Kiểm toán nhà nước kiến nghị tăng cường giám sát và cải thiện môi trường làng nghề

18/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Qua cuộc kiểm toán công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề và làng nghề trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 – 2021, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã chỉ ra nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề, đồng thời kiến nghị chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhiều nội dung quan trọng nhằm tăng cường giám sát và cải thiện môi trường làng nghề trong thời gian tới.

Nhiều hạn chế, bất cập trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của các làng nghề đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở nông thôn theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo, tạo nguồn thu ngân sách, hạn chế di dân tự do và bảo tồn các giá trị văn hoá dân tộc. Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực đối với kinh tế - xã hội, sự phát triển của các làng nghề còn khiến mức độ ô nhiễm môi trường gia tăng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe và đời sống người dân; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của làng nghề nói riêng và của đất nước nói chung.

Nhận thức rõ quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tầm quan trọng của môi trường đối với sự phát triển bền vững, năm 2023, KTNN đã lựa chọn chủ đề kiểm toán “Công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề và làng nghề trên địa bàn thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh và huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội giai đoạn 2019 - 2021” nhằm đánh giá công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các cụm công nghiệp làng nghề và làng nghề; tác động của chất thải phát sinh từ cụm công nghiệp làng nghề và làng nghề tới môi trường.

Theo báo cáo kiểm toán, thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh đã xây dựng Đề án bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 và các chương trình, kế hoạch nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, xác định rõ nội dung, phân công trách nhiệm cụ thể và cơ chế phối hợp giữa các đơn vị có liên quan.

Về cơ bản, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề của thành phố Hà Nội và tỉnh Bắc Ninh đã có sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện và nhiều cơ chế, chính sách đã được ban hành để đẩy mạnh hoạt động bảo vệ môi trường làng nghề, cũng như hỗ trợ việc di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm trong các làng nghề vào các cụm công nghiệp làng nghề đã được đầu tư hạ tầng bảo vệ môi trường, nhằm giảm thiểu tác động xấu đến môi trường sống của cộng đồng dân cư.

Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cũng cho thấy, trong giai đoạn 2019-2021, công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề còn nhiều hạn chế, bất cập.

Cụ thể, công tác xây dựng, ban hành và cập nhật văn bản, quy định liên quan đến quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa đầy đủ, kịp thời và phù hợp. KTNN chỉ ra 27 văn bản quy phạm pháp luật và văn bản quản lý chưa được UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành hoặc chỉ đạo các Sở, ban, ngành ban hành theo thẩm quyền. Đặc biệt, thiếu quy chế phối hợp trong quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề làm cơ sở xác định trách nhiệm, vai trò chủ trì/phối hợp của từng cơ quan có liên quan dẫn đến buông lỏng quản lý, đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan quản lý nhà nước.

Bên cạnh đó, công tác tổ chức, triển khai thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý và các đề án, kế hoạch, chương trình, quy hoạch… của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề chưa đảm bảo kịp thời và hiệu quả.

Nhiều làng nghề chưa đáp ứng đủ điều kiện về bảo vệ môi trường theo quy định, như: chưa thành lập tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường, chưa có phương án bảo vệ môi trường; vẫn còn tình trạng cấp phép thành lập mới đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao tại các làng nghề được rà soát, đánh giá và phân loại là ô nhiễm môi trường và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng; nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đang hoạt động chưa lập kế hoạch bảo vệ môi trường; chưa có biện pháp xử lý đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, thủy sản trong làng nghề có sử dụng nước không đảm bảo vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người dân. Công tác di dời, chuyển đổi ngành nghề sản xuất đối với các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong các làng nghề gặp khó khăn, do các cơ sở này chủ yếu sản xuất, kinh doanh theo hộ gia đình với quy mô nhỏ và nguồn vốn thấp, không có khả năng chi trả chi phí cho việc thuê đất, xây dựng nhà xưởng trong các cụm công nghiệp…

Mặt khác, nước thải từ các cơ sở sản xuất trong các làng nghề chưa được xử lý, đặc biệt là xả vào các công trình thủy lợi dẫn đến ô nhiễm nguồn nước và một số kênh tưới tiêu không còn khả năng tiếp nhận thêm tải lượng chất ô nhiễm. Chưa kể, hầu hết các làng nghề chưa xây dựng hệ thống thu gom nước thải và hệ thống thoát nước mưa tách riêng, không có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật BVMT; chất thải rắn từ hoạt động sản xuất tập kết chung với chất thải sinh hoạt làm tăng gánh nặng ngân sách nhà nước cho việc xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và nguy hại… Thậm chí, kết quả quan trắc các chỉ tiêu về không khí cho thấy, ô nhiễm môi trường không khí tại các làng nghề chủ yếu là ô nhiễm về bụi, tiếng ồn và hàm lượng Benzen...

Ngoài ra, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường tại các làng nghề còn hạn chế; tình trạng ô nhiễm môi trường còn tồn tại nhiều năm chưa được xử lý kịp thời. UBND các cấp chưa bố trí nguồn lực đảm bảo tỷ lệ 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề; thiếu xem xét, bố trí kinh phí hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường theo quy định…

Việc thiếu nguồn vốn hỗ trợ dẫn đến hạ tầng bảo vệ môi trường và công trình xử lý ô nhiễm tại các làng nghề chưa đầy đủ hoặc xuống cấp, nhưng chưa được đầu tư xây dựng và nâng cấp, sửa chữa; máy móc, thiết bị sản xuất của các cơ sở sản xuất trong làng nghề còn lạc hậu, công nghệ sản xuất chậm được đổi mới; ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất làng nghề còn hạn chế và chưa đáp ứng yêu cầu của sản xuất, cũng như bảo vệ môi trường. Những vấn đề này là nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường (khí, bụi, tiếng ồn, nguồn nước, chất thải rắn...) ở một số làng nghề, nhất là ở các làng nghề chế biến nông sản thực phẩm, cơ kim khí, chế biến lâm sản, dệt may đã ô nhiễm đến mức nghiêm trọng.

Từng bước khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường làng nghề

Qua kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị UBND TP. Hà Nội và UBND tỉnh Bắc Ninh: Tập trung xây dựng, bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế, chính sách về quản lý, phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường; từng bước khắc phục, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; chú trọng các chính sách về ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích thúc đẩy xã hội hóa công tác bảo vệ môi trường làng nghề.

Xây dựng chiến lược phát triển làng nghề gắn với yêu cầu bảo vệ môi trường và các chương trình xây dựng nông thôn mới; bổ sung tiêu chí bảo vệ môi trường vào các tiêu chí để công nhận làng nghề; đổi mới công tác quản lý làng nghề bảo đảm hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng lộ trình chuyển đổi ngành nghề sản xuất hoặc di dời ra khỏi khu dân cư đối với cơ sở sản xuất không thuộc ngành nghề được khuyến khích phát triển và gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.

Rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở sản xuất trong làng nghề vay vốn ưu đãi để thay đổi công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường, áp dụng các giải pháp sản xuất sạch hơn, các công nghệ phù hợp để xử lý nước thải, khí thải, tiếng ồn và chất thải rắn; được hưởng các chính sách ưu đãi như: Miễn giảm tiền thuê đất, thuế sử dụng đất... khi di dời vào cụm công nghiệp làng nghề và phải tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường của cụm công nghiệp.

Tăng cường giáo dục và tuyên truyền thường xuyên, rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường; tạo cơ chế khuyến khích cộng đồng làng nghề tham gia phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý và khắc phục ô nhiễm.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục phân loại, đánh giá mức độ ô nhiễm và xây dựng kế hoạch xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề của địa phương; nghiên cứu đề xuất giải pháp và triển khai các dự án xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; nghiên cứu lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường ở những địa phương có nhiều làng nghề tập trung; giám sát chặt chẽ việc thực hiện các quy định về bảo vệ môi trường ở làng nghề.

UBND cấp huyện: Rà soát các tiêu chí bảo vệ môi trường đối với các làng nghề được công nhận; hướng dẫn các hộ/cơ sở sản xuất, kinh doanh hoàn thiện các hồ sơ bảo vệ môi trường theo quy định; xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện và tiếp tục vi phạm về bảo vệ môi trường; rà soát lại quy hoạch các cụm công nghiệp làng nghề để di dời các cơ sở gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; rà soát, tổng hợp và đề xuất giải pháp, nguồn vốn hoàn thiện hạ tầng bảo vệ môi trường trên địa bàn, trong đó lưu ý xây dựng hệ thống thu gom nước thải tách riêng với hệ thống thu gom nước mưa.

Tăng cường kiểm soát công nghệ cũ, lạc hậu; đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao công nghệ sạch, công nghệ xử lý chất thải cho các cơ sở sản xuất quy mô nhỏ theo hướng vận hành đơn giản, ổn định, tiết kiệm chi phí và xử lý ô nhiễm môi trường hiệu quả. Tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với công tác quản lý, bảo vệ môi trường tại các làng nghề và việc tuân thủ quy hoạch, xây dựng các công trình hạ tầng, nhà xưởng tại các cụm công nghiệp làng nghề theo quy định.
KTNN cũng kiến nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm phân bổ không dưới 10% tổng kinh phí sự nghiệp môi trường cho công tác bảo vệ môi trường làng nghề theo quy định tại Đề án Tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Hà Linh

Xem thêm »