(sav.gov.vn) - Dù điều kiện kinh tế - xã hội của các tỉnh miền Tây Nam Bộ còn nhiều khó khăn, song xác định rõ tầm quan trọng của việc thực hiện kiến nghị kiểm toán, cùng với sự vào cuộc của Kiểm toán nhà nước (KTNN), các địa phương đã nỗ lực thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán với nhiều cách làm hay. Kết quả là tỷ lệ thực hiện kiến nghị kiểm toán của các địa phương luôn cao hơn mức trung bình của cả nước.
Sự đồng hành của KTNN cùng với địa phương quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, nâng tầm kiến nghị kiểm toán góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán. Ảnh minh họa: H.THÀNH
Lấy kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán làm tiêu chí thi đua
Là một trong những đơn vị chú trọng việc đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, thời gian qua, KTNN khu vực V đã phân bổ nguồn lực riêng cho công tác này. Ngay từ năm 2022, KTNN khu vực V đã chủ động rà soát, tổng hợp các kiến nghị kiểm toán từ năm 2019 trở về trước còn tồn đọng, phối hợp làm việc trực tiếp với tất cả đầu mối, đơn vị được kiểm toán của 6 tỉnh, thành phố thuộc địa bàn kiểm toán để nắm bắt nguyên nhân. Trên cơ sở đó, lãnh đạo KTNN khu vực V đã tổ chức làm việc với lãnh đạo Ủy ban nhân dân (UBND) các tỉnh, thành phố nhằm có hướng xử lý, tháo gỡ khó khăn và đề xuất biện pháp nâng cao tỷ lệ thực hiện kiến nghị của các đơn vị.
Kiểm toán trưởng KTNN khu vực V Nguyễn Đức Tín chia sẻ, những buổi làm việc trực tiếp này đã mang lại hiệu quả rõ rệt. “Điển hình là năm 2022, sau buổi làm việc trực tiếp, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện ngay kiến nghị tăng thu 138 tỷ đồng và UBND tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện xong kiến nghị tăng thu 82 tỷ đồng” - ông Nguyễn Đức Tín dẫn chứng.
Đặc biệt, xác định kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán là thước đo đánh giá hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, KTNN khu vực V đã giao nhiệm vụ cho một Phó Kiểm toán trưởng trực tiếp theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kiến nghị kiểm toán với nhiều hình thức, vừa đảm bảo phù hợp với nguồn lực của đơn vị, vừa tránh ảnh hưởng đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán.
Là một trong những địa phương có kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán đạt cao trong nhiều năm liền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi cho biết, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức thực hiện nghiêm túc các kết luận, kiến nghị của KTNN; đồng thời luôn có sự phối hợp chặt chẽ với KTNN trong quá trình triển khai thực hiện các kết luận, kiến nghị kiểm toán và kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện.
"Trên cơ sở kết luận, kiến nghị kiểm toán, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán phải tích cực hoàn thành sớm các kiến nghị (có quy định thời gian cụ thể); Thường trực HĐND tỉnh tổ chức giám sát việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán, qua đó tỷ lệ địa phương hoàn thành kiến nghị hằng năm luôn trên 85%." - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lâm Văn Bi.
Còn theo Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Kiên Giang Trần Minh Khoa, để đảm bảo thực hiện kiến nghị kiểm toán được đầy đủ, kịp thời, tỉnh coi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán là tiêu chí thi đua, tiêu chí chấm điểm cải cách hành chính đối với các đơn vị trong tỉnh. Do đó, “sau khi kết thúc cuộc kiểm tra thực hiện kiến nghị, KTNN khu vực V sớm ban hành kết luận thực hiện kiến nghị để tỉnh có cơ sở, tài liệu minh chứng cung cấp trong việc chấm điểm cải cách hành chính được chính xác hơn” - ông Khoa đề nghị.
Một trong những “bí quyết” giúp các địa phương thực hiện kết luận, kiến nghị đạt kết quả cao như vừa qua, đó là các địa phương đã gắn trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị được kiểm toán với kết quả thực hiện kiến nghị. Quyết liệt hơn, nhiều tỉnh còn xem xét giảm nguồn chi đầu tư cho địa phương chậm trễ trong thực hiện kiến nghị kiểm toán; cấm doanh nghiệp không thực hiện kiến nghị kiểm toán theo đúng quy định tham gia đấu thầu dự án trên địa bàn… “Nhờ thực hiện quyết liệt các giải pháp mà tình hình thực hiện kiến nghị trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến, với kết quả thực hiện năm sau cao hơn năm trước” - Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bạc Liêu Hồ Thị Tuyết Nhung cho biết.
Kết quả thực hiện kiến nghị về xử lý tài chính của KTNN khu vực V những năm qua đạt khá cao, như tỷ lệ thực hiện kiến nghị xử lý tài chính: Năm 2019 đạt 81%, năm 2020 đạt 96%, năm 2021 đạt 92%, năm 2022 đạt 88%. |
Quyết liệt đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc trong thực hiện kiến nghị
Mặc dù đã rất nỗ lực song trên thực tế, kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán của nhiều địa phương trong vùng vẫn chưa thể đạt mức tuyệt đối, còn nhiều kiến nghị tồn đọng kéo dài, cũng như kiến nghị về xử lý trách nhiệm chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đúng theo kiến nghị của KTNN.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Cà Mau Dương Huỳnh Khải cho biết, các kiến nghị tồn đọng trên địa bàn phần lớn là các kiến nghị xử lý liên quan đến tài chính do nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân chủ yếu là do các đơn vị được kiểm toán trong quá trình đối chiếu gặp khó khăn về tài chính, đơn vị giải thể không còn khả năng thực hiện nghĩa vụ tài chính do phát sinh trong thời gian dài. “Chúng tôi rất mong KTNN hỗ trợ, hướng dẫn địa phương xử lý đối với các kết luận, kiến nghị của KTNN khó có khả năng thực hiện, giúp các địa phương thực hiện tốt các kiến nghị của KTNN” - ông Khải đề xuất.
Chung ý kiến, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho rằng, đối với các kiến nghị tồn đọng có liên quan đến bất cập của cơ chế chính sách, KTNN cần chú trọng phát hiện, kiến nghị các cấp có thẩm quyền của các Bộ, ngành Trung ương tháo gỡ, từ đó giúp các tỉnh có cơ sở thực hiện dứt điểm các kết luận, kiến nghị và nâng cao công tác quản lý tài chính công, tài sản công trên địa bàn.
Từ góc độ đơn vị kiểm toán, Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín cho biết, rút ra bài học kinh nghiệm qua thực tiễn tổ chức theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị kiểm toán, để đạt kết quả tốt trong thực hiện kiến nghị kiểm toán, đòi hỏi phải làm tốt tất cả các khâu, từ công tác kiểm toán đến theo dõi, đôn đốc đơn vị thực hiện kiến nghị kiểm toán. “Trong năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng kết luận, kiến nghị, gắn với đầy đủ bằng chứng và tính hợp pháp, khả thi của các kiến nghị” - ông Tín nói và cho biết thêm, ngay trong quá trình thực hiện kiểm toán, các đoàn kiểm toán sẽ chú trọng trao đổi, nắm bắt tâm tư của đơn vị được kiểm toán để động viên đơn vị thực hiện ngay, kịp thời các kiến nghị kiểm toán.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ: Những ý kiến, kiến nghị của tỉnh luôn được KTNN nghiên cứu, xem xét nhằm đảm bảo tính khách quan, hợp pháp, hợp lý giữa quy định của pháp luật với quá trình quản lý, điều hành ngân sách phát sinh từ thực tiễn tại địa phương; để có kết luận kiểm toán chặt chẽ, có cơ sở khả thi”. Điều đó cho thấy, sự đồng hành của KTNN cùng với địa phương quyết tâm nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, nâng tầm kiến nghị kiểm toán, từ đó nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động kiểm toán./.
Theo Báo Kiểm toán số 21/2024