(sav.gov.vn) - Trong kiểm toán DNNN thì mục tiêu trước hết là các DN cũng như chủ sở hữu phải thấy được “sức khỏe” của DN mình, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước thấy được các điểm nghẽn, các bất cập của cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện - ông Trần Văn Hảo, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI nhấn mạnh.
Giúp doanh nghiệp nhận diện và khắc phục bất cập
DNNN chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế nên việc quản lý, bố trí nguồn lực tài chính của DNNN là hết sức quan trọng. Kết quả kiểm toán cho thấy, phần lớn các tập đoàn (TĐ) kinh tế, tổng công ty (TCT) nhà nước đã làm ăn có lãi và phát huy được vai trò dẫn dắt các DN trong một số lĩnh vực như: Năng lượng, viễn thông, chuyển đổi số. Trong bố trí quản lý vốn, các DNNN cơ bản đã đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ được giao. Đội ngũ quản lý của các DN được đào tạo bài bản và trình độ quản lý ngày càng tăng lên. Các DN đã phát huy được nguồn lực trong các giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19 hay trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt, nhất là khi quy mô vốn của các DN nước ta còn khiêm tốn so với DN trên thế giới.
Tuy nhiên, bên cạnh các DNNN làm ăn có hiệu quả và quản lý, bố trí vốn tốt thì không ít các DN quản lý vốn còn lỏng lẻo; một số lĩnh vực còn “hổng”, việc thực hiện quy định pháp luật cũng chưa đầy đủ, từ đó dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao, thậm chí thua lỗ. Biểu hiện là một số dự án đầu tư có nguy cơ gây thất thoát hoặc một số khoản đầu tư ra bên ngoài ngành không hiệu quả, thậm chí có nguy cơ mất vốn, thua lỗ.
Cùng với đó, nguồn lực đất đai tại một số DNNN cũng chưa được quản lý tốt. Nhiều diện tích đất còn để trống hoặc bị lấn chiếm, tranh chấp. Đồng thời, một số cán bộ quản lý chưa xứng tầm với vị thế, dẫn đến quản lý kinh tế lỏng lẻo và dẫn đến các vi phạm pháp luật. Những tồn tại này đã ảnh hưởng đến việc quản lý nguồn lực của DNNN và ảnh hưởng đến hình ảnh của DNNN.
Mục tiêu tối thượng của hoạt động KTNN là tất cả vì nền tài chính quốc gia minh bạch và bền vững. Vì vậy, trong hoạt động của KTNN nói chung và trong lĩnh vực kiểm toán DNNN nói riêng thì mục tiêu trước hết là các DN cũng như chủ sở hữu phải thấy được “sức khỏe” của DN mình, cũng như các cơ quan quản lý nhà nước thấy được các điểm nghẽn, các bất cập của cơ chế, chính sách cần phải hoàn thiện. Do đó, trong các mục tiêu kiểm toán của KTNN, ngoài xác nhận tính đúng đắn, trung thực của các báo cáo tài chính, báo cáo đầu tư hay cung cấp các tài liệu, số liệu cho các cơ quan quản lý nhà nước thì có một mục tiêu rất rõ ràng đó là kiến nghị đối với các đơn vị chấn chỉnh các tồn tại, sai sót hay các vấn đề chưa hoàn thiện trong quản lý tài chính, tài sản của mình. Đồng thời, KTNN cung cấp thông tin và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện cơ chế, chính sách; kịp thời phát hiện các hành vi tham nhũng, lãng phí, thất thoát để ngăn chặn kịp thời và kiến nghị xử lý theo quy định của pháp luật.
"Thông qua hoạt động kiểm toán, KTNN kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản nhằm tháo gỡ những khó khăn; bịt lỗ hổng trong quản lý kinh tế; đồng thời mở đường cho hoạt động của DN, làm sao để các DN hoạt động trong môi trường lành mạnh hơn. Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước hay chủ sở hữu cấp trên cũng phải đồng hành, tháo gỡ những khó khăn cho các DN bằng thể chế, bằng đốc thúc thực hiện chức năng, nhiệm vụ… " - Ông Trần Văn Hảo - Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành VI
Thời gian qua, tất cả báo cáo kiểm toán ngoài việc chỉ rõ những nội dung mà DN làm được thì cũng chỉ ra rất cụ thể các sai sót, tồn tại trong quản lý DN cũng như bố trí nguồn lực. Ngoài những kiến nghị về xử lý tài chính, KTNN còn đưa ra những kiến nghị về chấn chỉnh công tác quản lý tài chính, tài sản của nội bộ DN hay giúp bản thân chủ sở hữu DN nhìn thấy để đưa ra giải pháp khắc phục các tồn tại đó. Đồng thời, KTNN còn đưa ra kiến nghị về kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với các sai phạm. Từ kiến nghị này, một mặt để các đơn vị, các DN cũng như cấp trên phân tích rõ các tồn tại đó xuất hiện từ đâu, do ai và nguyên nhân gì để có giải pháp; mặt khác cũng mang tính răn đe, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân, nếu để xảy ra sai sót, thất thoát.
Nâng cao chất lượng kiểm toán, đóng góp cho doanh nghiệp phát triển
Thời gian qua, các kiến nghị của KTNN được các đơn vị, các DN cơ bản tiếp thu và thực hiện, góp phần giúp hoạt động của DN ngày càng tốt hơn. Thông qua đó, KTNN đã đồng hành trong việc đề xuất những nội dung cần sửa đổi hay đốc thúc, tư vấn trong quản lý tài chính, tài sản của các DN.
Có thể nói, sự hùng mạnh của quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào lực lượng DN. Vì vậy, với chức năng, nhiệm vụ của mình, thời gian tới, KTNN sẽ chú trọng việc lựa chọn chủ đề và đơn vị được kiểm toán để gia tăng giá trị của báo cáo kiểm toán. Trong đó, KTNN định hướng mở rộng, nâng số lượng các cuộc kiểm toán hoạt động và kiểm toán chuyên đề, nhằm đi sâu vào vấn đề, có cái nhìn toàn diện hơn là chỉ kiểm toán một báo cáo tài chính của một đơn vị. Từ đó, có những kiến nghị các cơ quan chức năng cũng như các đơn vị nhìn thấy rõ các bất cập, điểm nghẽn.
Để nâng cao chất lượng báo cáo kiểm toán, phục vụ được các đối tượng, từ DN cho đến cơ quan quản lý nhà nước, phục vụ các cơ quan Quốc hội, phục vụ cho công tác làm luật, KTNN xác định trước hết là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực kiểm toán không chỉ về mặt chuyên môn, kiến thức kiểm toán, mà còn liên quan đến kiến thức kinh tế vĩ mô, kiến thức dự báo. Đồng thời, chú trọng giáo dục phẩm chất, làm sao để các kiểm toán viên “Nghệ tinh - Tâm sáng - Công minh - Chính trực”.
KTNN cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động kiểm toán; tăng cường minh bạch, công khai hơn nữa các hoạt động kiểm toán và kết quả kiểm toán. Đặc biệt, KTNN cũng sẽ tham gia thường xuyên vào công tác xây dựng các văn bản pháp luật. Qua đó đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của các DN, mở đường cho DN phát triển./.
Theo Báo Kiểm toán số 41/2023