Thông qua hoạt động kiểm toán, các đơn vị của Kiểm toán nhà nước (KTNN) chỉ rõ, cùng với vấn đề rất nóng hiện nay là việc thực hiện các quy định trồng rừng thay thế còn nhiều bất cập, thực tế cũng cho thấy đang tồn tại không ít những thiếu sót, hạn chế khác liên quan đến việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022.
Nhiều bất cập tại các địa phương
Trong giai đoạn 2020-2022, tại 4 địa phương được KTNN khu vực VI kiểm toán đều đã thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng cấp tỉnh (trừ tỉnh Hải Dương chưa thành lập, giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các nhiệm vụ của Quỹ) để thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng…
Ông Lưu Văn Sáng - KTNN khu vực VI - cho biết, qua kiểm toán, đơn vị đã phát hiện từ khi thành lập Quỹ đến ngày 31/3/2023, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng đã phê duyệt phương án thu tiền trồng rừng thay thế để chuyển đổi 5.278,8ha rừng sang mục đích khác, diện tích rừng phải trồng thay thế 5.607,54ha, diện tích rừng đã trồng thay thế 3.341,64ha (bằng 60% so với diện tích phải trồng); diện tích còn phải trồng là 2.430,46ha.
Theo ông Cù Huy Đức - KTNN khu vực VII, đơn vị đã chỉ ra nhiều vấn đề bất cập cần lưu ý. Đó là đơn giá dịch vụ môi trường rừng hiện có sự chênh lệch lớn ở lưu vực các nhà máy thủy điện có cùng điều kiện như nhau (chẳng hạn tại tỉnh Sơn La, đơn giá bình quân dịch vụ môi trường rừng đối với lưu vực sông Đà năm 2022 là 406.952 đồng/ha, năm 2021 là 336.598 đồng/ha, năm 2020 là 491.373 đồng/ha. Tuy nhiên, đối với lưu vực Sông Mã năm 2022 chỉ là 235.776 đồng/ha, năm 2021 là 150.858 đồng/ha, năm 2020 là 298.682 đồng/ha).
Về tình hình thu - chi Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2022 tại Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và TP. Hải Phòng, tính đến ngày 31/3/2023, tổng số thu là 541 tỷ đồng (trong đó thu tiền trồng rừng thay thế 491,8 tỷ đồng); số đã chi 106,9 tỷ đồng (trong đó chi trồng rừng thay thế 86,9 tỷ đồng); số dư cuối kỳ 517,9 tỷ đồng (trong đó số thu tiền trồng rừng thay thế đã quá thời hạn 12 tháng kể từ ngày chủ dự án nộp tiền nhưng địa phương không bố trí được hoặc chưa bố trí đủ diện tích đất trồng rừng thay thế 275,3 tỷ đồng phải nộp về Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Việt Nam).
Định mức chi trả khoán bảo vệ rừng cũng rất khác nhau, nơi cao, nơi thấp nên các hộ nhận khoán có sự so sánh về quyền lợi. Tại tỉnh Sơn La, đối với xã Xím Vàng, huyện Bắc Yên, đơn giá giao khoán bảo vệ rừng tại Bản Của Mang là 853.076 đồng/ha nhưng tại Bản Pá Ổng A, Bản Pá Ổng B chỉ là 253.076 đồng/ha. Đối với xã Hang Chú, huyện Bắc Yên, đơn giá giao khoán bảo vệ rừng tại Bản Phình Hồ là 1.434.751 đồng/ha, Bản Hang Chú là 1.254.176 đồng/ha, Bản Nậm Lộng là 1.336.392 đồng/ha nhưng tại Bản Suối Lềnh, Bản Pá Hốc chỉ là 253.076 đồng/ha.
KTNN khu vực VII nêu rõ, việc chi trả còn có sự chênh lệch, thực tế tại các bản có rất nhiều hộ cùng tham gia bảo vệ rừng nhưng đến khi chi trả lại chỉ có một số hộ nhận được. Vì thế, vấn đề phân chia tiền chi trả cho cộng đồng, thôn, bản dân tộc thiểu số cần có những giải pháp thiết thực để đảm bảo sự công bằng, thỏa đáng cho số đông người dân.
Sửa đổi, bổ sung các văn bản quản lý chặt chẽ, cụ thể hơn
Một vấn đề khác liên quan đến thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng được KTNN khu vực VII nêu rõ là mức thu phí dịch vụ môi trường rừng với một số loại hình sử dụng dịch vụ môi trường rừng còn ở mức khá thấp nên mức chi trả cho bên cung cấp dịch vụ chưa thỏa đáng. Như mức thu tiền dịch vụ môi trường rừng đối với các nhà máy thủy điện - đây là loại hình chiếm đa số trong sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng mức thu hiện tại chỉ là 36 đồng/KWh. Từ đây, mức chi trả cho các cộng đồng dân cư, hộ nhận khoán không thỏa đáng, khó để họ duy trì cuộc sống và tích cực tham gia bảo vệ, phát triển rừng.
Còn theo KTNN khu vực XII, tại các địa phương được kiểm toán, một số Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng đã tham mưu Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các diện tích có đơn giá lớn hơn 600.000 đồng/ha để bổ sung cho các đối tượng nhận khoán bảo vệ rừng thuộc lưu vực có đơn giá chi trả thấp hơn là chưa phù hợp quy định. Một số Quỹ chưa thực hiện điều tiết tiền dịch vụ môi trường rừng của các chủ rừng được thanh toán lớn hơn 2 lần mức hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho khoán bảo vệ rừng theo quy định. Các Quỹ Bảo vệ và Phát triển triển rừng cho một số chủ rừng tạm ứng tiền dịch vụ môi trường rừng về số lần và tỷ lệ tạm ứng trong năm chưa phù hợp với quy định của UBND tỉnh… Một số chủ rừng có thực hiện giao khoán quản lý, bảo vệ rừng nhưng chưa hoặc chậm nộp Báo cáo quyết toán kinh phí chi trả Dịch vụ môi trường rừng cho Quỹ.
Các đơn vị kiểm toán nhận định rằng, việc ban hành Luật Lâm nghiệp năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành làm cơ sở để các địa phương thành lập Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng, giúp cho các địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng, tiền trồng rừng thay thế và các nguồn tài chính hợp pháp khác phục vụ bảo vệ và phát triển rừng, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn các địa phương. Tuy nhiên, kết quả kiểm toán cho thấy, tại các địa phương còn hạn chế nhất định trong công tác ban hành văn bản; công tác quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng; công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng; công tác thu, chi tiền dịch vụ môi trường rừng; các quy định về cơ chế chính sách, các văn bản quản lý khi áp dụng vào thực tế tại các địa phương còn bộc lộ những bất cập dẫn đến các địa phương khó khăn khi thực hiện. Do đó, kiến nghị được KTNN đưa ra là các Bộ, ngành, cơ quan có thẩm quyền cần báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội xem xét xử lý, bổ sung các quy định, ban hành các văn bản quản lý theo hướng chặt chẽ hơn, cụ thể hơn.
Từ thực tiễn, đại diện KTNN khu vực XII nêu rõ, để khắc phục những hạn chế, tồn tại nêu trên, ngoài việc các Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng và các đơn vị có liên quan phải chấn chỉnh công tác theo kiến nghị của KTNN thì UBND các tỉnh cần rà soát lại các quy định chưa phù hợp trong việc quản lý, sử dụng tiền dịch vụ môi trường rừng. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tham mưu Chính phủ quy định biện pháp chế tài đối với hành vi chậm nộp tiền trồng rừng thay thế. Song song với việc kiểm điểm xử lý trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc sử dụng lãng phí, sai quy định tiền dịch vụ môi trường rừng thì cần thiết phải có giải pháp để đôn đốc các tổ chức sử dụng dịch vụ môi trường rừng nhưng chưa nộp tiền dịch vụ môi trường rừng theo quy định./.
Theo Báo Kiểm toán số 49/2023