(sav.gov.vn) - Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2023), Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc đã có những chia sẻ với Báo Kiểm toán về công tác đào tạo, bồi dưỡng của Kiểm toán nhà nước (KTNN) thời gian qua và những định hướng trong các năm tới.
Giám đốc Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán Trần Kim Lộc. Ảnh: THÙY LÊ
Thưa ông, nguồn nhân lực được xác định là một trong ba trụ cột chính trong Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030. Để đáp ứng yêu cầu của hoạt động kiểm toán trong bối cảnh hiện nay, KTNN đã có những kế hoạch, hành động cụ thể như thế nào về công tác đào tạo, bồi dưỡng?
Công tác đào tạo, bồi dưỡng của KTNN trong những năm gần đây, đặc biệt là trong năm 2023 có 3 điểm nổi bật: Thứ nhất, công tác rà soát, bổ sung, sửa đổi hệ thống chương trình, tài liệu đào tạo đã đảm bảo các quy định mới và bám sát thực tiễn hoạt động KTNN. Năm 2022, Trường đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị trong Ngành hoàn thành, trình Tổng Kiểm toán nhà nước 36 chương trình đào tạo, bồi dưỡng, trong đó có 31 chương trình được rà soát, sửa đổi, bổ sung và 5 chương trình đào tạo mới. Năm 2023, Trường đã triển khai xây dựng tài liệu cho các chương trình đào tạo này và đến nay, 15 tài liệu đã được rà soát, sửa đổi, đảm bảo hoàn thành ban hành trong tháng 12/2023. Với 20 bộ tài liệu còn lại, Trường sẽ chủ trì triển khai biên soạn, sửa đổi, bổ sung trong năm 2024 và 2025.
Thứ hai, công tác tổ chức các lớp đào tạo có nhiều đổi mới và điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Hiện tại, KTNN đã tổ chức 42/56 lớp đào tạo, trong đó có lớp đào tạo mới về kỹ năng mềm, nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán, kiểm toán điều tra, kiểm toán trách nhiệm kinh tế của người đứng đầu. Mặc dù số lượng lớp học tăng cao nhưng công tác tổ chức đào tạo ngày càng chuyên nghiệp, bài bản. Đặc biệt, Trường đã phối hợp tổ chức một số cuộc tọa đàm chia sẻ kinh nghiệm về các lĩnh vực được KTNN quan tâm như: Kiểm toán chuyên đề đất đai, môi trường, báo cáo quyết toán ngân sách địa phương, kiểm toán đơn vị sự nghiệp công lập…
Thứ ba, năm 2023, KTNN đã tổ chức đánh giá việc cập nhật kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán cho hơn 500 kiểm toán viên (KTV). Đây là ý tưởng mới được KTNN chuẩn bị chu đáo từ năm 2022, định hướng hằng năm, KTNN sẽ tổ chức đánh giá việc cập nhật kiến thức của 30% KTV; cứ 3 năm/lần, toàn bộ KTV sẽ được đánh giá việc cập nhật kiến thức chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán.
Thực tế cho thấy, công tác đào tạo, bồi dưỡng không chỉ là nhiệm vụ riêng của Trường mà có sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị trong Ngành. Không phải ngẫu nhiên mà cả 32 đơn vị trong Ngành cùng đặc biệt quan tâm đến việc cập nhật kiến thức, điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có sự tự giác trau dồi kiến thức của KTV. Đây là dấu hiệu rất tốt về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của KTNN.
Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 của KTNN đã được ban hành, vậy trong thời gian tới, KTNN có sự đổi mới như thế nào và trọng tâm của công tác đào tạo, bồi dưỡng là gì, thưa ông?
Ngày 02/11/2023, Tổng Kiểm toán nhà nước đã ban hành Quyết định số 1356-QĐ/KTNN phê duyệt Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng năm 2024 với rất nhiều điểm mới. Theo đó, chủ trương của Ban cán sự đảng, lãnh đạo KTNN là tập trung đào tạo, cập nhật kiến thức về pháp luật, chuyên môn, kỹ năng mềm cho KTV theo phương châm “chất lượng, chất lượng và chất lượng hơn nữa”.
Dự kiến, năm 2024, số lượng lớp đào tạo sẽ tăng đột biến lên thành khoảng 80 lớp (các năm chỉ tổ chức từ 35-50 lớp). Bên cạnh các lớp đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ, cập nhật các văn bản pháp luật, KTNN sẽ tiếp tục tổ chức đào tạo về kỹ năng kiểm toán điều tra, nắm bắt tâm lý đối tượng kiểm toán... và đào tạo mới kỹ năng quản lý kiểm soát cảm xúc.
Ngoài ra, KTNN sẽ phân cấp đào tạo cho 32 đơn vị trong Ngành. Tôi nghĩ rằng, kế hoạch đào tạo chung của toàn Ngành kết hợp với kế hoạch đào tạo của các đơn vị sẽ giúp công tác đào tạo của KTNN đi vào thực chất, hiệu quả hơn.
Với một khối lượng lớn nhiệm vụ được giao trong thời gian tới, Trường đã có sự chuẩn bị như thế nào để triển khai kế hoạch đào tạo năm 2024, thưa ông?
Thực tế hiện nay, các giảng viên của Trường chỉ đóng góp một phần nhỏ số giờ giảng, còn khoảng 90% số giờ giảng là do các giảng viên kiêm chức và chuyên gia ngoài Ngành thực hiện. Thêm vào đó, số lớp học do Trường tổ chức bên ngoài trụ sở KTNN cũng khá nhiều do cơ sở vật chất của Trường chưa đáp ứng đủ. Đây là những thách thức lớn với Trường.
Trường đang tích cực triển khai một số nhiệm vụ chính. Một là, rà soát danh mục giảng viên kiêm chức và trong tháng 11/2023 sẽ trình Tổng Kiểm toán nhà nước danh sách này. Dự kiến, sẽ có 80 giảng viên kiêm chức trong Ngành tham gia giảng dạy, tăng khoảng 20 giảng viên so với năm 2023. Hai là, Trường đang phối hợp với các đơn vị để kết nối với các Bộ, ngành, trường đại học, mời giảng viên giảng dạy cho KTNN. Ba là, Trường đã được lãnh đạo KTNN đồng ý chủ trương kết hợp với Vietcombank tổ chức một số lớp đào tạo. Trong tháng 12 này, Trường sẽ thí điểm mở lớp đào tạo đầu tiên tại cơ sở của Vietcombank, từ đó kết nối và lên kế hoạch chi tiết mở thêm nhiều lớp khác.
Từ những yêu cầu mới, ông có đề xuất gì với lãnh đạo KTNN, các đơn vị trực thuộc để nâng cao hơn nữa chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Ngành, thưa ông?
Với một kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng có nhiều điểm mới, đòi hỏi cao về cả số lượng và chất lượng, tôi mong rằng lãnh đạo KTNN sẽ sớm thống nhất chủ trương trong toàn Ngành để các đơn vị có kế hoạch, phối hợp với Trường trong công tác đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức. Cùng với đó, Trường rất mong các đơn vị tạo điều kiện, động viên các KTV có năng lực, kinh nghiệm tham gia vào công tác đào tạo, bồi dưỡng; hỗ trợ Trường trong việc sắp xếp thời gian, phòng học, cơ sở vật chất phục vụ công tác đào tạo và thi cập nhật kiến thức. Đặc biệt, KTNN cần tăng cường việc ghi nhận, biểu dương những đóng góp của đội ngũ lãnh đạo, KTV là giảng viên kiêm chức của Ngành. Về phía Trường, tôi mong rằng tập thể Trường sẽ tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, chung sức, đồng lòng quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao.
Xin trân trọng cảm ơn ông!./.
Nhân dịp kỷ niệm 41 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi gửi lời cảm ơn sâu sắc đến tất cả các giảng viên trong và ngoài Ngành đã đồng hành, hỗ trợ Trường thời gian qua. Thay mặt Trường, tôi gửi lời tri ân sâu sắc đến các thế hệ lãnh đạo KTNN, các đơn vị trực thuộc và đặc biệt là đội ngũ giảng viên kiêm chức luôn dành sự quan tâm sâu sắc và ghi nhận sự đóng góp của Trường đối với sự nghiệp phát triển của KTNN. Nhân dịp này, tôi cũng gửi lời cảm ơn, lời chúc tốt đẹp nhất đến toàn thể cán bộ, giảng viên, nhân viên của Trường qua các thời kỳ! |
Theo Báo Kiểm toán số 46/2023