Năm 2022, mặc dù gặp nhiều khó khăn thách thức, song tình hình kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh trên địa bàn tỉnh vẫn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 12,5%, vượt kế hoạch đề ra và đứng thứ 7 cả nước; thu ngân sách nhà nước (NSNN) vượt 65% dự toán và tăng 20% so với cùng kỳ; thành lập mới doanh nghiệp vượt 20% kế hoạch..., từ đó tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh góp phần vào mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế tại địa phưong.
Nhiều tồn tại, hạn chế trong thu, chi ngân sách của tỉnh
Đối với công tác lập và giao dự toán, kết quả kiểm toán cho thấy, Cục thuế và một số huyện được kiểm toán xây dựng dự toán không sát với khả năng thu năm 2022 (chỉ bằng 63,5% so với số thực hiện thu năm 2022). Có 02 huyện giao dự toán thu ngân sách tăng so với dự toán tỉnh giao nhưng không ưu tiên bổ sung dự phòng ngân sách theo quy định tại khoản 9 Điều 3 Thông tư số 122/2021/TT-BTC ngày 24/12/2021 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán NSNN năm 2022.
Sau khi phân bổ dự toán chi thường xuyên các sự nghiệp, địa phương đã bố trí dự toán đầu năm và dự toán trong năm để chi đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng các công trình, dự án số tiền 1.582,9 tỷ đồng, chưa phù hợp với khoản 4 Điều 12 Thông tư số 61/2021/TT-BTC ngày 26/7/2021 của Bộ Tài chính.
Ngoài ra, UBND Tỉnh ban hành các Kế hoạch nhưng chưa trình HĐND Tỉnh quyết định theo quy định tại khoản 8 Điều 30 Luật NSNN, gồm: Chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025 và các năm 2021, 2022.
UBND Tỉnh bố trí dự phòng ngân sách chưa đảm bảo mức từ 2% đến 4% tổng chi ngân sách mỗi cấp theo quy định Luật NSNN (11 huyện); điều chỉnh dự toán cho các đơn vị sử dụng ngân sách sau ngày 15/11/2022 chưa đúng quy định Luật NSNN (05 huyện và 01 đơn vị dự toán); phân bổ chi cho hoạt động giảng dạy và học tập chưa đảm bảo tỷ lệ tối thiểu 19% theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Quyết định số 30/2021/QĐ-TTg ngày 10/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ (02 huyện); quyết định dự toán NSĐP, phân bổ ngân sách cấp huyện năm 2022 chậm so với quy định (04 HĐND huyện).
Đối với công tác thu ngân sách, kết quả kiểm toán chỉ rõ, Tỉnh chưa thực hiện xử phạt đối với người nộp thuế chậm nộp hồ sơ khai thuế và còn tình trạng người nộp thuế không nộp hồ sơ kê khai thuế tại một số cơ quan thuế; chưa thực hiện cấp mã số thuế, lập bộ quản lý thuế đối với các hộ kinh doanh được cấp phép đăng ký kinh doanh (03 huyện); chưa lập, gửi danh sách sang Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện để thu hồi giấy phép kinh doanh (GPKD) đối với các hộ kinh doanh đã cấp GPKD nhưng không kinh doanh (03 Chi cục Thuế khu vực).
02 Chi cục Thuế khu vực chưa thực hiện kiểm tra 100% hồ sơ khai thuế tháng, quý và chưa lập danh sách người nộp thuế có rủi ro thấp hoặc chưa có rủi ro theo quy định của Tổng cục Thuế.
Bên cạnh đó, Cục Thuế ban hành các công văn hướng dẫn công tác lập kế hoạch thanh tra, kiểm tra và phê duyệt kết hoạch kiểm tra còn chậm.
Văn phòng Cục Thuế chưa thực hiện đánh giá việc áp dụng quản lý rủi ro và báo cáo cơ quan Thuế cấp trên; chưa sâu sát trong công tác đôn đốc, giám sát, hướng dẫn, kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế đối với các đơn vị theo Luật Quản lý thuế khi thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng các hoạt động cung cấp đất san lấp và cho thuê kho, xưởng dẫn đến giảm thuế không đúng đối tượng cho 56 doanh nghiệp.
Chi cục Thuế khu vực Sầm Sơn - Quảng Xương chưa theo dõi tiền sử dụng đất phải nộp trên hệ thống phần mềm quản lý thuế tập trung số tiền 2,9 tỷ đồng.
Cục thuế và 02 Chi cục Thuế khu vực ban hành thông báo về nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất không gửi Kho bạc Nhà nước, Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định.
02 Chi cục Thuế khu vực chưa điều chỉnh, hoặc chậm điều chỉnh đơn giá thuế đất ổn định sau 5 năm của 06 hộ dân.
Có 02 doanh nghiệp đến hạn phải điều chỉnh hợp đồng thuê đất nhưng chưa được cơ quan chức năng điều chỉnh theo quy định (huyện Hoằng Hóa).
UBND Tỉnh điều chuyển 35 tài sản công là nhà, đất, cung, hạt giao thông, trạm quản lý đưòng thủy nội địa… đến Sở Giao thông vận tải quản lý, trong đó còn 20 tài sản công chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Sở Khoa học và Công nghệ có trụ sở làm việc hợp khối 02 trung tâm tại đường tránh Nam TP. Thanh Hóa được UBND Tỉnh giao và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Cục Thuế miễn tiền thuế đất cho Công ty cổ phần Long Phú số tiền 263 triệu đồng tại Quyết định số 3264/QĐ-CT ngày 05/12/2022 không đúng quy định theo khoản 3 Điều 5 Thông tư số 333/2016/TT-BTC.
Qua kiểm tra chọn mẫu hồ sơ miễn tiền thuế đất của 03 doanh nghiệp cho thấy, UBND các huyện (Thọ Xuân, Nông cống, Hà Trung) tổ chức đấu thầu và công nhận kết quả đấu thầu quản lý, kinh doanh khai thác chợ cho các doanh nghiệp không đúng thẩm quyền; chưa thu đủ 100% khoản thuế hết thời gian gia hạn trong năm theo quy định (đến 31/12/2022, thu được 16,2%).
Huyện Triệu Sơn chưa tổ chức quản lý, thu nộp NSNN khoản phí, lệ phí đối với Khu di tích lịch sử Quốc gia Đền Nưa - Am Tiên theo quy định tại điểm 4 chương I Nghị quyết số 289/2022/NQ-HĐND ngày 13/7/2022 của HĐND Tỉnh.
Về thu tiền bảo vệ và phát triển đất trồng lúa, năm 2022, Sở Tài chính không thực hiện theo dõi theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND ngày 11/10/2021 của UBND Tỉnh.
Cơ quan thuế không theo dõi và không xác định tiền chậm nộp đối với truờng hợp nộp chậm.
UBND các huyện, thị xã, thành phố không tổng hợp kết quả thu tiền bảo vệ, phát triển đất trồng lúa thuộc thẩm quyền của mình để gửi về Sở Tài chính theo quy định.
Sở Tài nguyên và Môi trường chưa tổng hợp diện tích đất trồng lúa trên địa bàn tỉnh theo từng huyện, thị xã, thành phố của năm trước liền kề, dự kiến diện tích đất trồng lúa năm báo cáo và 03 năm tiếp theo gửi về Sở Tài chính để tổng hợp, xây dựng dự toán báo cáo Bộ Tài chính theo quy định.
Huyện Quảng Xương chưa nộp hồ sơ mặt bằng đấu giá có diện tích đất trồng lúa năm 2022 về Sở Tài nguyên và Môi trường để xác định số diện tích thu nộp tiền kinh phí bảo vệ và phát triển đất trồng lúa theo quy định tại Quyết định số 27/2021/QĐ-UBND.
05 huyện có một số khoản tạm thu còn dư đã đủ điều kiện nộp NSNN nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa nộp NSNN 29,9 tỷ đồng.
''Về chi đầu tư phát triển, kết quả kiểm toán cho thấy, Tỉnh bố trí vốn quá thời gian quy định đối với một số dự án hoàn thành nhưng chưa phê duyệt quyết toán hoặc đã phê duyệt quyết toán và dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang. Kế hoạch đầu tư công trung hạn chưa phân nhóm các dự án để làm cơ sở xác định thời gian bố trí vốn cho dự án (huyện Đông Sơn, Thọ Xuân, Hà Trung).
Về kế hoạch đầu tư công năm 2022, đến 31/12/2022, UBND Tỉnh chưa giao chi tiết danh mục, mức vốn bố trí cho từng dự án của kế hoạch vốn nguồn Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đến các cơ quan, đơn vị; một số huyện chưa giao cụ thể mức vốn nguồn NSĐP cho một số nhiệm vụ, dự án.
Ngoài ra, Tỉnh bố trí kế hoạch vốn đầu năm còn một số nội dung chưa phù hợp theo quy định; chưa bố trí kế hoạch vốn ngay từ đầu năm cho một số dự án sử dụng vốn NSTW chuyển tiếp từ giai đoạn 2016- 2020 đã quá thời gian bố trí vốn; chưa bố trí vốn đối ứng nguồn NSĐP cho các dự án đầu tư thuộc 02 Chương trình MTQG; bố trí vốn cho một số dự án khởi công mới chưa phù hợp tiến độ thực hiện.
Trong năm 2022, có thay đổi đột biến về cân đối thu NSĐP, UBND Tỉnh giao kế hoạch vốn cho các dự án đầu tư trong danh mục đầu tư công theo quy định tại khoản 2 Điều 59 của Luật NSNN nhưng các dự án chưa được bổ sung, điều chỉnh tăng mức vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn và năm 2022 (vốn NSĐP); chưa ưu tiên bố trí đủ vốn cho các dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2022, một số dự án được bố trí vốn nhưng tỷ lệ giải ngân cuối năm đạt thấp. Một số lần điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn trong năm chậm so với quy định; điều chỉnh, bổ sung vốn tại một số dự án chưa sát thực tế thi công, dẫn đến phải hủy kế hoạch vốn.
Một số dự án được bố trí vốn từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi và nguồn dự phòng ngân sách tỉnh nhưng không thực hiện và giải ngân hết số tiền 70,6 tỷ đồng.
Qua kiểm toán chi tiết các dự án cho thấy còn tồn tại trong công tác lập, thẩm định và phê duyệt chủ trương đầu tư; thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn; khảo sát lập, thẩm định, phê duyệt dự án; lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán; lựa chọn nhà thầu; thương thảo và ký kết hợp đồng; quản lý chất lượng công trình, nghiệm thu, hoàn công, thanh toán; quản lý tiến độ dự án. Xác định dự toán giá gói thầu còn sai sót làm ảnh hưởng đến giá trị hợp đồng trọn gói. Ngoài ra, tại Dự án Khu dân cư, tái định cư Cánh đồng Sông Đông, thành phố Sầm Sơn phê duyệt chủ trương đầu tư chưa đúng thẩm quyền theo quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Đầu tư công số 49/2014/QH13 và khoản 7 Điều 17 Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14.
Số dư tạm ứng nhiều năm chưa thu hồi của 12 dự án, công trình sử dụng ngân sách tỉnh là 152,7 tỷ đồng; 05 huyện, thành phố được kiểm toán còn có số dư tạm ứng quá hạn chưa thu hồi 170,6 tỷ đồng; Tỉnh chưa ưu tiên trả nợ vốn úng trước từ ngân sách tỉnh kéo dài qua nhiều năm theo quy định tại Điều 57 Luật NSNN.
Đến hết năm 2022, theo báo cáo của địa phương nợ đọng XDCB là 754,7 tỷ đồng; Sở Kế hoạch và Đầu tư còn theo dõi nợ đọng XDCB chưa đầy đủ theo quy định; 10 huyện còn để phát sinh nợ đọng XDCB trong năm 2022 số tiền 385,7 tỷ đồng. Một số chủ đầu tư chưa tập hợp đầy đủ số liệu về nợ đọng XDCB.
Đến 31/12/2022, có 109 dự án chậm nộp hồ sơ quyết toán, trong đó: 23 dự án đã nộp hồ sơ, nhưng chưa phê duyệt quyết toán; 86 dự án chưa lập và nộp hồ sơ quyết toán.
Ngân sách cấp tỉnh và các huyện được kiểm toán chưa bố trí tối thiểu 10% tổng số thu tiền sử dụng đất (số tiền 625,9 tỷ đồng) để thực hiện công tác đo đạc, đăng ký đất đai, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; thành phố Thanh Hóa sử dụng nguồn thu tiền sử dụng đất để chi phòng chống dịch Covid-19 số tiền 4,1 tỷ đồng chưa phù hợp quy định.
Về chi thường xuyên, kết quả kiểm toán cho thấy cấp tỉnh chưa trích và chưa chuyển nguồn 70% nguồn tăng thu ngân sách cấp tỉnh năm 2022 để dành nguồn thực hiện cải cách tiền lương (CCTL) 2.749 tỷ đồng; 03 huyện sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi để chi thường xuyên chưa phù hợp quy định 24,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, ngân sách cấp tỉnh chưa trích đối với nguồn kinh phí thực hiện CCTL cấp tỉnh năm 2022 số tiền 679,2 tỷ đồng; 04 huyện và 02 đơn vị dự toán được kiểm toán sử dụng nguồn CCTL để chi nhiệm vụ khác 92,6 tỷ đồng; một số đơn vị chưa trích hoặc trích thiếu nguồn kinh phí thực hiện CCTL 1,1 tỷ đồng. Ngoài ra, thành phố Thanh Hóa dùng nguồn CCTL chi hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19 số tiền 4,6 tỷ đồng trong khi chưa sử dụng hết các nguồn lực khác theo quy định tại khoản 4 Điều 4 Thông tư số 122/2021/TT-BTC.
Một số nguồn NSTW bổ sung có mục tiêu còn dư đến hết năm 2022 tại ngân sách cấp tỉnh hết nhu cầu chi trả trong năm 2022 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa nộp trả ngân sách trung ương 188,8 tỷ đồng. Một số nguồn kinh phí tỉnh bổ sung có mục tiêu còn dư đến hết năm 2022 tại các huyện hết nhu cầu chi trả trong năm 2022 nhưng đến thời điểm kiểm toán chưa nộp trả ngân sách tỉnh 237,4 tỷ đồng.
Còn một số khoản NSTW tạm ứng chi thường xuyên quá hạn chưa thu hồi 2,6 tỷ đồng. Ngân sách cấp tỉnh tạm ứng cho Cục Thi hành án tỉnh Thanh Hóa để tổ chức cưỡng chế thi hành án số tiền 500 triệu đồng không có trong quy định. Tại huyện Đông Sơn còn khoản tạm ứng tồn đọng nhiều năm chưa thu hồi hơn 6 tỷ đồng.
Huyện Mường Lát định kỳ chưa báo cáo Thường trực HĐND huyện về việc sử dụng dự phòng ngân sách; huyện Nông Cống sử dụng nguồn dự phòng ngân sách để bổ sung chi hoạt động cho các đơn vị chưa phù hợp nội dung chi sô tiền 2,6 tỷ đồng.
Kết quả kiểm toán cũng cho thấy, một số Nghị quyết HĐND tỉnh áp dụng trong thời kỳ 2022-2026 còn bất cập. Cụ thể, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 188/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về chính sách hỗ trợ hoạt động và thu hút đào tạo cán bộ, giảng viên cho Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa, hướng tới thành lập Trường Đại học Y Thanh Hóa, giai đoạn 2022-2026 quy định chính sách hỗ trợ kinh phí hoạt động và thu hút đào tạo cán bộ, giảng viên làm tăng chi nhưng chưa nêu nguồn để thực hiện; hỗ trợ kinh phí hoạt động thường xuyên cho Phân hiệu Trường Đại học Y Hà Nội tại Thanh Hóa không đúng nhiệm vụ chi của NSĐP, không phù hợp trong điều kiện Thanh Hóa chưa tự cân đối được ngân sách.
Nghị quyết số 186/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về việc ban hành chính sách khuyến khích đối với học sinh, giáo viên, cán bộ quản lý Trường THPT Chuyên Lam Sơn và các Trường THPT trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa quy định mức hỗ trợ có tính chất tiền lương, tiền công, phụ cấp nhưng chưa có ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và các bộ ngành quản lý ngành, lĩnh vực trực tiếp.
Nghị quyết số 176/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về việc quy định phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi; tỷ lệ phần trăm (%) phân chia nguồn thu giữa các cấp NSĐP giai đoạn 2022 - 2025 tỉnh Thanh Hóa có nội dung quy định ngân sách tỉnh Thanh Hóa được hưởng 50% tiền bán tài sản nhà nước (đất và tài sản gắn liền trên đất) của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý trên địa bàn Tỉnh chưa đúng quy định tại điểm k khoản 1 Điều 35 Luật NSNN và khoản 3 Điều 3 Nghị quyết số 37/2021/QH15 của Quốc hội.
Nghị quyết số 64/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017 về việc quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Thanh Hóa có nội dung quy định về định mức chế độ chi thù lao cho giảng viên, báo cáo viên song chưa sửa đổi cho phù hợp theo Thông tư sô 36/2018/TT-BTC ngày 30/03/2018 của Bộ Tài chính.
Kiến nghị khắc phục những bất cập
Từ kết quả kiểm toán, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 614,9 tỷ đồng (tăng thu NSNN hơn 14,7 tỷ đồng; thu hồi, giảm chi ngân sách hơn 600,1 tỷ đồng); giảm lỗ 20,3 tỷ đồng; xử lý khác 3.452 tỷ đồng. Đồng thời kiến nghị UBND Tỉnh Thanh Hóa thực hiện và chỉ đạo các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan và xử lý theo quy định của pháp luật; chấn chỉnh, rút kinh nghiệm và khắc phục hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và xem xét sửa đổi một số văn bản chưa phù hợp quy định hiện hành.
Ngoài ra, Báo cáo kiểm toán cũng kiến nghị Hội đồng nhân dân Tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện các Nghị quyết về dự toán NSNN năm 2022, việc thực hiện kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước, phát triển Chính quyền số và bảo đảm an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa và kế hoạch thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025; việc thực hiện kiến nghị của KTNN và dự toán ngân sách đã được HĐND quyết định theo đúng quy định của Luật NSNN.
Căn cứ đặc thù của địa phương, KTNN kiến nghị Hội đồng nhân dân Tỉnh xem xét, quyết định, chịu trách nhiệm theo thẩm quyền và quy định của pháp luật đối với các việc: sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi bố trí cho các dự án đầu tư vượt nguồn vốn NSĐP được giao trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022; giao dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí thường xuyên, kinh phí sự nghiệp chi đầu tư xây dựng công trình, dự án; các dự án sử dụng dự phòng ngân sách tỉnh năm 2022 kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công sang năm 2023.
Đồng thời, xem xét điều chỉnh, bãi bỏ các nội dung hoặc Nghị quyết ban hành chưa phù hợp quy định, phê duyệt kế hoạch thực hiện các chương trình theo quy định tại khoản 8 Điều 30 Luật NSNN; quyết định phương án sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên các sự nghiệp còn dư theo quy định./.
Hà Linh