Nâng cao chất lượng kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách địa phương

21/12/2023
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Để đạt mục tiêu từ 80-100% các báo cáo quyết toán ngân sách địa phương (BCQT NSĐP) được kiểm toán theo định hướng của Kiểm toán nhà nước (KTNN), chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng các cuộc kiểm toán này.

Đánh giá công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách của các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp

Điều 71 Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2015 quy định: KTNN thực hiện kiểm toán BCQT NSĐP trước khi trình Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh xem xét, phê chuẩn. Điều 70 Luật NSNN cũng quy định, thời hạn Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh nộp BCQT NSĐP chậm nhất là ngày 01/10 năm sau và thời gian HĐND phê chuẩn BCQT NSĐP chậm nhất ngày 31/12 năm sau.

Theo Hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN, việc kiểm toán BCQT NSĐP chỉ tập trung kiểm toán BCQT do UBND tỉnh lập với phạm vi, nội dung và giới hạn kiểm toán thu hẹp (chỉ kiểm toán tổng hợp tại 5 cơ quan quản lý tài chính cấp tỉnh, gồm: Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc Nhà nước) nhằm xác nhận tính trung thực, hợp lý của BCQT NSĐP. Đồng thời, các cuộc kiểm toán BCQT NSĐP không xây dựng mục tiêu “đánh giá việc tuân thủ pháp luật, tính kinh tế, hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công” như các cuộc kiểm toán NSĐP; việc thực hiện mục tiêu “Xác nhận tính trung thực, hợp lý của số liệu báo cáo quyết toán NSĐP” tập trung chủ yếu xác nhận tính trung thực, hợp lý của công tác tổng hợp số liệu, lập BCQT NSĐP và đánh giá công tác quản lý, điều hành thu, chi ngân sách của các cơ quan quản lý tài chính tổng hợp.

Về giới hạn kiểm toán, Hướng dẫn quy định: Không đánh giá công tác quản lý và điều hành của các cấp chính quyền huyện, xã và các đơn vị dự toán; không kiểm toán chi tiết dự án; không kiểm toán công tác quản lý tài sản công của địa phương; không kiểm toán BCQT của cấp huyện, xã, các đơn vị dự toán và các ban quản lý dự án, các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Tuy nhiên, theo Điều 12 Luật NSNN, thu NSNN phải được thực hiện theo quy định của Luật này, các luật về thuế và các quy định khác của pháp luật về thu NSNN; chi NSNN chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của Luật này; đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp. Khoản 2 Điều 65 Luật NSNN nêu rõ: Số quyết toán thu NSNN là số thu đã thực nộp và số thu đã hạch toán thu NSNN theo quy định. Các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước nộp ngân sách năm sau phải hạch toán vào thu ngân sách năm sau. Số quyết toán chi NSNN là số chi đã thực thanh toán và số chi đã hạch toán chi NSNN theo quy định.

Do đó, việc kiểm toán BCQT NSĐP vẫn phải tiếp cận từ khâu lập, giao dự toán chi thường xuyên và kế hoạch vốn đầu tư xây dựng cơ bản và việc điều chỉnh dự toán, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định có liên quan đến thu NSNN và các quy định có liên quan đến tổ chức thực hiện dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công; việc chấp hành các quy định về khóa sổ, lập BCQT NSĐP; việc xử lý số dư dự toán, chi chuyển nguồn; công tác xét duyệt báo cáo tài chính của các đơn vị dự toán cấp tỉnh; công tác thẩm định BCQT ngân sách cấp huyện; công tác đối chiếu số liệu quyết toán giữa các cơ quan: Thuế, Tài chính, Hải quan, Kho bạc Nhà nước. Các mục tiêu và nội dung kiểm toán trên là cơ sở để xác định mục tiêu và nội dung kiểm toán cụ thể tại Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và Kho bạc nhà nước.
 

Năm 2023, KTNN khu vực XIII đã triển khai các cuộc kiểm toán BCQT NSĐP tại 4/4 địa phương do đơn vị phụ trách. Đến nay, các BCKT đã thực hiện các thủ tục để phát hành theo quy định và đã gửi thông báo kết quả kiểm toán đến HĐND các tỉnh nhằm phục vụ hoạt động phê chuẩn quyết toán của HĐND các tỉnh theo đúng quy định của Luật NSNN và Luật KTNN.


Hoàn thiện hệ thống Chuẩn mực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

Trong điều kiện lực lượng có hạn, công tác tổ chức kiểm toán BCQT NSĐP thời gian tới cần tiếp tục thực hiện theo hướng: Tổ chức thực hiện cuộc kiểm toán BCQT NSĐP, để phát hành Báo cáo kiểm toán (BCKT) trước khi HĐND họp. Thời điểm triển khai kiểm toán vào sau ngày 15/9 và kết thúc chậm nhất vào cuối ngày 20/10 (do ngày 01/10 các địa phương mới có BCQT), để đáp ứng yêu cầu về thời gian phê chuẩn BCQT của HĐND. Thời gian kiểm toán từ 25-30 ngày với số lượng kiểm toán viên (KTV) tại mỗi tỉnh từ 8-10 người để tăng số lượng các địa phương được kiểm toán; đáp ứng mục tiêu Chiến lược phát triển KTNN đến năm 2030 (từ 80-100% các địa phương được kiểm toán).

Từ thực tiễn kiểm toán BCQT NSĐP của KTNN khu vực XIII cho thấy, để nâng cao chất lượng kiểm toán, KTNN cần hoàn thiện hệ thống Chuẩn mực KTNN, có hướng dẫn cụ thể đối với kiểm toán báo cáo tài chính tổng hợp, trong đó có BCQT NSĐP (không chỉ kiểm toán báo cáo tài chính tập đoàn như hiện nay) theo như chú giải của INTOSAI. Đồng thời, hoàn thiện các hướng dẫn kiểm toán BCQT NSĐP theo hướng tập trung vào kiểm toán đưa ra ý kiến xác nhận BCQT.

Bên cạnh đó, KTNN cần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; sắp xếp, bố trí nhân sự Trưởng đoàn, Tổ trưởng và thành viên các đoàn cả năm, thực hiện luân chuyển địa bàn thực hiện kiểm toán giữa các KTV; bố trí nhân sự là những KTV có kinh nghiệm, bảo đảm đủ cơ cấu chuyên môn về thu, chi đầu tư và chi thường xuyên.

Trước khi triển khai các cuộc kiểm toán, Kiểm toán trưởng và Trưởng đoàn kiểm toán thực hiện quán triệt thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước, của Ngành. Đồng thời, tổ chức tập huấn, trao đổi cụ thể về kế hoạch và các nội dung trọng yếu, phương pháp và phạm vi kiểm toán; thống nhất hướng xử lý đối với một số vấn đề phát hiện chung, mang tính căn bản.

Cùng với đó, tăng cường kiểm soát chất lượng kiểm toán để kịp thời khắc phục những tồn tại trong hoạt động kiểm toán; thực hiện kiểm soát hồ sơ kiểm toán của Đoàn kiểm toán xuyên suốt quá trình kiểm toán. Các đơn vị bố trí Phó kiểm toán trưởng làm Tổ trưởng tổ kiểm soát chất lượng kiểm toán để tận dụng kinh nghiệm thực tiễn; nâng cao chất lượng công tác thẩm định BCKT.

Đồng thời, chú trọng khảo sát, thu thập thông tin và lập kế hoạch kiểm toán tổng thể theo đúng các nội dung của đề cương kiểm toán BCQT NSĐP; chú trọng việc phân tích thông tin đã đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán; tuân thủ chuẩn mực kiểm toán và các quy định về hồ sơ mẫu biểu do KTNN ban hành; tuân thủ chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất; tăng cường tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm qua mỗi cuộc kiểm toán.../.

Xem thêm »