Xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Nhà nước

14/03/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Sau gần 30 năm xây dựng và phát triển, hệ thống pháp luật về Kiểm toán nhà nước (KTNN) không ngừng được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để KTNN ngày càng phát huy vai trò, trách nhiệm, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả kiểm toán, đáp ứng yêu cầu kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Quốc hội thông qua Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước năm 2015.

Luật Kiểm toán nhà nước - bước tiến lớn trong hoàn thiện pháp luật về KTNN

KTNN Việt Nam ra đời và hoạt động trên cơ sở Nghị định số 70/CP ngày 11/7/1994 của Chính phủ về việc thành lập cơ quan KTNN và Quyết định số 61/TTg ngày 24/01/1995 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của KTNN. Ngày 13/8/2003 Chính phủ ban hành Nghị định số 93/2003/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của KTNN.

Đây là những căn cứ pháp lý đầu tiên có giá trị như “tuyên ngôn khai sinh” KTNN với chức năng ban đầu là kiểm tra, xác nhận tính đúng đắn, hợp pháp của tài liệu và số liệu kế toán, báo cáo quyết toán của các cơ quan, đơn vị kinh tế nhà nước, các đoàn thể, tổ chức xã hội có sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước (NSNN) cấp.

Đặc biệt, ngày 14/6/2005, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XI đã thông qua Luật KTNN. Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2006 đã đánh dấu bước tiến lớn trong hoàn thiện pháp luật về KTNN. Nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của sự kiện này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (lúc đó đang là Phó Tổng Kiểm toán nhà nước) khẳng định: Luật KTNN đánh dấu một bước phát triển mới của KTNN trong điều kiện phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng của nền kinh tế nước ta với thế giới. Luật được xây dựng trên cơ sở tổng kết thực tiễn 10 năm hoạt động của KTNN, phù hợp hệ thống pháp luật hiện hành của Việt Nam, quán triệt và thể chế hoá đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển KTNN, tham khảo có chọn lọc tuyên bố LIMA về kiểm tra tài chính của tổ chức quốc tế các cơ quan kiểm toán tối cao (INTOSAI), thông lệ quốc tế và kinh nghiệm của các nước trên thế giới.

Luật KTNN ra đời thể hiện quyết tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc lập lại kỷ cương quản lý tài chính, ngân sách phù hợp với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí nguồn lực công. Luật đã khẳng định địa vị pháp lý tương xứng của KTNN: "KTNN là cơ quan chuyên môn về kiểm tra tài chính nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật". Đây là quy định có ý nghĩa quan trọng nhằm xác định chức năng nhiệm vụ cũng như các quy định liên quan đến tổ chức và hoạt động của KTNN, phục vụ việc kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước; góp phần thực hành tiết kiệm, chống tham nhũng, thất thoát, lãng phí, phát hiện và ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật; nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước.

Nâng tầm vị thế, khẳng định vai trò của Kiểm toán nhà nước

Trước yêu cầu khách quan là phải nâng cao vị trí, vai trò, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN, thể chế hóa quan điểm của Đảng về việc nghiên cứu, bổ sung một số thiết chế độc lập như cơ quan Kiểm toán nhà nước vào Hiến pháp, ngày 28/11/2013, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Hiến pháp năm 2013, trong đó đã quy định địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước tại Điều 118. Đây là sự kiện chính trị - pháp lý trọng đại trong quá trình xây dựng và phát triển KTNN.

Lần đầu tiên, địa vị pháp lý của KTNN và Tổng Kiểm toán nhà nước được quy định trong Hiến pháp - đạo luật cơ bản của Nhà nước, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của KTNN và là một mốc lịch sử trong quá trình xây dựng và phát triển của KTNN. “Sự kiện này đã nâng tầm KTNN từ cơ quan do “luật định” thành “hiến định”, khẳng định và nâng cao vị thế, vai trò, trách nhiệm của KTNN trong kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công” - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Đặng Văn Hải nhấn mạnh.

Trên cơ sở đó, ngày 24/6/2015, Quốc hội đã thông qua Luật KTNN, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016 và  ngày 26/11/2019, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN (có hiệu lực từ ngày 01/7/2020). Luật đã cụ thể hóa quy định tại Điều 118 Hiến pháp. Theo đó, Luật KTNN đã quy định nhiều nội dung mới như: Đối tượng kiểm toán của KTNN; chức năng của KTNN; nguyên tắc hoạt động của KTNN; nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN; thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định Luật Phòng, chống tham nhũng; quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN…. Qua đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN; bảo đảm thiết chế KTNN có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu phục vụ kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; góp phần tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước.

Để triển khai thi hành Luật KTNN, KTNN đã phối hợp tích cực với các cơ quan của Chính phủ và Quốc hội xây dựng trình các cơ quan có thẩm quyền kịp thời ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật. Đến nay, 01 Pháp lệnh, 02 Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 01 Nghị định của Chính phủ, 01 Thông tư đang còn hiệu lực. 

Mới đây nhất, ngày 28/02/2023, tại Phiên họp thứ 20, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV đã thông qua Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN. Qua đó, đã tạo cơ sở pháp lý cho việc xử phạt các hành vi vi phạm pháp luật về KTNN nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí thông qua hoạt động kiểm toán.

Trên cơ sở quy định của Hiến pháp, Luật KTNN, để hoàn thiện cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của KTNN, hàng năm, Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và Chương trình xây dựng văn bản quản lý của KTNN. Nhiều văn bản quản lý đã được Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành như: Hệ thống Chuẩn mực kiểm toán; Quy trình kiểm toán của KTNN, Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN, Quy trình kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, Quy định về giải quyết khiếu nại, kiến nghị, khởi kiện trong hoạt động kiểm toán… Đây là cơ sở, nền tảng cho tổ chức và hoạt động kiểm toán; đồng thời góp phần tích cực trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của Ngành theo hướng minh bạch, công khai, chuyên nghiệp…

Đáng chú ý, cùng với Luật KTNN, thời gian qua, Quốc hội đã ban hành các Luật như: Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý và sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công… đã quy định nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của KTNN trong hệ thống các cơ quan kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước; đảm bảo các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực KTNN được thực hiện một cách đồng bộ, thống nhất.
 

KTNN tổ chức Hội nghị tuyên truyền về Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực KTNN

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật của KTNN, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới

Trong bối cảnh KTNN được giao nhiều nhiệm vụ nặng nề với những yêu cầu ngày càng cao, nhằm phát huy đầy đủ hiệu lực, hiệu quả hoạt động của KTNN; phát triển KTNN thành công cụ hữu hiệu của Đảng và Nhà nước trong kiểm tra, kiểm soát việc quản lý và sử dụng ngân sách, tiền và tài sản nhà nước… việc hoàn thiện hệ thống pháp luật về KTNN trong thời gian tới cần tiếp tục được quan tâm trên cơ sở thể chế hóa đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về phát triển KTNN; bảo đảm tính độc lập cao đối với hoạt động KTNN; hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN bảo đảm tương xứng vị trí, vai trò của KTNN với tư cách là cơ quan kiểm tra tài chính công cao nhất của Nhà nước do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật…

Trong đó, cần hoàn thiện địa vị pháp lý của KTNN trong Hiến pháp vào thời điểm thích hợp theo hướng bổ sung quy định KTNN là cơ quan kiểm toán tối cao việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công để đảm bảo phù hợp với nguyên tắc và thông lệ quốc tế.

Đồng thời, sửa đổi, bổ sung Luật Kiểm toán nhà nước để tiếp tục hoàn thiện về đối tượng được kiểm toán, giá trị pháp lý của báo cáo kiểm toán, về chức năng, nhiệm vụ của KTNN, về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Tổng Kiểm toán nhà nước; bổ sung thẩm quyền của Kiểm toán viên nhà nước trong việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn việc tẩu tán tài sản khi phát hiện có dấu hiệu tội phạm tham nhũng, kinh tế; bổ sung thực hiện kiểm toán trách nhiệm kinh tế, kiểm toán điều tra... để phù hợp với vai trò và trách nhiệm của KTNN trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí...

Với tinh thần đó, Lãnh đạo KTNN đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trực thuộc KTNN tổ chức nghiên cứu, rà soát và đề xuất các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật KTNN. Trong đó, trên cơ sở quy định hiện hành và từ thực tiễn thực hiện Luật KTNN năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019), các đơn vị tập trung đánh giá kết quả đạt được sau khi có Luật KTNN năm 2015 trên góc độ về việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; đặc biệt là việc chấp hành pháp luật và hiệu quả trong việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị.

Đồng thời, các đơn vị cần đánh giá những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thi hành Luật và nguyên nhân khách quan, chủ quan; rà soát, đánh giá những quy định còn chưa thống nhất, chưa đồng bộ, chồng chéo giữa Luật KTNN với Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Thanh tra, Luật Quản lý thuế, Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Đầu tư công, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư công theo phương thức đối tác công tư… từ đó đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Việc hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ và toàn diện sẽ góp phần xây dựng KTNN trở thành cơ quan kiểm tra tài chính nhà nước có uy tín và có trách nhiệm đáp ứng lòng mong đợi của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần làm minh bạch và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng, đẩy mạnh phát triển kinh tế, xã hội.

Nguyễn Hồng
 

Xem thêm »