Chú trọng kiểm soát để phòng ngừa rủi ro, nâng cao chất lượng kiểm toán

28/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Trong bối cảnh yêu cầu về chất lượng đối với hoạt động kiểm toán ngày càng cao, việc đẩy mạnh thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán (KSCLKT), nhất là kiểm soát từ nội bộ đơn vị chính là giải pháp quan trọng hàng đầu được các đơn vị kiểm toán chú trọng thực hiện nhằm đảm bảo phòng ngừa rủi ro, sai sót có thể xảy ra đối với hoạt động kiểm toán.

Kiểm toán viên Nguyễn Anh Tuấn (KTNN khu vực VII) kiểm soát hoạt động của tổ kiểm toán tại hiện trường. Ảnh: N.LỘC

100% cuộc kiểm toán được kiểm soát trực tiếp

Chú trọng kiểm soát từ sớm, từ xa tại chính đơn vị kiểm toán, qua đó để nâng cao ý thức, trách nhiệm và phát huy tính chủ động của mỗi kiểm toán viên trong thực hiện nhiệm vụ là cách làm đang được các đơn vị kiểm toán triển khai.

Theo Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín, tại KTNN khu vực V, 100% cuộc kiểm toán được kiểm soát theo Quy chế KSCLKT của KTNN. Đơn vị đã cân đối kế hoạch công tác để bố trí kiểm toán viên có kinh nghiệm, năng lực tham gia KSCLKT. Cụ thể, đơn vị đã thành lập 7 Tổ KSCLKT trực tiếp đối với 7 Đoàn kiểm toán, ngoài ra thành lập 3 Tổ KSCLKT đột xuất để kiểm soát 3 đoàn kiểm toán.

Trong quá trình tổ chức kiểm soát, các tổ kiểm soát đã tăng cường công tác rà soát, kiểm soát bằng chứng kiểm toán, cơ sở pháp lý của các kiến nghị kiểm toán; chú trọng kiểm soát, thẩm định các nội dung chưa thống nhất giữa Đoàn kiểm toán với đơn vị và trong nội bộ Đoàn kiểm toán. “Qua công tác KSCLKT đã phát hiện, chấn chỉnh kịp thời một số tồn tại, hạn chế trong công tác lập, phê duyệt điều chỉnh kế hoạch kiểm toán chi tiết; việc ghi nhật ký kiểm toán…” - Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín cho biết.

Trực tiếp chỉ đạo cuộc kiểm toán được đề xuất xét "chất lượng Vàng": chuyên đề Việc quản lý, sử dụng Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng giai đoạn 2020-2023 tại các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang và Hải Phòng, Phó Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VI Nguyễn Thị Thắng cho biết, kết quả này có được một phần quan trọng là nhờ đơn vị đã thực hiện tốt công tác KSCLKT. “Qua kiểm soát, các bên cùng trao đổi trên tinh thần thẳng thắn với mục tiêu chung là đưa ra đánh giá xác đáng, đủ bằng chứng và thuyết phục trong báo cáo kiểm toán” - bà Thắng cho biết.

"Việc tổ chức thực hiện kết hợp kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất đã góp phần hạn chế những sai sót, kịp thời khắc phục tồn tại trong hoạt động kiểm toán của Đoàn kiểm toán, từ đó góp phần nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán của KTNN." - Ông Ngô Minh Kiểm - Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII

Từ thực tiễn tham gia KSCLKT tại Đoàn kiểm toán Đề án ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng tái định cư Thủy điện Sơn La tại tỉnh Sơn La, Kiểm toán viên Nguyễn Anh Tuấn (Phó Trưởng phòng, KTNN khu vực VII) cho biết, đối với các hình thức kiểm soát trực tiếp, tổ kiểm soát dành thời gian kiểm soát tập trung vào những nội dung như: Tuân thủ quy trình, thủ tục kiểm toán; thực hiện các trọng yếu kiểm toán; tính đầy đủ, thích hợp của bằng chứng kiểm toán; các vấn đề chưa thống nhất giữa Đoàn kiểm toán và đơn vị được kiểm toán. “Thông qua kiểm soát đã giúp cung cấp thêm cho Đoàn kiểm toán những góc nhìn nhiều chiều, đảm bảo các đánh giá kiểm toán phải xác đáng, đủ căn cứ, có tính thuyết phục cao” - Kiểm toán viên Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Chú trọng kiểm soát đột xuất, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm

Công tác KSCLKT - với vai trò là công cụ để kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn, phòng ngừa rủi ro, sai sót trong hoạt động kiểm toán tiếp tục được các đơn vị kiểm toán chú trọng đổi mới để nâng cao hơn nữa hiệu quả kiểm soát.

Theo Kiểm toán trưởng KTNN khu vực VII Ngô Minh Kiểm, trong bối cảnh KTNN tiếp tục được Quốc hội giao thực hiện nhiều nhiệm vụ kiểm toán quan trọng, với những yêu cầu ngày càng cao đòi hỏi hoạt động KSCLKT cần được đổi mới liên tục để nâng cao khả năng phòng ngừa, từ đó giảm thiểu rủi ro và nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán. Mục tiêu là nhằm đảm bảo việc tuân thủ pháp luật và các quy định của KTNN một cách thống nhất trong quá trình tổ chức, thực hiện kiểm toán; phát hiện và xử lý kịp thời các sai phạm, hạn chế trong tổ chức kiểm toán, tránh gây ảnh hưởng đến hình ảnh KTNN.

Theo đó, KTNN khu vực VII tổ chức KSCLKT các đoàn kiểm toán theo hình thức kết hợp giữa kiểm soát trực tiếp và kiểm soát đột xuất, thông qua đó đã giúp Kiểm toán trưởng có những ý kiến chỉ đạo kịp thời đối với Đoàn kiểm toán, tổ kiểm toán trong việc rà soát nội dung thực hiện kiểm toán; đồng thời giúp cho kiểm toán viên đảm bảo thực hiện đúng theo quy trình kiểm toán và đạo đức nghề nghiệp.

Đây cũng là ý kiến chung được nhiều đơn vị kiểm toán chia sẻ. Các ý kiến cũng cho rằng, đơn vị kiểm toán cần tranh thủ quan hệ phối hợp với địa phương, đơn vị tại địa bàn kiểm toán để thực hiện giám sát hoạt động của Đoàn kiểm toán, qua đó kịp thời lưu ý, chấn chỉnh vi phạm của kiểm toán viên theo đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Kiểm toán nhà nước.

Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín cho biết, năm 2023, đơn vị đã thực hiện kiểm soát đột xuất đối với 5/20 tổ kiểm toán, đạt 25% (vượt tỷ lệ theo yêu cầu của Ngành); thực hiện kiểm soát 100% hồ sơ kiểm toán của các tổ kiểm toán trước khi xét duyệt dự thảo báo cáo kiểm toán để đảm bảo 100% kiến nghị kiểm toán có bằng chứng kiểm toán và cơ sở pháp lý vững chắc.

Từ kinh nghiệm tổ chức công tác kiểm soát, Kiểm toán trưởng Nguyễn Đức Tín cho rằng, các tổ kiểm soát cần đổi mới phương pháp kiểm soát, thực hiện kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm, trong đó tập trung vào kiểm soát tuân thủ, quy trình, quy chế, hồ sơ mẫu biểu; kiểm soát việc thu thập bằng chứng kiểm toán. Trong quá trình tổ chức kiểm soát cần tránh gây ảnh hưởng đến đơn vị được kiểm toán…

Xác định công tác kiểm soát đột xuất đóng vai trò rất quan trọng, KTNN chuyên ngành III cho biết, năm 2024, đơn vị sẽ tiếp tục chú trọng vào công tác kiểm soát, đặc biệt là kiểm soát đột xuất của đơn vị, song song với kế hoạch kiểm soát của Ngành. Việc triển khai kế hoạch kiểm soát của đơn vị sẽ được công khai ngay từ đầu năm để các bộ phận, cá nhân nắm rõ và chuẩn bị tốt các nguồn lực thực hiện. Thông qua kiểm soát nhằm góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của kiểm toán viên trong thực hiện kiểm toán, đảm bảo tuân thủ đạo đức nghề nghiệp và các quy tắc nghề nghiệp của KTNN./.

Theo Báo Kiểm toán số 52/2023

Xem thêm »