đoàn kiểm toán được xếp loại “Cuộc kiểm toán chất lượng vàng” và 01 Đoàn kiểm toán có thành tích xuất sắc đột xuất trình Tổng KTNN tặng bằng khen; 02 Tổ kiểm toán và 03 kiểm toán viên xuất sắc tiêu biểu đề nghị Tổng KTNN tặng bằng khen đột xuất.
 Hải Ly
 

Xem thêm »