Quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ còn bất cập

29/05/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Qua kết quả Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ (KH&CN) giai đoạn 2020-2022, bên cạnh việc ghi nhận một số kết quả tích cực, Kiểm toán nhà nước (KTNN) cũng đã chỉ ra nhiều bất cập nổi cộm.

Giai đoạn 2020-2022, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, song nhờ sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ KH&CN đã cùng các Bộ, ngành, địa phương thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN; tham mưu hoàn thiện cơ sở pháp lý, thúc đẩy ứng dụng và triển khai những thành tựu, sản phẩm KH&CN tiên tiến vào đời sống; phối hợp quản lý và tổ chức thực hiện các Chương trình, đề án KH&CN cấp quốc gia…

Kinh phí đầu tư cho khoa học công nghệ còn rất thấp

Bất cập nổi cộm là kinh phí đầu tư từ ngân sách nhà nước (NSNN) cho khoa học và công nghệ (KH&CN) trong những năm qua chưa đạt tỷ lệ tối thiểu 2% tổng chi NSNN theo yêu cầu của Nghị quyết 20-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, Luật KH&CN và đạt tỷ lệ rất thấp so với GDP. Kết quả kiểm toán ghi nhận, dự toán chi NSNN bố trí cho KH&CN trung bình giai đoạn 2020-2022 là 17.494 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 1,01% tổng chi NSNN, đạt 0,2% GDP - ông Hoàng Văn Lương, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành III cho biết.

Một bất cập nữa là việc xác định mục tiêu của Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo chưa phù hợp. Đến năm 2025, nếu tổng chi quốc gia cho KH&CN đạt 0,8% - 1% GDP và đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm 60% - 65%, thì tổng đầu tư cho KH&CN phải đạt từ 2% -2,8% GDP, không phải là 1,2% - 1,5% GDP như Chiến lược đề ra.

Hơn nữa, mục tiêu mà Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đề ra đến năm 2025 giảm so với yêu cầu của Nghị quyết số 20-NQ/TW (trên 2% GDP vào năm 2020) nhưng Bộ KH&CN khi tham mưu, trình Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo đã không thuyết minh việc giảm này.

Ngoài ra, mục tiêu đặt ra tại Chiến lược phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo không khả thi, khó có thể thực hiện được bởi xét trên số liệu điều tra của Bộ KH&CN năm 2021, đóng góp của xã hội cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chiếm khoảng 55% tổng đầu tư của toàn xã hội, thì tổng đầu tư cho KH&CN trung bình giai đoạn 2020 - 2022 đạt tỷ lệ 0,5% GDP, còn có khoảng cách xa so với mục tiêu chiến lược đề ra (từ 1,2% - 1,5% GDP).

Qua kiểm toán, KTNN cũng chỉ rõ, mức đầu tư cho KH&CN của Việt Nam thấp hơn nhiều so với mức bình quân của thế giới. Theo số liệu của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), tổng chi đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D) bình quân của thế giới năm 2021 so với GDP là 1,93%; các nước Đông Nam Á là 1,07%; một số quốc gia châu Á có mức chi cho KH&CN cao so với mức trung bình của thế giới là Hàn Quốc 4,92% (đứng thứ 2 thế giới); Nhật Bản 3,2%; Trung Quốc 2,4%.

Tuy mức đầu tư cho KH&CN còn thấp so với yêu cầu, chưa đạt tỷ lệ tối thiểu theo quy định, nhưng thực tế lại cho thấy khả năng hấp thụ vốn đầu tư của ngành KH&CN chưa tương xứng. Kết quả kiểm toán chỉ rõ, hàng năm số hủy dự toán, số nộp trả NSNN, chuyển nguồn ngân sách sang năm sau lớn.

Chẳng hạn như trong công tác quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, kinh phí chuyển nguồn bình quân giai đoạn 2020-2022 chiếm tỷ trọng 36,3% (4.350,4 tỷ đồng/11.989,7 tỷ đồng) so với dự toán, trong đó chủ yếu là của các nhiệm vụ dừng, không hoàn thành hoặc hết thời gian thực hiện. Thế nhưng, thực tế còn có một số nội dung nghiên cứu giống nhau giữa các đề tài, dự án mà chưa có tính kế thừa phần nào gây lãng phí nguồn lực NSNN vốn đã rất hạn hẹp dành cho nghiên cứu khoa học.

Báo cáo Bộ KH&CN cho thấy, từ năm 2014-2022 không có số liệu về số lượng Bằng sáng chế, giải pháp hữu ích, chỉ có 2.995 nhiệm vụ KH&CN sử dụng NSNN có báo cáo về tính ứng dụng vào thực tiễn. Nhưng nội dung báo cáo chưa đầy đủ các chỉ tiêu, chưa có nhiệm vụ nào lượng hóa được hiệu quả kinh tế, thương mại của kết quả nghiên cứu theo thuyết minh được phê duyệt. Bộ KH&CN cũng không đủ cơ sở dữ liệu tổng hợp kết quả việc chuyển giao, ứng dụng kết quả nghiên cứu KH&CN sử dụng NSNN.

Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, Bộ KH&CN chưa chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo dẫn đến cơ sở dữ liệu KH&CN quốc gia không đầy đủ thông tin về kết quả hoạt động KH&CN và cơ sở xây dựng Chiến lược, định hướng nghiên cứu KH&CN trình Chính phủ và Quốc hội. Việc thực hiện chưa nghiêm túc, chưa công khai minh bạch thông tin về nhiệm vụ KH&CN các cấp thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu có thể dẫn đến việc chồng chéo, trùng lặp trong phê duyệt và giao thực hiện nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách và việc điều hành chính sách vĩ mô, hoạt động giám sát và quản lý kinh phí sự nghiệp KH&CN của Nhà nước.
 


Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách về khoa học công nghệ

Chủ trì cuộc Kiểm toán chuyên đề việc quản lý, sử dụng kinh phí đầu tư cho lĩnh vực khoa học và công nghệ giai đoạn 2020-2022, ông Hoàng Văn Lương nêu rõ, nguyên nhân dẫn tới những bất cập trên là do cơ chế chính sách còn vướng mắc, thiếu đồng bộ, một số văn bản chậm sửa đổi hoặc chậm ban hành dẫn đến khó khăn trong việc triển khai phát triển KH&CN; chưa có quy định về đấu giá tài sản là kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ; chưa có cơ chế để bảo vệ quyền lợi cho các tổ chức nghiên cứu công sở hữu các kết quả nghiên cứu, tài sản trí tuệ như sáng chế, bản quyền, nhãn hiệu thương mại.

Hiện cũng chưa có quy định về khung số lượng các nhiệm vụ KH&CN và tổng mức kinh phí của từng Chương trình cấp quốc gia, dẫn đến tình trạng số lượng và kinh phí của các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học tăng lên qua các năm, việc phân bổ kinh phí sự nghiệp KH&CN cho các nhiệm vụ còn dàn trải, giao nhiều lần trong năm phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các nhiệm vụ KH&CN...

Bên cạnh đó, cơ chế hoạt động của cac Quỹ thuộc lĩnh vực KH&CN còn một số bất cập dẫn đến chưa thực sự phát huy sứ mệnh và tầm nhìn của các Quỹ. Chẳng hạn, với Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia được Chính phủ quy định theo cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, việc lập và giao dự toán cho Quỹ đang được thực hiện không theo cơ chế đặc thù, mà áp dụng lập dự toán theo hướng dẫn chung của Bộ KH&CN hàng năm, quy định như đối với nhiệm vụ KH&CN cấp Bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở.

Từ những bất cập trên, để nâng cao tính tuân thủ pháp luật, và nhằm tháo gỡ những nút thắt trong cơ chế chính sách về KH&CN, KTNN đã kiến nghị Bộ KH&CN rà soát các quy định tại Luật KH&CN, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực KH&CN đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Đồng thời phối hợp với Bộ Tài chính để sửa đổi Nghị định số 70/NĐ-CP; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội theo thẩm quyền để thể chế hóa và tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước về phát triển KH&CN. KTNN cũng kiến nghị Bộ KH&CN kịp thời triển khai thực hiện Chiến lược KH&CN và đổi mới sáng tạo và các Chương trình KH&CN quốc gia đã được Chính phủ phê duyệt.

Cùng với đó, cần tổng kết đánh giá hiệu quả, đánh giá lại cơ chế hoạt động của các Phòng Thí nghiệm trọng điểm để có phương án sắp xếp phù hợp, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực NSNN và phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực, thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo.

Đối với Chính phủ, KTNN kiến nghị chỉ đạo Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan trung ương, địa phương thực hiện tổng kết, đánh giá việc sử dụng kinh phí NSNN đã đầu tư cho phát triển KH&CN; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định cơ chế “bố trí kinh phí cho KH&CN từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hàng năm được quy định tại Luật KH&CN”.

KTNN cũng kiến nghị cần đẩy nhanh thực hiện cơ chế Nhà nước đặt hàng nghiên cứu các đề tài KH&CN dựa vào kết quả, hiệu quả cuối cùng, nhằm khắc phục tình trạng lãng phí nguồn lực NSNN, thúc đẩy phát triển KH&CN và đổi mới sáng tạo./.

Xem thêm »