Kiểm toán điều tra giúp phát hiện và ngăn chặn gian lận

08/06/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Tại Việt Nam và nhiều nước đang phát triển trên thế giới, kiểm toán điều tra là một lĩnh vực còn khá mới mẻ. Tuy nhiên, đây được coi là một loại hình kiểm toán quan trọng vì sẽ tập trung vào việc phát hiện và ngăn chặn gian lận, đặc biệt trong bối cảnh các hành vi, vụ việc gian lận trong báo cáo tài chính ngày càng gia tăng.

Kiểm toán viên điều tra bắt buộc phải là kiểm toán viên công chứng

Vai trò của kiểm toán điều tra trong phát hiện gian lận

Kiểm toán điều tra là một cuộc kiểm tra và đánh giá thông tin tài chính của một cá nhân hoặc tổ chức để sử dụng làm bằng chứng tại Tòa án. Một cuộc kiểm toán điều tra có thể được thực hiện để truy tố một bên vì tội gian lận, biển thủ hoặc các khiếu nại tài chính khác. Kiểm toán điều tra không đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính mà dựa trên các bằng chứng tài liệu và cả bằng chứng thẩm vấn để tìm hiểu về sai sót, gian lận, từ đó đưa ra cách khắc phục và ngăn chặn các hành vi tương tự.

Các kỹ thuật được sử dụng trong kiểm toán điều tra là phân tích xu hướng trong quá khứ và kiểm tra thực chất hoặc chuyên sâu về các giao dịch. Thông thường, kiểm toán báo cáo tài chính kiểm tra các giao dịch trong kỳ kế toán cụ thể. Kiểm toán điều tra không giới hạn như vậy mà có thể kiểm tra các tài khoản ở những kỳ kế toán có liên quan. Kiểm toán viên điều tra cũng có thể kiểm tra một hệ thống tài chính của các tổ chức để xác định độ tin cậy, chính xác và đánh giá hệ thống kiểm soát nội bộ.

Một Báo cáo kiểm toán điều tra phải đáp ứng các tiêu chuẩn đầy đủ, chất lượng khi trình bày trước Tòa án. Báo cáo sẽ đưa ra một loạt ý kiến, thông tin nhất định và khách quan, là bằng chứng khi đối mặt với các thủ tục tố tụng tư pháp. Kiểm toán viên điều tra phải trả lời những câu hỏi, những yêu cầu đặc biệt để cung cấp thông tin và bằng chứng trước Tòa án, vì vậy, không có một khuôn mẫu báo cáo nhất định như kiểm toán báo cáo tài chính.

Tại các nước đã thực hiện kiểm toán điều tra, quy định bắt buộc của kiểm toán viên điều tra phải là kiểm toán viên công chứng. Bên cạnh đó, kiểm toán điều tra phải có kiến thức về luật pháp và kỹ năng điều tra, bao gồm các thủ tục Tòa án và khả năng nhận dạng tội phạm. Ví dụ tại Indonesia, các dịch vụ kiểm toán điều tra chỉ có thể được thực hiện và ký bởi một kiểm toán viên công, có chứng chỉ CPI (Điều tra viên chuyên nghiệp được chứng nhận) do Viện Kế toán viên công chứng Indonesia cấp và kiểm toán viên phải duy trì hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Chứng chỉ này nhằm đảm bảo kiểm toán viên có đầy đủ các kỹ năng, yêu cầu để thực hiện các cuộc kiểm toán điều tra phức tạp.

Vì là loại hình kiểm toán mới nên cũng chưa có một khuôn mẫu pháp lý chung cho kiểm toán điều tra và cũng chưa bắt buộc đối với tất cả các quốc gia. Hiện nay, có rất ít Cơ quan Kiểm toán tối cao (SAI) thuộc các nước phát triển thực hiện được chức năng kiểm toán điều tra. Việt Nam là một trong các quốc gia đang quan tâm đến loại hình kiểm toán mới này.

Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn cho biết, thuật ngữ kiểm toán điều tra đã được đề cập từ năm 1946 trong các diễn đàn của Tổ chức Quốc tế các Cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI). Đến nay, gần 80 năm trôi qua nhưng lĩnh vực này cũng mới dừng lại ở mức độ được tranh luận xem kiểm toán có nên thực hiện thêm chức năng điều tra không. Hiện nay, INTOSAI chưa có chuẩn mực và tài liệu hướng dẫn chính thức về kiểm toán điều tra. Có một số nước đã thực hiện kiểm toán điều tra, tuy nhiên phạm vi và cách tiếp cận có sự khác biệt, chủ yếu phụ thuộc vào thể chế của mỗi quốc gia cũng như quy định về chức năng, nhiệm vụ của mỗi SAI.
 
KTNN Việt Nam tổ chức đào tạo về kiểm toán điều tra

Kiểm toán điều tra ngày càng được các SAI quan tâm

Hoa Kỳ là một trong các quốc gia phát triển trên thế giới sớm tiến hành kiểm toán điều tra, khoảng từ những năm 1980. Văn phòng KTNN Hoa Kỳ có một bộ phận riêng biệt chịu trách nhiệm thực hiện hoạt động kiểm toán điều tra và các công việc liên quan đến thẩm tra, nghiên cứu có tên Phòng Kiểm toán điều tra và Dịch vụ pháp lý (FAIS).

Hoạt động của FAIS tập trung vào việc xác định, điều tra sai phạm, từ đó giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận, lãng phí và lạm dụng tại tất cả các cơ quan, doanh nghiệp nhà nước. Ngoài việc tiến hành các cuộc kiểm toán điều tra và đánh giá rủi ro gian lận, FAIS còn tham gia công tác điều tra, giám sát và đánh giá tình hình an ninh của các tổ chức công. FAIS cũng quản lý đường dây nóng có tên FraudNet, để công chúng góp ý, tố cáo về những trường hợp quản lý, sử dụng các nguồn lực công sai mục đích.

Để thực hiện những nhiệm vụ trên, FAIS có các chuyên gia phân tích dữ liệu, kiểm toán viên giàu kinh nghiệm về kiểm toán điều tra, các điều tra viên thực thi pháp luật, nhà nghiên cứu... Họ phối hợp chặt chẽ với nhau và sử dụng nhiều công cụ phân tích dữ liệu cũng như các phương pháp điều tra như thử nghiệm bí mật, điều tra tự thuật… để làm sáng tỏ các trường hợp nghi ngờ có gian lận.
Tại châu Âu, Malta là một trong những SAI rất có thế mạnh về kiểm toán điều tra. Nhân chuyến công tác hồi tháng 4 vừa qua, Đoàn công tác của KTNN Việt Nam do Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Nguyễn Tuấn Anh dẫn đầu đã có cơ hội học hỏi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm về kiểm toán điều tra của Malta.

Theo chia sẻ của ông Kevin Agius - Cục trưởng Cục Điều tra và Kiểm toán nội bộ Malta (IAID), IAID là cơ quan cấp bộ, trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng kiểm tra, đánh giá, thanh tra tài chính một cách độc lập đối với các cơ quan, tổ chức, góp phần cung cấp các biện pháp bảo vệ cần thiết để đảm bảo, bảo vệ lợi ích tài chính của Chính phủ. Việc thực hiện kiểm toán nội bộ và điều tra của IAID mang tính nội bộ, phục vụ cho công tác quản lý, điều hành và giám sát tài chính cho Chính phủ. Hoạt động kiểm toán điều tra sẽ thực hiện khi có yêu cầu của Chính phủ hoặc theo đơn thư tố giác, đề nghị của các cá nhân, tổ chức.

Đối với các phát hiện có dấu hiệu hình sự, IAID sẽ chuyển vụ việc sang Cơ quan công an. Do hoạt động kiểm toán nội bộ là thường xuyên nên IAID đã xây dựng chi tiết sổ tay kiểm toán để hướng dẫn kiểm toán viên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Riêng đối với hoạt động điều tra, IAID chỉ xây dựng sổ tay tổng thể và tùy thuộc vào bản chất của từng cuộc điều tra sẽ có hướng dẫn chi tiết hơn.

Tổng Kiểm toán nhà nước Malta Charles Deguaran chia sẻ: “Chúng tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải có một nhóm đa ngành tập trung có khả năng thực hiện các cuộc kiểm toán điều tra phù hợp với các chuẩn mực kiểm toán quốc tế và các thông lệ kiểm toán được chấp nhận khác dựa trên các giá trị cơ bản về tính liêm chính, chuyên nghiệp và khách quan. Trong lĩnh vực kiểm toán điều tra, nhu cầu thường xuyên thực hiện các cuộc kiểm toán dựa trên bằng chứng là điều rất quan trọng đối với Malta”.

Ông Charles Deguaran đã chia sẻ một số kinh nghiệm có thể được truyền đạt trong lĩnh vực kiểm toán điều tra với KTNN Việt Nam như tiến hành phỏng vấn đối tượng được kiểm toán, nghiên cứu các trường hợp về kiểm toán điều tra, các phương pháp hay và bài học kinh nghiệm, ưu tiên đánh giá rủi ro cũng như tăng cường cộng tác và hợp tác với các bên liên quan khác…

Hai cơ quan đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực kiểm toán điều tra mà KTNN Việt Nam đang quan tâm, trong đó tập trung vào nội dung phòng, chống tiêu cực, lãng phí. KTNN Malta cam kết chia sẻ, cung cấp cho KTNN Việt Nam một số Báo cáo kiểm toán đã thực hiện bao gồm Báo cáo kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán điều tra. Đây sẽ là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho KTNN Việt Nam, góp phần thúc đẩy hơn nữa những kết quả đạt được trong lĩnh vực kiểm toán khu vực công, cải thiện năng lực quản trị và tăng cường trách nhiệm giải trình của Chính phủ./.

Thanh Xuyên (Theo GAO, investopedia.com và tổng hợp)

Xem thêm »