Ông Lê Hoàng Quân - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước (2008-2015).
Ông Lê Hoàng Quân - Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước; ông Nguyễn Sỹ Dũng - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và ông Lê Đình Thăng - Trưởng Ban Tuyên giáo Đảng ủy KTNN sẽ tham gia Tọa đàm.
30 năm thành lập Ngành là một dấu mốc quan trọng, là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động Kiểm toán nhà nước (KTNN) cùng nhìn lại chặng đường đã qua và tự hào về truyền thống của Ngành.
Đây cũng là dịp để các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động KTNN đúc kết các bài học kinh nghiệm, nhận diện những cơ hội, thách thức, từ đó đề xuất những giải pháp phát triển KTNN trong giai đoạn mới.
Trong khuôn khổ của Tọa đàm, bên cạnh chia sẻ, bàn luận của các diễn giả, quý khán giả sẽ có dịp hiểu thêm về KTNN qua 3 phóng sự với chủ đề: Vẹn nguyên ký ức một thời; Vững vàng vị thế tuổi 30; Niềm tin và khát vọng vươn xa.
Phóng sự: "Vẹn nguyên ký ức một thời" được bắt đầu bằng hồi ức của ông Trần Xuân Huấn - Nguyên Phó Chánh Văn phòng KTNN (1994-1995) - người trực tiếp thực hiện nhiệm vụ được Lãnh đạo KTNN giao, đó là làm thủ tục khắc dấu Quốc huy.
Từ đó, nhiều câu chuyện cũ được ôn lại, được chia sẻ với những dấu ấn không thể nào phai qua lời kể của Nguyên Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Ngọc Son – một trong những công dân đầu tiên của KTNN, của Nguyên Tổng Kiểm toán nhà nước Đỗ Bình Dương (2000-2006) và của các kiểm toán viên là sinh viên vừa tốt nghiệp đại học thuộc thế hệ đầu tiên được tuyển dụng vào làm việc tại KTNN ngay từ năm 1994.
Tất cả vẫn vẹn nguyên ký ức một thời…
Phóng sự "Vững vàng vị thế tuổi 30" gợi lại bối cảnh KTNN được thành lập với nhiều con số “Không”: chưa có tiền thân về tổ chức và hoạt động; không có khung pháp lý; không có cơ sở vật chất và hạ tầng kỹ thuật; không có nguồn nhân lực chuyên ngành…
Vượt lên gian nan, thách thức, KTNN đã từng bước nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm quốc tế để ngày càng hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động. Từ một tổ chức không có tiền thân, KTNN đã trở thành một thiết chế được Hiến định.
Từ chỉ có 60 biên chế buổi đầu thành lập, đến nay, KTNN đã có hơn 2.000 người có trình độ chuyên môn, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Đó là kết quả của sự nỗ lực phát triển tổ chức bộ máy, tuyển dụng, đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Hoạt động hợp tác quốc tế của KTNN ngày càng sâu rộng. Công tác phối hợp với Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương, đặc biệt với cơ quan dân cử cũng chặt chẽ, hiệu quả hơn.
30 năm qua, KTNN đã thực hiện 3.592 cuộc kiểm toán, trong đó có 1.703 cuộc kiểm toán ngân sách, 289 cuộc kiểm toán chuyên đề, 834 cuộc kiểm toán dự án đầu tư, 692 cuộc kiểm toán doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức tài chính – ngân hàng, 74 cuộc kiểm toán hoạt động.
Qua đó, KTNN đã phát hiện và kiến nghị xử lý hơn 738.455 tỷ đồng; kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 2.181 văn bản quy phạm pháp luật, góp phần hoàn thiện hơn cơ chế chính sách của Nhà nước...
Kết quả hoạt động của KTNN đã được ghi nhận. Nhiều kiến nghị kiểm toán là nguồn thông tin tham khảo quan trọng đối với các đại biểu dân cử, các Bộ, ngành và địa phương.
30 năm qua, kỳ vọng "KTNN lớn mạnh như Phù Đổng" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt - người có quyết định sáng suốt về việc thành lập cơ quan kiểm toán vào năm 1994 khi Thủ tướng sang thăm và làm việc với KTNN vào năm 1995 đã được các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của KTNN không ngừng nỗ lực, cố gắng, từng bước hiện thực hóa.
Qua 30 năm xây dựng và phát triển, KTNN đã tạo ra giá trị cốt lõi, đó là: Nâng cao tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, góp phần phòng, chống tham nhũng, lãng phí và tiêu cực, thực hiện sứ mệnh “Vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững”.
Viết tiếp truyền thống của Ngành, phát huy tốt hơn nữa thành quả mà các thế hệ tiền nhiệm đã dày công xây dựng, KTNN cũng đã đặt cho mình những mục tiêu cao hơn nữa cho chặng đường sắp tới.
Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 đặt mục tiêu phát triển KTNN là công cụ trọng yếu, hữu hiệu của Đảng, Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công...
Cùng với đó, Quốc hội cũng ngày càng yêu cầu cao hơn đối với hoạt động kiểm toán. Đặc biệt, bối cảnh kinh tế - xã hội và sự phát triển mạnh mẽ của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 cũng đã và đang đặt ra nhiều thách thức đối với KTNN.
Để hoàn thành mục tiêu trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030, đáp ứng kỳ vọng của Quốc hội, của nhân dân cũng như của các thế hệ đi trước, KTNN đặt ra một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp sẽ triển khai trong tương lai.
Với "Niềm tin và khát vọng vươn xa" - chủ đề của Phóng sự 3, thế hệ cán bộ, công chức, kiểm toán viên, người lao động hôm nay sẽ tiếp nối truyền thống của Ngành, cùng kề vai, sát cánh vì một tương lai tươi sáng hơn của KTNN, vì một ngày mai - một đất nước mạnh giàu.
Chúng ta tin tưởng rằng, sau 30 năm, KTNN sẽ vững vàng bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên 4.0, kỷ nguyên của hội nhập và phát triển bền vững, viết tiếp truyền thống đầy tự hào của Ngành./.
Lưu Hường