05/10/2023
Xem cỡ chữ
Đọc bài viết
In trang
Khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội(sav.gov.vn) - Cùng với việc rà soát, nhận diện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN); việc đẩy mạnh thực hiện các kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ góp phần khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.Cơ chế chồng chéo, “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp
Xác định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung quan tâm chỉ đạo công tác này bằng nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các văn bản liên quan đến thể chế. Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế được đặt ra quyết liệt cả từ phía Quốc hội cũng như Chính phủ.
Qua thực tế rà soát, giám sát đã chỉ ra tình trạng, một số văn bản ban hành chậm hoặc chưa được ban hành, văn bản có nội dung chưa hợp pháp, chưa đúng thẩm quyền, hình thức, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
Đề cập đến vấn đề này, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chỉ rõ, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Điều này thể hiện ở chỗ, quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn quy chuẩn của những nước phát triển; quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều DN (như Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy). Bên cạnh đó, có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng nhưng chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực, khiến hàng hoá bị tắc nghẽn…
“Các DN đề nghị, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra DN để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật” - ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Qua hoạt động kiểm toán, thời gian qua, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có những nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Đơn cử, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây (2018-2022), KTNN đã kiến nghị xử lý khoảng 870 văn bản pháp luật, văn bản quản lý. Tuy nhiên, số lượng văn bản chưa thực hiện theo kiến nghị kiểm toán còn khá nhiều. Qua rà soát của KTNN cho thấy, đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và năm 2019 trở về trước, đến ngày 31/3/2023, số kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị.
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện cơ chế, chính sách không được thực hiện kịp thời sẽ dẫn đến tiếp tục nảy sinh những bất cập, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều này không chỉ là trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán mà còn cho thấy vấn đề về chất lượng của hệ thống pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật. “Đó cũng là trách nhiệm đặt ra đối với các cơ quan trong xây dựng pháp luật, từ Quốc hội đến Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải kịp thời rà soát, phát hiện những bất cập, tồn tại để hoàn thiện chính sách, luật pháp, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành đất nước” - ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chỉ rõ, việc phát hiện và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật nhìn chung còn thiếu kịp thời, chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất và hậu quả vi phạm, kể cả những văn bản do các Bộ, các cơ quan của Quốc hội, thanh tra, kiểm toán phát hiện ra… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc chậm hoặc ban hành văn bản sai hoặc trì trệ có tác động và hậu quả rất lớn, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và có hình thức xử lý nghiêm hơn lĩnh vực này.
Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công - tư, xã hội hóa các dịch vụ công, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp… đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, DN kiến nghị. Đồng thời, phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6…
Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 26 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, KTNN cần tổng hợp đầy đủ những kiến nghị liên quan đến kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6. Trong đó, tập trung đánh giá, làm rõ việc ban hành rất nhiều giấy phép con, các văn bản không đúng quy định pháp luật, phải dùng các văn bản hành chính để điều chỉnh các quy phạm không đúng các quy định của pháp luật; những tác động và hậu quả của việc sai phạm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, qua giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiến nghị của KTNN; nhất là những văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, gỡ bỏ các rào cản cho phát triển kinh tế - xã hội./.
Đăng Khoa
Theo Báo Kiểm toán số 40/2023
(sav.gov.vn) - Cùng với việc rà soát, nhận diện và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp (DN); việc đẩy mạnh thực hiện các kiến nghị kiểm toán của Kiểm toán nhà nước (KTNN) về hoàn thiện cơ chế, chính sách sẽ góp phần khơi thông “điểm nghẽn”, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Cơ chế chồng chéo, “giấy phép con” làm khó doanh nghiệp
Xác định việc xây dựng và hoàn thiện thể chế là một trong những khâu đột phá thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Chính phủ đã tập trung quan tâm chỉ đạo công tác này bằng nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chất lượng các văn bản liên quan đến thể chế. Đặc biệt, việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế được đặt ra quyết liệt cả từ phía Quốc hội cũng như Chính phủ.
Qua thực tế rà soát, giám sát đã chỉ ra tình trạng, một số văn bản ban hành chậm hoặc chưa được ban hành, văn bản có nội dung chưa hợp pháp, chưa đúng thẩm quyền, hình thức, chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật…
Đề cập đến vấn đề này, TS. Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, Trưởng Ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - chỉ rõ, thời gian qua nổi lên vấn đề lạm dụng ban hành Thông tư, ban hành quy chuẩn kỹ thuật. Điều này thể hiện ở chỗ, quy chuẩn của Việt Nam có yêu cầu cao hơn quy chuẩn của những nước phát triển; quy chuẩn có chi phí tuân thủ rất cao, vượt quá khả năng của nhiều DN (như Quy chuẩn 06 về phòng cháy, chữa cháy). Bên cạnh đó, có quy chuẩn ban hành xong, đến thời điểm áp dụng nhưng chưa chỉ định các phòng thử nghiệm trong nước đủ năng lực, khiến hàng hoá bị tắc nghẽn…
“Các DN đề nghị, cần tăng cường tham vấn, lấy ý kiến, đặc biệt đối với các thông tư, các quy hoạch, kế hoạch; bãi bỏ dần các quy định về thời hạn của các loại giấy phép con; áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra DN để giảm sự tuỳ tiện khi thi hành pháp luật” - ông Đậu Anh Tuấn nêu rõ.
Qua hoạt động kiểm toán, thời gian qua, KTNN cũng đã phát hiện và kiến nghị hủy bỏ, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới hàng nghìn văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý có những nội dung sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn. Đơn cử, theo thống kê trong 5 năm trở lại đây (2018-2022), KTNN đã kiến nghị xử lý khoảng 870 văn bản pháp luật, văn bản quản lý. Tuy nhiên, số lượng văn bản chưa thực hiện theo kiến nghị kiểm toán còn khá nhiều. Qua rà soát của KTNN cho thấy, đối với niên độ ngân sách nhà nước năm 2020 và năm 2019 trở về trước, đến ngày 31/3/2023, số kiến nghị về cơ chế, chính sách chưa được thực hiện là 433 kiến nghị.
Bình luận về vấn đề này, ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, những kiến nghị của KTNN về hoàn thiện cơ chế, chính sách không được thực hiện kịp thời sẽ dẫn đến tiếp tục nảy sinh những bất cập, vi phạm trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều này không chỉ là trách nhiệm của đơn vị được kiểm toán mà còn cho thấy vấn đề về chất lượng của hệ thống pháp luật và hiệu quả thực thi pháp luật. “Đó cũng là trách nhiệm đặt ra đối với các cơ quan trong xây dựng pháp luật, từ Quốc hội đến Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương phải kịp thời rà soát, phát hiện những bất cập, tồn tại để hoàn thiện chính sách, luật pháp, nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành đất nước” - ông Trần Văn Lâm nhấn mạnh.
Làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm sai phạm
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ từng chỉ rõ, việc phát hiện và xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong xây dựng, ban hành văn bản pháp luật nhìn chung còn thiếu kịp thời, chưa nghiêm, chưa tương xứng với tính chất và hậu quả vi phạm, kể cả những văn bản do các Bộ, các cơ quan của Quốc hội, thanh tra, kiểm toán phát hiện ra… Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc chậm hoặc ban hành văn bản sai hoặc trì trệ có tác động và hậu quả rất lớn, do đó, cần tiếp tục hoàn thiện các quy định và có hình thức xử lý nghiêm hơn lĩnh vực này.
Tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 về Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội giao Chính phủ tổ chức rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, trọng tâm là pháp luật về đấu thầu, đấu giá, quy hoạch, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, ngân sách nhà nước, tài chính công, hợp tác công - tư, xã hội hóa các dịch vụ công, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, trái phiếu, doanh nghiệp… đã được các đoàn kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án kiến nghị, đề xuất hoặc có nhiều vướng mắc được các địa phương, người dân, DN kiến nghị. Đồng thời, phát hiện, xác định cụ thể những quy định có mâu thuẫn, chồng chéo, sơ hở, bất cập, những vướng mắc trong các luật và văn bản dưới luật, báo cáo Quốc hội kết quả rà soát tại Kỳ họp thứ 6…
Đặc biệt, tại Phiên họp thứ 26 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu, KTNN cần tổng hợp đầy đủ những kiến nghị liên quan đến kiến nghị sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật, báo cáo Quốc hội vào Kỳ họp thứ 6. Trong đó, tập trung đánh giá, làm rõ việc ban hành rất nhiều giấy phép con, các văn bản không đúng quy định pháp luật, phải dùng các văn bản hành chính để điều chỉnh các quy phạm không đúng các quy định của pháp luật; những tác động và hậu quả của việc sai phạm trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật để đề xuất xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có sai phạm.
Theo ông Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, qua giám sát trực tiếp tại các Bộ, ngành, địa phương cho thấy tình trạng nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương chưa thực sự quyết liệt trong thực hiện hoàn thiện cơ chế, chính sách theo kiến nghị của KTNN; nhất là những văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ, ngành, địa phương. Vì vậy, cùng với sự vào cuộc giám sát của các Ủy ban của Quốc hội, sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thúc đẩy, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị trong việc hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật, gỡ bỏ các rào cản cho phát triển kinh tế - xã hội./.
Đăng Khoa
Theo Báo Kiểm toán số 40/2023