Kiểm toán nhà nước luôn nỗ lực đóng góp hết mình vì nền tài chính quốc gia công khai, minh bạch

16/01/2024
Xem cỡ chữ Đọc bài viết In trang Google

(sav.gov.vn) - Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã tự định danh, khẳng định vị thế của mình, nhất là sau khi được hiến định trong Hiến pháp và được nhân dân công nhận. Chúng ta phải cố gắng để xứng đáng với những điều đó và các thế hệ sẽ nối tiếp nhau để tiếp lửa cho từng bước đi sắp tới của KTNN - PGS.TS. Nguyễn Đình Hựu, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ, nay là Trường Đào tại và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán - chia sẻ với phóng viên Báo Kiểm toán nhân dịp KTNN chuẩn bị kỷ niệm 30 năm thành lập.

PGS.TS. Nguyễn Đình Hựu, nguyên Giám đốc Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ, nay là Trường Đào tại và Bồi dưỡng nghiệp vụ kiểm toán

Thưa ông, là thế hệ đặt nền móng cho việc hình thành và xây dựng KTNN, ông có thể chia sẻ về những kỷ niệm, ấn tượng đầu tiên khi làm việc tại KTNN?

Năm 2024 là một dấu mốc quan trọng, KTNN kỷ niệm 30 năm thành lập. Đây là dịp tốt để những người như chúng tôi có điều kiện suy ngẫm, nhìn nhận lại hành trình từ khi thành lập KTNN năm 1994 đến nay - một chặng đường có gập ghềnh, có sóng gió nhưng cũng đầy vinh quang, vui vẻ và tự hào.

Năm 1994, tôi đang làm việc ở Kho bạc Nhà nước được điều động sang phụ trách Vụ Kiểm toán đầu tư dự án của KTNN. Tất cả các anh em cùng làm với tôi ngày ấy đều có kiến thức về kiểm toán chưa nhiều nhưng rất hồ hởi, phấn chấn và quyết tâm rằng mình sẽ đóng góp được gì đó cho KTNN. Sau đó, đồng chí Võ Văn Kiệt - nguyên Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định thành lập Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ (nay là Trường Đào tạo và Bồi dưỡng nghiệp vụ Kiểm toán) và điều động tôi làm Giám đốc đầu tiên. Trung tâm Khoa học và Bồi dưỡng cán bộ ngay từ những ngày đầu dù chỉ có hơn 20 người nhưng vừa làm nhiệm vụ bồi dưỡng cán bộ, vừa nghiên cứu khoa học và quản lý khoa học toàn Ngành, đồng thời thực hiện công tác tin học, phương pháp, chế độ. Chúng tôi đã rất nỗ lực để làm tất cả các nhiệm vụ ấy.

Bản thân tôi đã có thời gian dài nghiên cứu về tài chính công, hoạt động của hệ thống tài chính, vì vậy, tôi nhận thấy bản chất của nền tài chính Việt Nam là dân chủ, do sự đóng góp bằng sức lao động của nhân dân, của những người làm ra sản phẩm từ nông thôn đến thành thị, từ ruộng đồng đến nhà máy. Những người làm ra đồng tiền ấy kỳ vọng sự phát triển của nền tài chính là vì đời sống của nhân dân, sau đó là sự cường thịnh của quốc gia, tạo ra môi trường sinh sống cho tất cả mọi người.

Vì vậy, ngay từ những ngày đầu, tôi suy ngẫm rằng, KTNN chính là công cụ để thực hiện được bản chất dân chủ của nền tài chính xã hội chủ nghĩa, xuất phát từ dân, vì lợi ích của dân, chăm lo cho người dân. Muốn làm được như thế, những vấn đề như dòng chảy của tiền đi đến đâu, dừng bước ở đâu, đưa lại lợi ích gì cho dân tộc, nhân dân phải được làm sáng tỏ. Ở các nước phát triển có nền tài chính hiện đại, cơ quan kiểm toán đã thành lập từ lâu, còn Việt Nam thì chậm một bước. Nhưng, khi đã có nhận thức, Đảng, Nhà nước đã rất chú trọng đến việc xây dựng nền tài chính vững mạnh, công khai, minh bạch, rõ ràng, chính xác về những thông tin tài chính. KTNN chính là một trong những công cụ quan trọng nhất để thực hiện việc thu thập thông tin tài chính, đánh giá, xử lý những thông tin này.

Như vậy, KTNN ra đời năm 1994 rất phù hợp với bối cảnh lịch sử và đòi hỏi khách quan về sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Chính vì thế, trải qua từng bước, chúng ta đã có những thành công trên mọi phương diện, trong đó có việc tăng cường hoạt động và hiệu lực của KTNN. Trước đây, chúng tôi học ở nước ngoài rất nhiều, luôn suy nghĩ về một nền tài chính công khai, minh bạch. Bây giờ, chúng ta đã có nền móng đầu tiên về sự công khai, minh bạch tài chính với sự đóng góp, nỗ lực hết mình của KTNN.

Nhìn lại chặng đường 30 năm, ông nhìn nhận, đánh giá như thế nào về sự phát triển của KTNN đến ngày hôm nay, thưa ông?

Trước hết, chúng ta phải tự hào rằng, tuy ra đời muộn nhưng KTNN là một trong những tổ chức nhà nước được hiến định trong Hiến pháp. Điều này không phải cơ quan kiểm toán nào cũng có được. Các cơ quan kiểm toán khác ra đời trước mình rất lâu nhưng nhiều quốc gia chỉ là quy định về hoạt động kiểm toán trong phạm vi của Chính phủ hay Hội đồng Bộ trưởng. KTNN Việt Nam được được hiến định một cách rõ ràng trong Hiến pháp: “KTNN là một thiết chế do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thực hiện kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công”. Điều này rất đáng mừng, là dấu mốc lịch sử.

Thứ hai, sức mạnh của KTNN chính là lực lượng kiểm toán viên. Nếu không có những người giỏi, am hiểu về kế toán, tài chính, luật pháp thì không thể làm kiểm toán được. Những người này phải có đủ tầm nhìn, hiểu biết, tôn trọng luật pháp để tuân thủ tuyệt đối những quy định của luật pháp. Những người làm kiểm toán trước tiên phải có những yếu tố này, sau đó là giỏi về chuyên môn, ham say nghiệp vụ, chịu khó học hỏi và đặc biệt phải có phương pháp luận, phương pháp làm việc cụ thể, khoa học, chi tiết. Kiểm toán viên chính là những người nhặt nhạnh từng hạt bụi của thông tin để tạo ra những bản màu về thông tin được đánh giá, thẩm định, xác định đúng/sai, giúp chúng ta thấy được đồng tiền của dân đi đâu, về đâu, đưa lại lợi ích gì.

Thứ ba, KTNN đã xây dựng được công cụ là hệ thống thông tin, máy móc, hệ thống tích hợp thông tin giữa KTNN với Chính phủ, Quốc hội, doanh nghiệp, các khu vực quan trọng như đầu tư nước ngoài. Sự tích hợp ấy cung cấp cho KTNN những thông tin sát thực, trên cơ sở đó, các kiểm toán viên bằng trí tuệ của mình thực hiện phân tích, đánh giá, nhìn nhận, bình luận, thẩm định và công bố mức độ đúng/sai, mức độ cần điều chỉnh và những điều cần phải rút kinh nghiệm trong quá trình hình thành thông tin.
 
Những cuốn sách, tài liệu và tập thơ do PGS.TS. Nguyễn Đình Hựu làm chủ biên


30 năm chưa phải là một chặng đường dài đối với một tổ chức, nhưng KTNN đã có những tiến bộ vượt bậc cả về số lượng, chất lượng hoạt động. Vậy, ông muốn gửi gắm gì đối với KTNN trong chặng đường sắp tới?

30 năm với một người là đủ một chặng đường để đạt tới độ trưởng thành, nhưng với một tổ chức thì chưa dài. Mặc dù vậy, đây cũng là một khoảng thời gian đủ để KTNN tự định danh, khẳng định vị thế của mình, nhất là sau khi được hiến định trong Hiến pháp và được nhân dân công nhận. Chúng ta phải cố gắng để xứng đáng với những điều đó và các thế hệ sẽ nối tiếp nhau để tiếp lửa cho từng bước đi sắp tới của KTNN.

Thế hệ chúng tôi đã là thế hệ đi trước. Bây giờ, thế hệ trẻ bằng trí tuệ, công nghệ mới sẽ phải thẩm định tốt hơn các thông tin trên báo cáo tài chính. Tôi cho rằng, lãnh đạo KTNN phải đề cao một cách xứng đáng tầm quan trọng, vị thế, sự sống còn của hệ thống thông tin. KTNN phải luôn có ý thức để xây dựng hệ thống thông tin, chăm chút, bảo vệ thông tin vì đây chính là mạch nguồn, mạch máu của KTNN.

Bên cạnh đó, đội ngũ những người làm kiểm toán phải có đời sống ổn định. Đời sống tôi muốn nhấn mạnh ở đây không phải chỉ có tiền lương, thưởng mà còn là sự chăm lo về trí tuệ, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện cho những thế hệ tiếp theo vươn lên nối tiếp sự nghiệp kiểm toán. Từ đó, nuôi dưỡng tình yêu, lòng thủy chung, kiên định đối với sự nghiệp cao cả KTNN. Cái này phải trở thành nghị quyết của cấp ủy Đảng, chính quyền, Công đoàn, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ...

Mặc dù đã nghỉ hưu nhưng tôi vẫn đang giảng dạy và giúp đỡ một số nghiên cứu sinh làm luận án. Tôi rất tự hào vì họ là học trò và cũng là đồng nghiệp của tôi ở KTNN. Tôi khuyến khích và rất mong lãnh đạo KTNN ủng hộ việc nghiên cứu, học tập để cùng nhau xây dựng nên một đội ngũ Kiểm toán viên nhà nước chất lượng cao và được công nhận. Ngoài ra, KTNN cũng phải có hình thức biểu dương, khen thưởng các cá nhân, tập thể có thành tích tốt, họ là những tấm gương sáng cho mọi người học tập.

Một điểm nữa, tôi mong rằng các đơn vị được kiểm toán hãy cởi mở hơn, cùng KTNN tạo dựng một hệ thống thông tin sạch về tài chính, giúp cho nền tài chính quốc gia hiện đại, vững mạnh. Đồng thời,  các nhà lãnh đạo, bộ, ban, ngành doanh nghiệp hãy đọc kết luận của KTNN như đọc lại chính tiểu sử của bản thân mình, rút ra kết luận để điều chỉnh hoạt động tài chính của đơn vị ngày càng tốt hơn. Điều đó là khát vọng, mong đợi của tất cả những người làm kiểm toán. 

Thưa ông, ông luôn nhắc đến thế hệ trẻ, việc học tập và rèn luyện. Vậy ông kỳ vọng gì đối với thế hệ trẻ nói riêng và KTNN nói chung để KTNN phát triển vững mạnh, xứng đáng với vị thế và lòng tin của nhân dân?

Tôi luôn tin tưởng vào thế hệ trẻ của KTNN và sự tin tưởng này có cơ sở khoa học, có sự chứng nhận của lịch sử và xuất phát từ tấm lòng, tâm huyết của người đi trước. Chúng tôi rất mong các em tích lũy kiến thức, phương pháp luận, tư duy logic và hình thành hệ thống tư tưởng của chính mình về hoạt động nghề nghiệp kiểm toán. Lợi thế lớn nhất của thế hệ trẻ KTNN đang có là hệ thống thông tin, các công cụ mới, vì vậy, các kiểm toán viên phải làm chủ và có ý thức sử dụng công cụ hiện đại để nâng cao trình độ, từ đó làm chủ công việc, giúp cho KTNN phát triển cao hơn, mạnh hơn, thông minh hơn, cởi mở hơn.

Một điều nữa là hoạt động của KTNN ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, cần phải nâng cao những vấn đề về văn hóa, đạo đức, trách nhiệm xã hội. KTNN không phải là một cơ quan nghiệp vụ khô cằn và hoàn toàn không được phép như thế. KTNN phải là cơ quan nghiệp vụ hướng tới sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, hướng tới cuộc sống đời thường của người dân. Đây cũng là điều kiện để KTNN tự tạo ra môi trường lành mạnh cho hoạt động kiểm toán. 

KTNN ngoài nhiệm vụ chuyên môn đi kiểm tra, giám sát về những con số thì vẫn phải có sự đóng góp cho xã hội. Vốn dĩ, KTNN “cộng sinh” với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và nền tài chính. “Cộng sinh” ở đây là "chia sẻ hơi thở, chia sẻ không khí", cùng chịu đựng, cùng gánh vác, cùng vượt qua những khó khăn. Người dân, các tổ chức cần những thông tin sạch, thông tin đã được kiểm chứng về tài chính và KTNN phải trả lời được câu hỏi đó.

Ngoài ra, khi thực hiện nghiệp vụ, các kiểm toán viên cũng phải có góc nhìn nhân văn, đánh giá khách quan, trung thực, nhưng cũng phải có những chia sẻ, tư vấn, hỗ trợ, đặc biệt là với những dự án về văn hóa, xã hội, an sinh, nông thôn, người dân tộc, phụ nữ, trẻ em... Điều đó giúp KTNN vừa hoàn thành nhiệm vụ được giao, vừa thúc đẩy các dự án về kinh tế - xã hội, phát triển quốc gia bền vững.

Trân trọng cảm ơn những chia sẻ của ông!

Nguyễn Ly thực hiện.
 

Xem thêm »